Thứ tư, 15/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thách thức trên hành trình ‘kỳ tích sông Sài Gòn’

(KTSG Online) – Với việc tận dụng tối đa tiềm năng từ hai bờ sông Sài Gòn, TPHCM được giới chuyên gia quy hoạch dự báo rằng có thể tạo ra “kỳ tích sông Sài Gòn” tương tự nhiều đô thị đi trước để phát triển ổn định và bền vững, như Seoul (Hàn Quốc) với “kỳ tích sông Hàn”. Trên hành trình ấy, có nhiều thuận lợi cần phát huy và nhiều thách thức cần chung tay giải quyết dứt điểm.

Kiến trúc sư Ngô Anh Vũ (Viện Quy hoạch xây dựng TPHCM) tính toán, với khoảng cách từ 100 đến 200 m tính từ mép bờ cao trở vào trong, dọc theo chiều dài khoảng
80 km của sông Sài Gòn, nếu lập quy hoạch hai bên bờ sông sẽ dư ra từ 3.100 đến 5.000 ha đất, trong đó diện tích mặt sông khoảng 2.000 ha. Phần diện tích đất hai bên sông nêu trên tương đương với diện tích của quận Tân Phú hoặc quận 7.

Ngoài hành lang hai bên bờ, còn rất nhiều mảnh đất dọc sông Sài Gòn phù hợp với việc quy hoạch các công viên lớn nhỏ, điểm vui chơi giải trí, vườn dạo bộ có những lối đi dọc ngang, sân chơi cho trẻ em, nơi thư giãn cho người già, khu vực tổ chức sự kiện thể thao, văn hóa, du lịch, các dịch vụ ẩm thực, kinh doanh… Đó chính là những điều kiện thuận lợi cho mọi người đến tận hưởng không gian hai bên bờ sông, gặp gỡ, trò chuyện.

Về kinh phí tổ chức thực hiện, có thể khai thác từ quỹ đất còn lại. Trong đó, có quỹ đất dồi dào chưa xây dựng hai bên sông, những mảnh đất đắt đỏ sau khi di dời các cảng Ba Son, Sài Gòn, Tân Cảng... cũng có thể cho phép kinh doanh với mật độ thấp, hài hòa về kiến trúc tổng thể.

Quỹ đất hai bên bờ sông Sài Gòn rất thích hợp triển khai dự án phục vụ cộng đồng, mở rộng không gian với cảnh quan đẹp kết nối khu vực trung tâm và lân cận. Thuận lợi hơn, có sẵn nhiều địa điểm lý tưởng để kết nối khu vực trung tâm như phố đi bộ, quảng trường Mê Linh, Thủ Thiêm.

Sông Sài Gòn không chỉ có cảnh quan đẹp, nước chảy êm đềm, chiều sâu và bề rộng rất lý tưởng cho tàu thuyền di chuyển mà còn mang dấu ấn lịch sử được kết nối với hàng loạt di tích, địa điểm văn hóa như chùa, nhà thờ, khu đô thị Thủ Thiêm, quảng trường Mê Linh, phố đi bộ Nguyễn Huệ, cảng Sài Gòn, Tân Cảng, Ba Son, bến Nhà Rồng, bến Bạch Đằng... Từ đây có thể tái hiện cảnh truyền thống “trên bến dưới thuyền” mang đậm chất Sài Gòn. Kết hợp với nhiều chức năng khác, sông Sài Gòn sẽ trở thành đặc sản văn hóa của TPHCM, mang màu sắc của vùng đất và con người bản xứ - một sản phẩm du lịch phi vật thể. Các hoạt động như kinh doanh du thuyền ngắm cảnh, phục vụ ẩm thực và nước uống, thưởng thức đờn ca tài tử trên sông... có thể đẩy mạnh.

Một thuận lợi khác có thể kể đến đó là hệ thống giao thông gắn với sông nước của TPHCM đang từng bước được cải thiện với hàng loạt cây cầu như Bình Phước, Bình Lợi, Bình Triệu, Sài Gòn, Thủ Thiêm, Chữ Y, Phú Mỹ, tuyến buýt đường thủy từ quận 1 về phường Linh Đông (TP Thủ Đức). Cầu Thủ Thiêm 2 đang được xây dựng.

Tiềm năng từ sông Sài Gòn rất to lớn nhưng kèm theo đó là những thách thức trên hành trình lập nên kỳ tích đòi hỏi nỗ lực giải quyết dài hơi từ nhiều phía. Đến nay, thực trạng xây dựng vi phạm chủ trương, định hướng sử dụng quỹ đất ven sông Sài Gòn, diện tích mặt nước đã và đang là sự trăn trở trong nhiều năm qua của toàn xã hội.

Tại một hội nghị về phát triển hạ tầng, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, cho biết: Khu vực bờ sông Sài Gòn đoạn chạy qua địa bàn TP Thủ Đức bị hàng loạt dự án nhà ở chiếm dụng phần diện tích đất hành lang, thậm chí kè bờ lấn hẳn ra mặt nước. Còn với đoạn sông chảy qua địa bàn xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, đã có cả chục trường hợp cũ, mới chiếm phần bảo vệ hành lang hoặc đổ đất lấn chiếm mặt nước với diện tích rất lớn. Có những diện tích đất hành lang sông bị lấn chiếm, xây dựng trái phép lên đến cả nghìn mét vuông.

Thực trạng này đòi hỏi chính quyền TPHCM chỉ đạo kiểm soát, xử lý nghiêm để trả lại cảnh quan, môi trường tự nhiên trước khi bắt tay vào chỉnh trang, khai thác quỹ đất ven sông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với nạn lấn chiếm, vấn đề bảo tồn di sản một cách hợp lý cũng dành được sự quan tâm của dư luận. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn từng tỏ ra tiếc nuối khi một số công trình có giá trị lịch sử như xưởng đóng tàu Ba Son bị đập bỏ. Những khối bê tông khổng lồ dần hiện hình dọc khúc sông chảy ngang trung tâm thành phố. Một điều nghịch lý là, nhiều khu vực ở Thủ Thiêm bị khống chế độ cao (40 tầng) trong khi một số nhà đầu tư bên bờ Tây có thể xây bảy, tám mươi tầng. Cách làm này trái ngược với Thượng Hải (Trung Quốc): bảo tồn khu bờ Tây đã có từ lâu, xây dựng nhiều cao ốc ở khu bờ Đông.

Theo kiến trúc sư Cao Thành Nghiệp, thành phố cần tiến hành ngay việc xây dựng quy hoạch di sản để cập nhật trong đồ án quy hoạch chung đang được điều chỉnh. Có những nền tảng ban đầu này, khâu triển khai các đồ án quy hoạch chi tiết và phân khu sẽ không bị vướng bảo tồn di sản như hiện nay, đồng thời sẽ ngăn chặn việc di sản bị phá bỏ vội vã kéo theo sự hối tiếc.

Mặt khác, nếu tiếp tục cho xây nhà cao tầng dày đặc sẽ tạo thêm những bức tường cản gió sông, giảm đối lưu không khí, gây nóng bức trong đô thị, nhất là vào mùa nắng, ảnh hưởng đến nhiều người. Trên 90% nguồn nước sạch cung cấp cho sinh hoạt của người dân TPHCM được lấy từ nước mặt sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Hạn chế các khu dân cư và nhà cao tầng dọc hai bên bờ cũng là một cách loại trừ hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra sông. Vấn đề này nếu không được chú trọng đúng mức thì việc khắc phục ô nhiễm rất phức tạp và tốn kém.

TPHCM  vốn là một đô thị phát triển phân tán, đa trung tâm, vì vậy để tạo sự xuyên suốt, hài hòa về cảnh quan cho con sông Sài Gòn xuyên qua nhiều quận huyện, cần cái nhìn tổng thể, phá bỏ tư duy nhiệm kỳ, cục bộ.

Nội dung: Phạm Cường - Trình bày: Thu Trang - Hình ảnh: Lê Vũ

 

---------------------

Tài liệu tham khảo:

https://tuoitre.vn/di-san-cua-sai-gon-xua-can-giu-lai-truoc-khi-no-bien-mat-20190221094421055.htm

https://cand.com.vn/Xa-hoi/chinh-trang-song-sai-gon-dung-de-chi-dep-tren-de-an--i643485/

https://nguoidothi.net.vn/tu-bai-hoc-thuong-hai-nhin-ve-quy-hoach-tp-hcm-4664.html

Tin mới