(KTSG Online) - Nguồn vốn rót cho các nhà khởi nghiệp (startup) Việt Nam trong năm nay được dự báo sẽ khó có thể vượt qua giai đoạn phục hồi 2021. Để vượt qua "mùa đông gọi vốn", đòi hỏi các startup phải liên tục điều chỉnh chiến lược hoạt động theo sự thay đổi của môi trường kinh tế và hướng đi bền vững thay vì chạy theo mục tiêu ngắn hạn.
- Startup châu Á lung lay niềm tin vào ngân hàng Mỹ
- Startup ở thung lũng Silicon lo hết tiền sau cú sụp đổ của Silicon Valley Bank
Dòng vốn mạo hiểm đang sụt giảm mạnh
Báo cáo về đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2023 được công bố gần đây cho thấy, vốn đầu tư mạo hiểm năm 2022 giảm đến 56% so với năm trước đó, do chịu tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu.
Sự ảnh hưởng này đặc biệt rõ rệt kể từ thời gian của nửa cuối năm 2022 với giá trị đầu tư giảm 65% do khủng hoảng trong ngành công nghệ ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, số lượng thương vụ tăng lên vào nửa cuối năm, cho thấy hoạt động đầu tư vẫn diễn ra đều đặn dù giá trị đầu tư giảm.
Theo nhận định của bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Do Ventures, quy mô dòng vốn sụt giảm vì thiếu vắng của các thương vụ lớn nhưng số thương vụ cả năm chỉ giảm nhẹ, cho thấy các nhà đầu tư vẫn rót đều đặn vào Việt Nam.
Cụ thể hầu hết các vòng gọi vốn đều giảm cả về số lượng và giá trị thương vụ. Tuy nhiên, giá trị đầu tư trong các vòng gọi vốn từ 10-50 triệu đô la Mỹ tăng nhẹ, cho thấy các công ty đã huy động được vòng Pre-A và Series A năm trước đã bước sang giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.
Trong khi đó, các thương vụ trị giá hơn 50 triệu đô la thì bị giảm mạnh. Điều này đã dẫn đến sự sụt giảm đáng kể về tổng giá trị đầu tư trong năm vừa qua.
Lĩnh vực dịch vụ tài chính nhận được số vốn đầu tư nhiều nhất với mức tăng mạnh mẽ lên đến 248%. Vốn đầu tư vào lĩnh vực Fintech vẫn dồi dào, chiếm 39% tổng giá trị đầu tư, tăng 4 điểm phần trăm so với năm 2021.
Vốn đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ dù giảm 57% nhưng đây vẫn là lĩnh vực nhận được nhiều vốn thứ hai. Y tế, giáo dục, và thanh toán tiếp tục nằm trong số các lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất.
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, Việt Nam đã nổi lên như một điểm sáng khởi nghiệp của khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung. Nếu như trong năm 2021, tổng số vốn đầu tư vào các startup Việt đạt con số kỷ lục là hơn 1,4 tỉ đô la thì sang năm 2022 con số này đạt 634 triệu đô la. Việt Nam đứng thứ ba về số thương vụ và thứ tư về quy mô vốn vào startup năm 2022 tại Đông Nam Á.
Cuộc thanh lọc với startup đã được kích hoạt
Đưa ra dự đoán về tình hình trong năm 2023, hầu hết các chuyên gia dự báo nguồn tiền từ các quỹ đầu tư đổ vào startup nói chung và startup Việt nói riêng trong năm nay sẽ tiếp tục chậm lại, khó có sự bứt phá. Bởi lẽ startup luôn gắn liền với kinh tế vĩ mô, nên khi kinh tế đang suy thoái thì nguồn vốn theo đầu tư theo đó cũng sẽ phải sụt giảm.
Đáng chú ý, sự kiện sự kiện Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) phá sản đã gây ra làn sóng chấn động khắp hệ thống tài chính toàn cầu, nối tiếp sau đó là Signature Bank và Silvergate Bank. Cả ba đều là ngân hàng hoạt động với nhóm khách hàng đặc thù là giới công nghệ, khởi nghiệp...
Giới phân tích đánh giá việc SVB phá sản ảnh hưởng lớn tới khu vực Đông nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng vì ngân hàng này cũng là nhà đầu tư mạo hiểm và nhiều hoạt động liên quan tại đây. Do đó, thị trường khởi nghiệp tại Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể.
Bên cạnh đó, tình hình chung trên thế giới là cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn đang giảm tốc, kết hợp với lãi suất ngân hàng tăng mạnh đã khiến nhiều nhà đầu tư có tâm lý giữ tiền mặt hơn là mang đi đầu tư. Điều này theo giới phân tích sẽ khiến nguồn vốn đổ vào các startup ở dạng tiềm năng, vốn chiếm số đông ở Việt Nam, giảm đi rất mạnh. Ở thời điểm lúc này các startup có hiệu quả, hoạt động bền vững sẽ được chú ý hơn.
Tựu chung, các chuyên gia nhận định nguyên nhân của sự sụt giảm nói trên chủ yếu đến từ các yếu tố vĩ mô chứ không phải startup Việt đã đến giai đoạn thoái trào. Theo đó, việc lãi suất ngân hàng tăng, lạm phát tăng, cộng với tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp đã tác động mạnh tới các nguồn vốn giành cho startup. Hiện các nhà đầu tư đang giảm dần dòng tiền cho hoạt động đầu tư mạo hiểm nhằm hạn chế rủi ro trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, tiêu chí rót vốn đầu tư cũng đã có sự thay đổi.
Tại Diễn đàn đổi mới sáng tạo Việt Nam diễn ra tại TPHCM vào cuối tháng 3 vừa qua, bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Do Ventures, nhận định rằng hiện các nhà đầu tư tin tưởng vào tương lai Việt Nam với nền kinh tế vững chắc, lực lượng dân số trẻ am hiểu công nghệ và sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ về đổi mới sáng tạo.
"Họ cho biết sẽ giữ nhịp đầu tư như hiện nay, thậm chí một số sẽ giải ngân cao hơn vì có nhiều cơ hội", bà Vy chia sẻ, và cho rằng các nhà đầu tư xem đây là thời kỳ quan trọng, kỳ vọng các startup tập trung vào những yếu tố cốt lõi, xây dựng được những công ty bền vững và có sự uyển chuyển để vươn lên trong khó khăn.
Thay vì chỉ tập trung đổ tiền cho các startup có tốc độ tăng trưởng nhanh thì nay các nhà đầu tư lại dồn sự chú ý cho các dự án có khả năng tăng trưởng bền vững. Những startup có đầu tư bài bản, theo từng giai đoạn và hướng tới mô hình lâu dài sẽ có khả năng lớn nhận được đầu tư.
Đại diện một số nhà đầu tư lớn cũng khẳng định không thiếu vốn cho những doanh nhân sáng tạo, có ý tưởng hay và phát triển theo hướng bền vững. Là tập đoàn lớn thứ hai của Hàn Quốc, SK đang xem Việt Nam và Indonesia là hai trụ cột tăng trưởng tiếp theo.
Có mặt tại Việt Nam 5 năm qua, tập đoàn này đã đầu tư vào Việt nam khoảng 2 tỉ đô la Mỹ với đối tác là các công ty niêm yết lẫn chưa niêm yết. Ông Quang Nguyễn, Giám đốc đầu tư cao cấp Tập đoàn SK (Hàn Quốc), cho biết SK sẵn sàng rót vốn cho những nhà sáng lập có ý tưởng kinh doanh tốt, bền vững, đặc biệt là trong các lĩnh vực đã có thành tích mang lại giá trị cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Mặc dù vậy, theo ông Quang Nguyễn, trong vòng 3-5 năm tới, doanh nghiệp phải thích nghi với lãi suất và mức lạm phát cao hơn. Các startup cần thận trọng hơn về mặt tài chính bởi không dễ huy động thêm vốn mới trước khi đạt được mức hòa vốn.
Tương tự, theo ông Vinnie Lauria, đối tác quản lý của Golden Gate Ventures, Việt Nam với thị trường mở, đang trở thành quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới và là niềm hy vọng của sự tăng trưởng cho giới đầu tư.
Ông khuyến khích các startup cần tập trung vào lĩnh vực có tính nối tiếp, không nên làm quá nhiều thứ mà cần tập trung thực sự vào một thứ có giá trị bền vững. Đồng thời ở phía chính sách, ông khuyến nghị Việt Nam cần cải thiện một số trở ngại trong việc thu hút dòng vốn đầu tư xuyên biên giới và quy định liên quan việc thoái vốn.
Còn theo ông HongJin Kim, Giám đốc điều hành STIC Investment, Quỹ đầu tư lâu đời tại Hàn Quốc, với vốn đầu tư vào khởi nghiệp khoảng 600 triệu đô la/năm, trong đó khoảng 300 triệu đô la đầu tư vào Việt Nam với đa dạng ngành nghề, trong thời gian khủng hoảng hiệu quả đầu tư luôn là tốt nhất và STIC tin rằng dòng tiền vào thị trường sẽ tăng trưởng trong trung hạn.
STIC Investment chú trọng đến các dự án về hạ tầng kỹ thuật thanh toán số, thương mại điện tử, logistics, xây dựng nền tảng, tiếp cận công nghệ và đầu tư vào quản trị nguồn nhân lực và các lĩnh vực có liên quan.
Việt Nam cần cải thiện giới hạn về luật lệ quy định khiến doanh nghiệp khó niêm yết cũng như một cơ chế giải quyết những xung đột lợi ích giữa các bên tham gia đầu tư và nhận vốn. Tôi cho rằng các doanh nhân khởi nghiệp cần nghĩ lại về mục tiêu ban đầu, nghĩ về sản phẩm thay vì theo đuổi việc tìm kiếm nhà đầu tư mới.
Phát triển bền vững là con đường tất yếu
Việc gọi được vốn ồ ạt như thời điểm 2021 về lâu dài không phải thực sự chỉ toàn điều tốt cho môi trường khởi nghiệp của Việt Nam. Theo giới phân tích, năm nay và giai đoạn sắp tới, doanh thu ngắn hạn sẽ không còn là ưu tiên hàng đầu của các quỹ và nhà đầu tư.
Bởi lẽ, tiền về càng nhanh, các startup phải tăng trưởng về doanh thu cũng phải càng nhanh. Khi đó nhiều startup sẽ phải chọn cách tăng trưởng không bền vững. Thay vào đó một startup sẽ phải có mô hình hoạt động bài bản hơn và hướng đến tăng trưởng trong dài hạn.
Do đó có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết như chi phí vận hành cần được tối ưu, lợi nhuận bền vững trong tương lai sẽ được chú ý… Các nhà đầu tư cho rằng năm 2023 là thòi điểm để startup điều chỉnh lại hướng đi của mình theo hướng chậm hơn nhưng bền vững hơn. Thay vì tiêu tốn nhân lực, tài chính để tăng trưởng nhanh thì các startup có thể quay sang tập trung nhiều hơn nữa vào sản phẩm, dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Từ thực hoạt động của chính doanh nghiệp mình, các nhà khởi nghiệp cũng cho rằng giữa “mùa đông" của dòng vốn đầu tư, các startup cần thích nghi với thời cuộc và có sự chuẩn bị nguồn lực cho mục tiêu dài hạn thay vì đi gọi vốn đầu tư bằng mọi giá, "ăn xổi" trong ngắn hạn...
Đơn cử như trường hợp của OnPoint, đơn vị cung cấp các giải pháp hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, sau khi đã gọi được khoản đầu tư 60 triệu đô la, trong năm nay startup này không có kế hoạch gọi vốn. Hoạt động trong mảng thương mại điện tử, lĩnh vực có nhiều cơ hội phát triển ở thị trường nội địa đang phát triển nhanh nên trong quí đầu năm nay OnPoint vẫn tăng trưởng 60% so với cùng kỳ năm ngoái và vẫn đang vận hành bình thường.
Tuy nhiên về triển vọng sắp tới, theo chia sẻ của ông Trần Vũ Quang, sáng lập kiêm CEO OnPoint, startup này cần cẩn trọng hơn khi kinh tế vĩ mô thay đổi liên tục. Những thứ lãng phí không cần thiết OnPoint theo dõi sát sao để cắt giảm và tập trung vào phần cốt lõi của doanh nghiệp, tạo giá trị cho khách hàng.
Tương tự, ông Nguyễn Bá Cảnh Sơn, nhà sáng lập kiêm CEO Dat Bike, startup đã gọi vốn đầu tư hơn 16 triệu đô la, cho biết tất cả vòng vốn từ trước đến nay của Dat Bike, từ lúc gọi vài trăm đô la đến vài triệu đô la, đều để tập trung vào nghiên cứu để có sản phẩm tốt hơn và nâng cao quy mô sản xuất, tiếp cận khách hàng... Hiện nay, Dat Bike không bị sức ép về ngắn hạn và đang tăng trưởng đều nhưng nhà sáng lập cho biết đang thận trọng để quan sát.
Còn đồng sáng lập kiêm CEO Cooky, ông Đặng Hoàng Minh, cho biết doanh nghiệp mới tham gia thị trường 1,5 năm, từng 2 lần gọi vốn thành công với tổng số vốn đầu tư là 6 triệu đô la. Hoạt động trong lĩnh vực đồ ăn, Cooky đang tập trung vào việc thu hút khách hàng, tìm kiếm đơn hàng, mục tiêu là không để bị thua lỗ.
Hiện nay, gần như các công ty hoạt động trong mảng giao nhận thực phẩm tương tự Cooky trên thế giới đều đang gặp khó khăn, chỉ vài doanh nghiệp không bị thua lỗ hoặc có lợi nhuận. Do đó, theo ông Minh, Cooky đang học hỏi cách những doanh nghiệp có khả năng tự sống sót trong bối cảnh khó khăn chung và rất khó gọi vốn.
Để vượt qua "mùa đông", các chuyên gia lưu ý các startup tập trung vào các khía cạnh cơ bản của doanh nghiệp, sử dụng vốn khôn ngoan, liên tục điều chỉnh chiến lược hoạt động theo những thay đổi của môi trường kinh tế.
12 startup Hàn Quốc tìm cơ hội tại thị trường Việt Nam
Chiều ngày 7-4-2023, 12 startup của Hàn Quốc tham gia tại sự kiện Demo Day diễn ra ở TPHCM để trình bày mô hình kinh doanh, sản phẩm và tìm kiếm cơ hội hợp tác, gọi vốn đầu tư tại thị trường Việt Nam.
Sự kiện Demo Day thuộc chương trình uơm tạo Startup công nghệ TIPS to Global do quỹ đầu tư VSV Capital phối hợp với tổ chức Chính phủ KISED (Viện Phát triển Khởi nghiệp & Doanh nhân Hàn Quốc) và Lotte Ventures tổ chức.
Tại sự kiện Demo Day, 12 startup Hàn Quốc gồm Amazing Food Solution, eMotiv, Evar, Farmopro, Neutune, Nuvilab, PMX, Raycom, The PlantEat, Zam, Zezedu, Zackdang Company đã mang đến các ý tưởng kinh doanh thuộc các lĩnh vực khác nhau như giải pháp sáng tạo cho sạc pin xe ô tô điện, giải pháp xử lý kỹ thuật số tích hợp, y tế, nông nghiệp, thực phẩm, công nghệ giáo dục, làm đẹp, IT, …
Demo Day là cơ hội cho các startup có cơ hội giới thiệu về sản phẩm, mô hình kinh doanh và kết quả tăng trưởng của mình trong thời gian vừa qua, trước hơn 100 khách mời là các nhà đầu tư mạo hiểm, các đại diện từ các cơ quan nhà nước và từ khối doanh nghiệp đến từ Việt Nam và Hàn Quốc.
Thông qua chương trình, các startup được hỗ trợ không gian làm việc chung, được các mentor cố vấn 1:1, trải nghiệm thực tế doanh nghiệp tại Việt Nam, tham dự các buổi networking với nhà đầu tư và startup Việt Nam, và đặc biệt là nhận được sự đồng hành từ mạng lưới chuyên gia và đối tác rộng lớn của VSV.
Theo báo cáo của Đổi mới sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam 2023, các quỹ đầu tư mạo hiểm Việt Nam năm 2022 lần đầu tiên dẫn đầu và trở thành nhóm nhà đầu tư tích cực nhất trên thị trường nội địa. Các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái Việt Nam với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng đối với các công ty khởi nghiệp trong nước. Đây cũng là cơ hội cho các startup nước ngoài tìm kiếm cơ hội gọi vốn đầu tư tại Việt Nam.