Thứ tư, 20/11/2024
30.6 C
Ho Chi Minh City

Thách thức duy trì ‘sức nóng’ của du lịch nội địa

Đào Loan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Vào năm ngoái, ngành du lịch đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của khách nội địa với hơn 101 triệu lượt khách, vượt mức trước đại dịch và là cứu cánh cho du lịch trong bối cảnh khách quốc tế còn rất ít. Tuy nhiên, giới kinh doanh đang lo ngại trước tình trạng sức mua bắt đầu có dấu hiệu yếu đi.

Cho đến thời điểm hiện tại, với thị trường trong nước, dù có những doanh nghiệp ghi nhận lượng khách nhỉnh hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng sức mua chưa tăng cao như kỳ vọng. Ảnh minh họa: Đào Loan

Kỳ nghỉ năm ngày dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30-4 và 1-5 sắp tới được đánh giá lý tưởng cho ngành du lịch thu hút khách. Nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn… đã chuẩn bị để phục vụ cho lượng khách dự kiến là sẽ tăng cao trong dịp này, lấy đà cho sự tăng trưởng tốt hơn trong mùa hè tới.

Cho đến thời điểm hiện tại, với thị trường trong nước, dù có những doanh nghiệp ghi nhận lượng khách nhỉnh hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng sức mua chưa tăng cao như kỳ vọng. Đặc biệt, số lượng đặt chỗ đến một số điểm đến từng rất thu hút du khách trong thời trước lại giảm.

Sát kỳ nghỉ lễ, vẫn chờ khách

Theo ông Nguyễn Ngọc An, Phó tổng giám đốc Công ty Lữ hành Vietluxtour, công ty hiện vẫn còn một số tour đi miền Bắc, miền Trung. Đặc biệt, tour đi Phú Quốc, vốn thường hết chỗ sớm nhất trong các kỳ nghỉ trước thì nay vẫn còn khá nhiều.

“Với tour nước ngoài, chúng tôi đã gút với số lượng tương đối ổn nhưng tour trong nước vẫn còn. Tuy khách hàng có thể đặt tour trong nước sát ngày khởi hành nhưng có thể sẽ không có sự tăng trưởng vượt bậc. Sức mua đang yếu đi”, ông nói.

Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings, cũng cho biết thông tin tương tự, là không có sự tăng trưởng mạnh mẽ về lượng khách trong những ngày gần đây và trong kỳ nghỉ lễ sắp tới. Ba tháng gần đây, công suất phòng bình quân của khu nghỉ dưỡng ở Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) chưa đạt mức trung bình. Khu nghỉ vắng vẻ hơn so với cùng kỳ năm ngoài. Ước tính, tình trạng này sẽ không cải thiện bao nhiêu vào kỳ nghỉ lễ tới. Trong khi đó, lượng khách đặt dịch vụ qua Gotadi, đại lý du lịch trực tuyến của HG tuy có tăng nhưng không đáng kể.

“Sức mua đang có vấn đề, không còn sự tăng trưởng mạnh mẽ như thời gian qua”, ông Minh Đức nói.

Nguồn tin từ một số công ty lữ hành lớn cho biết, tuy lượng khách nội địa có tăng nhưng sức mua không tăng trưởng đột phá như kỳ vọng cho một kỳ nghỉ dài đến năm ngày, chỉ ít hơn hai ngày so với dịp Tết Nguyên đán vừa rồi.

Thậm chí, tình hình còn kém khả quan hơn tại một số điểm du lịch ở miền Trung, Nha Trang và Phú Quốc. Tại Nha Trang, lượng khách đặt phòng vẫn thấp dù giá phòng không tăng, thậm chí nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng còn chấp nhận giảm giá để thu hút khách. Ghi nhận tại nhiều khách sạn dọc bãi biển Nha Trang cho thấy, lượng đặt chỗ cho kỳ nghỉ tới chưa đạt đến 50%, có nơi thậm chí chỉ đạt chừng 30%, hiếm hoi lắm mới có khách sạn cho biết đã được 70%.

Một doanh nhân cho biết, dù đã sát kỳ nghỉ 30-4 nhưng công ty vẫn nhận được hàng loạt báo giá từ các khách sạn ở Nha Trang. Nhiều khách sạn 4 sao có giá chưa đến 1 triệu đồng/đêm phòng. Với điểm đến này, lữ hành có thể đàm phán giá tốt hơn nhưng vấn đề là khách chưa nhiều để đặt dịch vụ.

Tại Phú Quốc, nơi thường xuyên quá tải lượng khách từ cả nước nối lại hoạt động du lịch sau thời điểm tạm dừng vì dịch Covid-19, tình hình trong dịp lễ tới cũng không khả quan hơn. Đáng lẽ, trước lễ chừng hai tuần là nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng đã kín khách đặt phòng nhưng nay, phòng trống vẫn còn rất nhiều. Nhiều chủ khách sạn đã bỏ phụ thu dịch vụ cho dịp lễ, tính giá phòng rẻ hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng sức mua vẫn chưa cải thiện.

Áp lực giữ sức mua

Trao đổi với KTSG, nhiều doanh nhân đánh giá, tuy hiện tại vẫn có một số công ty lữ hành có lượng khách khá khả quan, những khách sạn gần các đô thị lớn như nhóm khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở Hồ Tràm, Bà Rịa - Vũng Tàu… gần TPHCM có công suất tốt nhưng tình hình này không thể phản ảnh được vấn đề lớn mà mảng du lịch nội địa phải đối mặt. Đó là sức mua đang giảm nhưng giá dịch vụ lại tăng làm cho việc thu hút khách hàng trở nên khó khăn.

Theo nhiều doanh nhân, sức mua du lịch đang bị ảnh hưởng bởi những khó khăn chung của nền kinh tế. Doanh nghiệp các ngành khác khó khăn hơn, nhiều người lao động bị giảm thu nhập đã khiến người tiêu dùng đắn đo hơn khi mua tour và các dịch vụ du lịch.

Ông An, Lữ hành Vietluxtour, khó khăn này bắt đầu thể hiện nhiều hơn từ sau kỳ nghỉ Tết. Chẳng hạn, với mảng du lịch nước ngoài, tuy lượng khách tăng, khách hàng đang chuộng loại tour này sau thời gian dài các điểm đến đóng cửa vì dịch bệnh và vì có giá khá tốt nhưng sức mua không bật lên mạnh mẽ. Trong mảng nội địa, quyết định mua hàng của khách rất dễ bị tác động. Những thông tin không tích cực về kinh tế, việc làm hoặc giá cả dịch vụ tác động rất sớm đến quyết định mua hàng.

“Thực tế trong những ngày qua cho thấy, khách hàng thận trọng hơn rất nhiều khi quyết định mua dịch vụ, thậm chí khi thấy giá dịch vụ tăng là quyết định dời chuyến du lịch”, ông nói.

Nhiều doanh nhân cho biết, giá dịch vụ, đặc biệt là giá vé máy bay, vốn chiếm khoảng 40-50% tổng chi phí tour tăng cao trong dịp lễ này và mùa hè tới sẽ là vấn đề khó nhất cho du lịch nội địa. Với khách lẻ, giá vé cho những đường bay ở cự ly trung bình, tính từ TPHCM như Đà Nẵng, Phú Quốc và Nha Trang hiện đã hơn mức 4 triệu đồng/vé khứ hồi. Với doanh nghiệp lữ hành, tuy có thể đặt trước cho khách đoàn với giá thấp hơn từ 20% trở lên nhưng vẫn đắt hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái nên việc bán tour khó hơn. Tình trạng phòng trống còn nhiều ở Phú Quốc cũng có phần lớn từ tình trạng giá vé máy bay quá cao.

Thông tin từ một số công ty lữ hành cho biết, giá vé máy bay dành cho khách đoàn, đặt trước cho năm nay tăng 15-20%, dịp cao điểm 30-4 tăng 30-40% tùy đường bay dài, ngắn và mức độ thu hút khách của điểm đến. Hiện nhiều doanh nghiệp đang cân nhắc các kế hoạch cho mùa hè vì lo ngại thị trường sẽ khó hơn vì giá cả tăng cao.

Một doanh nhân cho biết, vào hè năm ngoái, vé máy bay cho khách đoàn trong tháng Sáu là 1,6-1,9 triệu đồng/vé khứ hồi TPHCM - Phú Quốc/Nha Trang/Quy Nhơn, TPHCM - Đà Nẵng khoảng 2,4 triệu; trong tháng 7, vé cho tuyến TPHCM -Phú Quốc/Nha Trang/Quy Nhơn tăng lên cỡ 2,2-2,5 triệu vé, TPHCM - Hà Nội cỡ 2,7 triệu đồng/vé khứ hồi. Nếu giá trong mùa hè này tăng cao như dịp lễ 30-4 tới thì việc thu hút khách nội địa là rất khó.

Theo ông Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings, giá vé máy bay tăng cao hiện là vấn đề chung của một số điểm đến. Sau thời gian dài thua lỗ vì dịch bệnh, nhiều hãng hàng không buộc phải tăng giá vé để bù lại một phần mất mát vì dịch bệnh. Thêm vào đó, chi phí nhiên liệu, nhân công... cao cũng khiến giá vé tăng. Đây là rào cản rất lớn cho quá trình hồi phục du lịch, đặc biệt là du lịch nội địa trong bối cảnh sức mua chưa chắc chắn mà lại phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các điểm đến quốc tế.

Theo ông, cũng như nhiều năm trước, việc giải quyết vấn đề giá cả để tạo sức cạnh tranh cho du lịch nội địa không trong tầm tay của doanh nghiệp mà đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cơ quan. Sự điều tiết này có thể được thể hiện bằng cách điều phối sự hợp tác của các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ hoặc đưa ra những chính sách ưu đãi cho khách hàng để giảm gánh nặng chi phí nhằm kích thích sức mua.

Tại một số công ty, giá tour từ TPHCM đi Hà Nội và một số điểm đến phía Bắc trong năm ngày vào dịp lễ tới là 9,5 triệu đồng, ngang ngửa thậm chí cao hơn giá đến một số điểm đến khác ở nước ngoài.

Chẳng hạn, giá tour trọn gói 4 ngày đi Bali (Indonesia) từ 10-11 triệu đồng, tour Thái Lan 5 ngày từ 7-8 triệu đồng, tour Malaysia - Singapore từ 10-11 triệu đồng… Ở các điểm đến khác như Đài Loan, Trương Gia Giới (Trung Quốc), các hãng hàng không cũng đang ồ ạt khuyến mãi để thu hút khách trở lại sau dịch. Điều này sẽ gây áp lực rất lớn để du lịch trong nước giữ sức hút với khách hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới