Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thách thức kích cầu!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thách thức kích cầu!

Tác dụng của gói kích cầu đối với xã hội và nền kinh tế hoàn toàn phụ thuộc đối tượng chi – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Kích cầu là một khái niệm khoa học chỉ những biện pháp nhà nước đưa ra nhằm nâng cao nhu cầu có khả năng thanh toán (nhu cầu được bảo đảm bằng tiền) để tăng lưu chuyển hàng hóa, hiểu đơn giản về mặt hành vi là nhà nước chi tiền mặt để tăng sức mua.

Tính đến đầu tháng 2, tổng hợp các gói kích cầu lớn ở EU, Mỹ, Nhật có thể xếp hạng theo quy mô như sau: Mỹ đứng đầu có thể chi tới 819 tỉ đô la trong vòng hai năm (2009 và 2010), chủ yếu để đầu tư và xây dựng cầu đường và các công trình công cộng, y tế chừng 544 tỉ, giảm thuế và trợ cấp người nghèo chừng 275 tỉ.

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Nhật chi tổng cộng 95 tỉ đô la. Đức đứng thứ ba với 49,25 tỉ euro, trong đó 15 tỉ được dùng bảo đảm tín dụng, 17,33 tỉ xây dựng đường giao thông liên bang, trường học bệnh việc các cơ sở công cộng địa phương, 1,5 tỉ thưởng cho những người hủy xe hơi chín năm tuổi, mua xe mới loại thỏa mãn quy phạm khí thải Euro-4, mức 2.500 euro/xe.

Số tiền còn lại chi vào giảm thuế xe, trợ cấp lao động nghỉ việc do thời vụ, tăng nhân viên quản lý nhà nước, đào tạo nhân công, giảm thuế thu nhập, hỗ trợ các bằng sáng chế đổi mới, giảm phí bảo hiểm sức khỏe…

Pháp đứng tiếp sau với gói kích thích tăng trưởng 26 tỉ euro, dành chủ yếu cho công nghiệp ô tô và xây dựng. Đến ba phần tư tổng mức sẽ được chi trong năm nay: 1,8 tỉ dành cho xây dựng nhà ở, 22 tỉ bảo đảm tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ước 3,8 triệu gia đình nghèo nước họ được trợ cấp 200 euro/năm, ngốn ngân sách 760 triệu euro.

Sau Pháp là Anh Quốc chi 23,7 tỉ euro kích cầu. Là nước đầu tiên trong khối EU giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 17,5% xuống 15%, cùng lúc tăng thuế nhà giàu và giảm thuế thu nhập cho người nghèo. Riêng chỉ chương trình tạo 100.000 việc làm trong khu vực nhà nước và lĩnh vực bảo vệ môi trường đã ngốn mất hàng tỉ euro.

Tiếp đến Tây Ban Nha đã phải chi tới 8 tỉ trong 11 tỉ euro kích cầu cho dự kiến tạo ra 300.000 việc làm trong năm 2009 trong các lĩnh vực xây dựng và công trình công cộng, 800 triệu hỗ trợ ngành chế tạo ô tô, 600 triệu cho bảo vệ môi trường.

Đứng thứ bảy là Ý, tổng kích cầu của họ chỉ 2,4 tỉ euro, những hộ nghèo sẽ được nhận trợ cấp tới 1.000 euro trong năm 2009. Phần còn lại nhắm vào giảm thuế và bảo lãnh tín dụng.

Các khoản chi trên có thể chia làm ba dạng, dạng đầu tư vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đào tạo, nhằm tăng việc làm, thu nhập cho lao động, tăng sức mua hàng hóa nhưng lâu dài là để tạo nền tảng hạ tầng vững chắc, và nhân lực cho phát triển kinh tế trong tương lai. Dạng thứ hai, bảo lãnh tín dụng, mua lại các tập đoàn quan trọng đối với nền kinh tế có nguy cơ phá sản, nhằm tránh tạo ra phản ứng dây chuyền nguy hại cấp bách đến nền kinh tế. Dạng thứ ba, cho không người dân, thông qua giảm thuế, trợ cấp, tăng nhu cầu có khả năng thanh toán cho tầng lớp này, về mặt xã hội qua đó bảo đảm an sinh, khắc phục hậu quả suy thoái kinh tế đe dọa tầng lớp thu nhập thấp.

Vai trò, ý nghĩa kích cầu nghe ghê gớm vậy, nhưng dù là cường quốc thì gói kích cầu cũng chịu giới hạn cả về quy mô lẫn tác dụng, chỉ mang tính kích thích, xúc tác như trong hóa học, đòn bẩy trong vật lý.

Lấy nước Đức làm ví dụ, 50 tỉ euro nói là để kích cầu, đồng nghĩa với tăng sức mua, nhưng nếu đổ hết tiền đó ra mua cũng chỉ được tối đa 500.000 chiếc xe hạng sang giá 100.000 euro/chiếc ở Đức, trong khi số xe đó còn hàng triệu chưa bán được, hiện nhiều hãng xe đã phải giảm ngày làm việc hoặc giãn hàng chục ngàn thợ. Nếu số tiền đó chi cho quan chức đi nghỉ khách sạn sang nhất ở Dubai thì cũng chỉ đủ chi cho 6.900 người ở đó trong một năm!

Hai phép tính trên cho thấy, nhà nước không thể bao tiêu được nền kinh tế thị trường và nếu để quan chức tham nhũng (đi nghỉ khách sạn) thì gói kích cầu hóa ra vô nghĩa và biến mất rất nhanh. Tuy nhiên, nếu lấy tiêu chuẩn của nhà nước Đức hiện nay 351 euro/tháng (4.212 euro/năm) trợ cấp cho bất kỳ người dân nào không có thu nhập, để bảo đảm cuộc sống tối thiểu ăn ở, chữa bệnh, đi lại của họ, thì 50 tỉ có thể cấp cho gần 12 triệu/80 triệu dân Đức cả một năm trời, hoặc cho cả nước Đức 80 triệu dân trong vòng hai tháng không cần đi làm.

Té ra gói kích cầu lại rất hiệu nghiệm trong vấn để bảo đảm an sinh – chức năng cơ bản nhất của một nhà nước xây dựng trên nền tảng kinh tế thị trường. Vậy là tác dụng của gói kích cầu đối với xã hội và nền kinh tế hoàn toàn phụ thuộc đối tượng chi.

Đối tượng chi này ở các nước nói trên rút ra từ sự tổng hợp các số liệu nhu cầu của nền kinh tế, xã hội, các doanh nghiệp, các cấp chính quyền, giải thích tại sao dự toán con số chi của họ toàn số lẻ, hoàn toàn không xuất phát từ một sự võ đoán nào cả.

Đây chính là thách thức hiệu quả gói kích cầu ở nước ta, khi mà ít ai biết được thực tại nhu cầu chi tiết nền kinh tế và xã hội qua những con số chính xác, thiếu sự cọ xát phản biện của các đối tượng cấu thành nền kinh tế để làm cơ sở cho quyết sách?

Vấn đề tiếp theo là hậu họa từ nguồn chi kích cầu. Tiền nhà nước nào cũng có giới hạn, vì vậy kích cầu sẽ làm mất cân đối thu chi ngân sách. Trường hợp 1, không kích cầu thì có nghĩa bỏ mặc nền kinh tế lao đao, suy thoái, nhưng kích cầu thì trước hết ngân sách bị uy hiếp, và nếu xảy ra trường hợp 2 không hiệu quả thì tiền ngân sách mất, nhưng tật bệnh của nền kinh tế suy thoái trầm trọng hơn, người dân vẫn phải gánh.

Cá nhân nào sẽ là người chịu trách nhiệm trong cả hai trường hợp đó? Ở Đức, theo đánh giá của Viện IAB, gói kích cầu 50 tỉ có thể mang lại mức tăng trưởng kỳ vọng 0,5-1% và có thể tạo được chừng 250.000 việc làm nhưng cũng nước Đức sẽ rơi vào nợ kỷ lục kể từ sau thế chiến thứ 2.

Dự kiến với gói kích cầu 49,25 tỉ, khoản nợ mới của nước Đức cũng sẽ tăng tới 50 tỉ euro vào năm 2009, đặt nước Đức trước một khoản nợ cả cũ lẫn mới tới 1.600 tỉ euro, chia cho 80 triệu dân, bình quân mỗi người dân nợ 20.000 euro!

Đó là con số mà Thủ tướng Đức phải chịu trách nhiệm, chứ không phải đảng cầm quyền, hạ viện hay thượng viện, mặc dù gói kích cầu chính do các thành phần trên thông qua, đến mức Thủ tướng Đức Angela Merkel phải thừa nhận, gói kích cầu là quyết định nặng nề nhất về mặt trách nhiệm trong cuộc đời của bà.

Tổng thống Mỹ Obama cũng tuyên bố với Quốc hội sẵn sàng chịu trách nhiệm trước gói kích cầu do ông đề nghị. Khái niệm chịu trách nhiệm trong hai phát biểu trên được hiểu là, dù nhiều thành phần tham gia, được đảng cầm quyền nhất trí, được các cơ quan lập pháp thông qua, họ sẽ từ chức, hoặc chịu mất chức, hoặc bị thất cử nhiệm kỳ tới vì quyết định đó!

Và cũng có nghĩa gói kích cầu đã được nghiên cứu kỹ càng, được bảo đảm bằng sinh mạng chính trị của cá nhân người được giao thẩm quyền quyết định nó (xin lưu ý, ở đây không liên quan gì thể chế cả). Đây chính là thách thức thứ hai ở ta, về quy trách nhiệm cá nhân đối với các quốc sách.

TS. NGUYỄN SỸ PHƯƠNG – Đức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới