Thứ Tư, 18/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thách thức thương mại hàng hóa 2024

Triệu Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 683 tỉ đô la Mỹ, giảm 6,6% so với năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 355 tỉ đô la Mỹ, giảm 4,4%. Tuy nhiên, nhờ nhập khẩu hàng hóa giảm nhiều hơn – đến 8,9%, nên cán cân thương mại hàng hóa vẫn đạt thặng dư kỷ lục 28 tỉ đô la Mỹ. Năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sẽ đứng trước những thách thức gì?

Một số dự báo cho thấy tiền đồng thậm chí có thể tăng giá trở lại khi đô la Mỹ trên thị trường quốc tế được dự báo đi xuống. Ảnh: LÊ VŨ

Nhiều yếu tố ảnh hưởng

Năm 2024, dựa trên mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước ở mức 6-6,5%, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng khoảng 6%, lên 377 tỉ đô la. Cán cân thương mại hàng hóa dù vẫn duy trì thặng dư, nhưng sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 15 tỉ đô la. Điều này phần nào cho thấy hoạt động thương mại hàng hóa trong năm 2024 sẽ gặp không ít thách thức.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, đơn hàng xuất khẩu hàng hóa đang dần hồi phục kể từ quí 4-2023 là một trong những yếu tố để các doanh nghiệp xuất khẩu tin tưởng bức tranh thị trường năm 2024 sẽ khởi sắc hơn. Nhưng nhiều dự báo cũng cho thấy nền kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng chậm nên sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu. Theo kết quả khảo sát của Reuters gần đây, kinh tế toàn cầu được dự báo chỉ đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 2,6% trong năm 2024, giảm nhẹ so với mức ước tính 3% của năm ngoái.

Trong khi đó, xác suất các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu cắt giảm lãi suất ngay từ nửa đầu năm 2024 là khá thấp. Nếu có giảm, bước giảm các đợt đầu dự kiến cũng sẽ rất khiêm tốn, trong bối cảnh rủi ro lạm phát vẫn tiềm ẩn và có thể tăng vọt trở lại bất kỳ lúc nào. Với mặt bằng lãi suất vẫn neo cao, các nền kinh tế lớn – vốn là đối tác thương mại hàng hóa chính của Việt Nam, dự kiến vẫn trì trệ, tổng cầu phục hồi chậm, đặt ra thách thức cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm nay.

Mối lo ngại lớn nhất là hoạt động thương mại hàng hóa toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nguy cơ xung đột quân sự lan rộng.

Lãi suất tại các nền kinh tế neo cao cũng khiến Việt Nam khó thu hút vốn cho đầu tư nói chung và trực tiếp tạo áp lực không nhỏ trong việc giữ vốn đã đầu tư ở lại Việt Nam, cũng như thu hút thêm vốn đầu tư mới. Dòng vốn đầu tư gặp thách thức kế tiếp cũng có thể ảnh hưởng lên hoạt động thương mại hàng hóa, khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang chiếm tỷ trọng vượt trội trong kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Cụ thể, trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa năm 2023 của Việt Nam, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,55 tỉ đô la, giảm 0,3%, chiếm 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 259,95 tỉ đô la, giảm 5,8%, chiếm tỷ trọng lên đến 73,1%. Còn xét theo cán cân thương mại hàng hóa, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 21,74 tỉ đô la; trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu đến 49,74 tỉ đô la.

Tỷ giá cũng là yếu tố ảnh hưởng đáng kể lên hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi nhiều quốc gia đã để đồng tiền mất giá mạnh so với đô la Mỹ trong năm 2023, tiền đồng mất giá chưa đến 3%. Đáng lưu ý là trong năm 2024 này, một số dự báo cho thấy tiền đồng thậm chí có thể tăng giá trở lại khi đô la Mỹ trên thị trường quốc tế được dự báo đi xuống, cộng thêm nguồn cung trong nước dồi dào. Như báo cáo của Công ty Chứng khoán TCBS nhận định, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng sẽ đi ngang trong thời gian nửa đầu năm và có xu hướng giảm nhẹ 2% trong nửa cuối năm theo chỉ số USD Index.

Lo ngại nhất từ xung đột quân sự

Dù vậy, các tác động kể trên vẫn nhỏ so với mối lo ngại lớn nhất là hoạt động thương mại hàng hóa toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nguy cơ xung đột quân sự lan rộng. Trong khi cuộc xung đột Nga – Ukraine còn dai dẳng, xung đột giữa quân đội Irsael và lực lượng Hamas bất ngờ nổ ra từ đầu tháng 10 năm ngoái vẫn đang đứng trước khả năng lây lan ra toàn khu vực Trung Đông và kéo theo nhiều nước tham gia.

Các đánh giá cho thấy các cuộc xung đột vũ trang và căng thẳng địa chính trị đang có chiều hướng gia tăng trên toàn thế giới. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu hòa bình Oslo (Peace Research Institute Oslo) dựa trên Dự án Dữ liệu về xung đột vũ trang của Đại học Uppsala (Uppsala Conflict Data Program), số lượng, cường độ và thời gian kéo dài của các cuộc xung đột vũ trang trên toàn thế giới đang ở mức cao nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh.

Đơn cử như việc lực lượng Houthi tại Yemen trong thời gian gần đây liên tục tấn công các tàu hàng qua Biển Đỏ để phản đối Irsael, khiến chuỗi cung ứng đứng trước nguy cơ lại bị đứt gãy và gây áp lực lên lạm phát toàn cầu. Theo báo cáo của Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), lượng tàu đi qua kênh đào Suez đã giảm 39% so với đầu tháng 12-2023, dẫn đến giảm 45% về trọng lượng hàng hóa vận chuyển qua tuyến hàng hải này.

Nhiều công ty vận tải biển đã phải chuyển hướng tàu vận tải hàng hóa, gây mất ổn định các tuyến thương mại biển. Cụ thể, bảy trong số 10 công ty vận tải biển lớn nhất thế giới đã dừng việc sử dụng kênh đào Suez và Biển Đỏ do cuộc khủng hoảng trên, trong đó có các hãng lớn như Yang Ming Line, One, Evergreen Line, Maersk… Theo đó, các tàu container sẽ phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng của châu Phi, khiến hành trình dài hơn khoảng 40% và chi phí vận tải tăng vọt.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) gần đây, giá cước đi Mỹ, EU tăng vọt trong những ngày đầu tháng 1-2024 này, gần 3.000 đô la/container cho một chuyến đến bờ Tây (Mỹ), tức cao hơn 55-60% so với cuối 2023. Tương tự, cước đi bờ Đông (Mỹ) tăng 50-70%, lên 4.100-4.500 đô la/container. Riêng cước tàu sang EU gấp hơn hai lần so với cuối năm ngoái, khoảng 4.350-4.450 đô la/container. Cước vận tải tăng cao nếu kéo dài sẽ trở thành gánh nặng lên cả người bán lẫn người mua, tiếp tục tác động xấu đến tổng cầu chỉ vừa bước đầu hồi phục.

Đáng lưu ý là ngoài Biển Đỏ, với kênh đào Suez xử lý 12-15% thương mại toàn cầu và 25-30% lưu lượng container, hai tuyến thương mại toàn cầu chính còn lại cũng bị gián đoạn, bao gồm kênh đào Panama, nơi mực nước thấp do hạn hán khiến lưu lượng vận chuyển tháng trước giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 62% so với hai năm trước; và dòng chảy thương mại ở Biển Đen với các loại hàng hóa ngũ cốc và dầu cũng bị hạn chế do tác động bởi cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine.

Bên cạnh cước phí tăng vọt, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng đối diện nguy cơ không thể xuất được hàng do kéo dài thời gian vận chuyển. Cụ thể, thời gian chuyển hàng từ Việt Nam sang bờ Đông của Mỹ thường khoảng 28 ngày, thì hiện tăng hai tuần, tức 45 ngày hàng mới đến nơi. Điều này ảnh hưởng tới chất lượng hàng nông sản, khiến doanh nghiệp không thể xuất khẩu được, nhất là trái cây tươi.

Trước bối cảnh như vậy, để thúc đẩy tổng cầu, các chuyên gia phân tích cho rằng các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm đối tác và mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu ngoài các thị trường chính là Trung Quốc, Mỹ hay châu Âu. Tìm kiếm cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng với vị thế vững chắc, là đối tác ưu tiên của các nhà sản xuất – phân phối lớn trên thế giới. Tập trung khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới