(KTSG Online) - Bên cạnh thách thức từ thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được áp dụng từ đầu năm tới, việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài cũng gặp nhiều trở ngại không nhỏ trên hành trình nâng cao chất lượng dòng vốn FDI theo mục tiêu mà Chính phủ đề ra.
- Hơn 1.000 doanh nghiệp FDI sẽ bị ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu
- Các nhà sản xuất Mỹ đẩy mạnh đưa chuỗi cung ứng về nước
Việt Nam không chỉ phải cạnh tranh với các nền kinh tế trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ... để trở thành "tổ ấm" của những tập đoàn toàn cầu quy mô lớn (hay còn được gọi là "đại bàng") mà còn chịu sức ép đến từ những nền kinh tế trước nay chỉ chuyên về "xuất khẩu" vốn FDI.
Cạnh tranh với những nhà "xuất khẩu" nhà đầu tư...
Định hướng của Chính phủ về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là thu hút được các dự án quy mô lớn, chất lượng và tạo được giá trị gia tăng, đáng chú ý là thu hút được các dự án công nghệ cao, công nghệ mới...
Tuy nhiên, những nền kinh tế lâu nay “xuất khẩu” về đầu tư như Nhật Bản, Hàn Quốc,... hoặc những nền kinh tế quê hương của các người khổng lồ công nghệ như Mỹ, EU lại đang có xu hướng khuyến khích doanh nghiệp quay về đầu tư tại thị trường bản xứ.
Những động thái này theo giới phân tích một mặt là nhằm tập trung nguồn lực ứng phó với tình trạng suy thoái kinh tế, gia tăng số người thất nghiệp từ sau ảnh hưởng dịch bệnh Covid đến nay, một mặt cũng hạn chế "xuất khẩu" công nghệ cao, kỹ thuật và cũng nhằm bảo đảm an ninh quốc gia đối với công nghệ nguồn.
Chẳng hạn như Mỹ, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chuẩn bị một chương trình mới nhằm cấm đầu tư của nước này vào một số lĩnh vực công nghệ quan trọng ở nước ngoài. Theo WSJ thông tin rằng trong các báo cáo gửi đến các nhà lập pháp hồi đầu tháng 3 vừa qua, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Mỹ cho biết, đang xem xét một hệ thống quy định mới để kiểm soát hoạt động đầu tư của Mỹ vào các công nghệ tiên tiến ở nước ngoài, có thể gây ra rủi ro an ninh quốc gia.
Theo các báo cáo, chính quyền Joe Biden có thể cấm đầu đầu tư trong một số lĩnh vực nhất định, đồng thời sẽ thu thập thông tin về các khoản đầu tư khác để chuẩn bị cho các động thái tiếp theo.
WSJ dẫn các nguồn tin nắm rõ nội dung của chương trình cho biết, các hạn chế này có thể bao gồm quy định cấm các khoản đầu tư vốn cổ phần tư nhân và vốn mạo hiểm vào chip cao cấp, điện toán lượng tử và một số dạng trí tuệ nhân tạo (AI).
Chẳng hạn, giới chức Mỹ muốn ngăn cấm các nhà đầu tư Mỹ cung cấp vốn và chuyên môn cho các công ty Trung Quốc có thể giúp Bắc Kinh cải thiện tốc độ và độ chính xác trong quyết định quân sự. WSJ dẫn các nguồn tin rằng, trong nhiều tháng qua, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nghiên cứu một sắc lệnh hành pháp thiết lập các quy tắc đầu tư mới ở nước ngoài.
Theo giới quan sát, dù động thái này của Mỹ chủ yếu nhắm đến Trung Quốc, nhưng đây là bước đi mới nhằm bảo vệ lợi thế công nghệ của Mỹ trên toàn cầu nên ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến các nỗ lực thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao ở các quốc gia khác như Việt Nam.
Trong báo cáo thường niên FDI 2022, do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) công bố gần đây, cũng chỉ ra rằng Chính phủ các nền kinh tế phát triển đang có xu hướng hạn chế FDI ra ngoài với những mục tiêu nói trên.
Lấy đơn cử như nước Mỹ, Chủ tịch VAFIE Nguyễn Mại, cũng cho rằng chính phủ xứ cờ hoa đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống còn 21%. Đồng thời Mỹ cũng cải cách thủ tục cấp phép đầu tư; đưa ra các tiêu chuẩn linh hoạt hơn nhằm nâng cao tính cạnh tranh của một số ngành công nghiệp Mỹ, như năng lượng, ô tô, nhôm, thép, áp thuế cao với hàng nhập khẩu.
Đáng chú ý, Mỹ còn thúc đẩy “mạng lưới kinh tế thịnh vượng” nhằm kết nối các quốc gia đồng minh trong một số chuỗi cung ứng bán dẫn, dịch vụ 5G...
Trên thực tế trong xu hướng dịch chuyển công xưởng Mỹ vào năm ngoái, hàng loạt doanh nghiệp nước này cũng đã đưa các công xưởng từ các nước trở về Mỹ, tạo thêm được hàng trăm ngàn vị trí việc làm cho người dân.
Trong khi đó, các nước trong khối EU cũng đang thúc đẩy kinh tế “tự chủ chiến lược” thông qua kiểm soát nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài. Pháp triển khai chiến lược “sản xuất tại Pháp” nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước các ngành có giá trị gia tăng cao, như ô tô, hàng không, công nghệ số. Còn Đức, Ý quy định kiểm soát chặt chẽ hơn đối với FDI trong các ngành quan trọng…
Nhật Bản và Hàn Quốc - hai đối tác có nguồn FDI lớn vào Việt Nam cũng đang áp dụng nhiều biện pháp. Chính quyền xứ kim chi đã ban hành luật thu hút các doanh nghiệp đã đầu tư ở nước ngoài quay về sản xuất - kinh doanh trong nước. Còn Nhật Bản dành 2 tỉ đô la hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản đưa nhà máy sản xuất từ Trung Quốc về nước và khoảng 200 triệu đô la để hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản di chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang nước thứ ba đối với một số ngành ưu tiên.
Trong khi đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản xem xét lại hoạt động ở nước ngoài sau những đứt gãy trong đại dịch Covid; nhất là tại thị trường Trung Quốc, nơi quan hệ Mỹ-Trung đang xấu đi.
Cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư...
Trao đổi với KTSG Online, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc Hội, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cũng cho rằng thách thức của Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư FDI là không chỉ cạnh tranh với các nước thu hút đầu tư mà còn cạnh tranh với cả các nước lâu nay "xuất khẩu vốn đầu tư".
Cùng với đó là việc thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ áp dụng vào năm 2024 được dự báo tác động tới hầu hết tập đoàn đa quốc gia, trong đó có rất nhiều tập đoàn lớn, doanh nghiệp công nghệ đầu tư tại Việt Nam. TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cũng cho rằng ưu đãi thuế là một trong hai biện pháp mà lâu nay nền kinh tế gần 100 triệu dân áp dụng để thu hút những dự án cần thu hút đầu tư.
Với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam đang áp dụng sẽ kém hấp dẫn đối với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp FDI lớn. Các biện pháp ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện đang áp dụng sẽ không còn giá trị.
Rõ ràng áp lực cạnh tranh thu hút FDI của Việt Nam cho thấy ngày càng thách thức hơn. Do đó, theo các chuyên gia, trong bối cảnh dòng đầu tư toàn cầu được Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo tiếp tục suy giảm, Việt Nam cần phải hành động nhiều hơn nữa.
Bởi lẽ, hiện nay Việt Nam có nhiều đối thủ về thu hút vốn FDI, trong đó có 2 đối thủ cạnh tranh rất lớn là Ấn Độ và Indonesia.
Cụ thể trong khối ASEAN, đối thủ cạnh tranh của Việt Nam là Indonesia. Indonesia có dân số và GDP gấp 3 lần Việt Nam. Tổng thống Indonesia cũng coi trọng đầu tư nước ngoài và nước này có quan hệ tốt, nhận nhiều đầu tư từ EU và Mỹ. Nhân chuyện doanh nghiệp rời Trung Quốc, Indonesia đã công bố nhiều chính sách hấp dẫn để thu hút đầu tư FDI.
Còn Ấn Độ, dân số sắp vượt Trung Quốc và công nghệ rất cao. Theo khảo sát của VAFIE, Ấn Độ có đội ngũ nhân lực dồi dào, đào tạo nhiều kỹ sư nhất thế giới, trong khi tiền lương thấp hơn nhiều, khoảng 60-70% so với Việt Nam - đây là những lợi thế rất lớn của Ấn Độ. Trong khi chính sách của Thủ tướng Ấn độ Narendra Modi là rất coi trọng hội nhập với thế giới, năm nào cũng xúc tiến đầu tư với Mỹ và EU 2-3 lần.
Ngoài ra, còn có các thách thức nội tại khi nền kinh tế chuyển sang thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới nhưng thể chế, chính sách, pháp luật chưa hoàn chỉnh, thực thi thể chế chưa nghiêm, các ưu đãi chưa chuyển biến sang ưu đãi mà các tập đoàn lớn cần... thì rất khó thu hút "chim ưng" về xây tổ, giữ chân các tập đoàn lớn, công nghệ cao.
Ông Phan Đức Hiếu cho rằng trước những thách thức nói trên là động lực để Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Và đây sẽ là công cụ chính để Việt Nam giữ chân doanh nghiệp FDI và thu hút thêm các nhà đầu tư mới chất lượng hơn.
Tại tọa đàm thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu – triển vọng và thách thức trong thu hút FDI trên địa bàn TPHCM vào ngày 29-3, bà Trần Đỗ Lê Uyên, Luật sư điều hành của Công ty Luật BR Law Firm, cũng nhìn nhận chính sách thuế chỉ là một trong nhiều yếu tố nhà đầu tư FDI quan tâm. Cải cách thủ tục hành chính, pháp lý để giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp theo bà là vấn đề quan trọng cần được ưu tiên.
Trong khi đó, ông Trần Việt Hà, Phó Ban quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp TPHCM, cũng cho rằng thời gian chính là chi phí đối với doanh nghiệp. Vì vậy, thứ nhà đầu tư cần là sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền để triển khai dự án nhanh nhất, thuận lợi nhất.
Đề xuất thay đổi tư duy tiếp cận thu hút FDI chất lượng cao, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, cho rằng cần bỏ cách tiếp cận ưu đãi thuế trong chiến lược thu hút FDI, tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng và bình đẳng. Thay vào đó là cần tập trung đầu tư vốn nhân lực, nâng chất cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh…
Cùng quan điểm, ông Phan Vũ Hoàng của Deloitte Việt Nam nhận định, chất lượng môi trường đầu tư quan trọng hơn cả những ưu đãi. Do đó, cần tăng chất lượng hấp dẫn bằng hạ tầng, sự minh bạch trong quyết định...
Ông Steven Cranwell, Tổng giám đốc khu vực châu Mỹ, kiêm Giám đốc khu vực khối khách hàng doanh nghiệp châu Mỹ của Ngân hàng Standard Chartered, cho rằng ngày càng có nhiều doanh nghiệp cho biết họ có kế hoạch mở rộng sang Việt Nam nhưng vẫn còn những thách thức cần phải giải quyết.
Có một số ý kiến từ các doanh nghiệp cho rằng Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt về cảng, hạ tầng giao thông vận tải và năng lực của ngành logistics để duy trì tốc độ tăng trưởng. Ngoài ra, sự phụ thuộc của Việt Nam vào nguyên liệu thô từ Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới nỗ lực đa dạng hóa của các doanh nghiệp do sản xuất có thể bị gián đoạn nếu nguồn cung từ Trung Quốc bị suy giảm hoặc gián đoạn.
Góp ý về cải cách thủ tục hành chính, theo VAFIE, 100% doanh nghiệp FDI phản hồi, cho rằng Chính phủ Việt Nam cần nhanh chóng rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp với biến động của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút doanh nghiệp FDI của các nước trên thế giới.
Nhà nước cần thống nhất các quy định trước khi ban hành để tránh việc gây ra các quy định chồng chéo, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình tuân thủ. Đồng thời, tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh, thông thoáng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài.