Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thái Lan: Bạo động đe dọa tăng trưởng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thái Lan: Bạo động đe dọa tăng trưởng

Những người biểu tình tiếp tục chiếm đóng sân bay Suvarnabhumi ngày thứ Sáu, 28-11, bất chấp việc Thủ tướng Somchai đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở hai sân bay chính của Bangkok

(TBKTSG Online) – Việc những người biểu tình chiếm đóng hai sân bay chính tại Bangkok đánh dấu sự leo thang trong tình hình bất ổn chính trị kéo dài nhiều tháng nay ở Thái Lan, đe dọa phá hủy nền kinh tế vốn thịnh vượng nhờ thương mại và du lịch.

>> Du lịch Thái Lan tìm biện pháp ứng phó

>> Thái Lan nỗ lực vực dậy ngành du lịch

Những người biểu tình thuộc Liên minh Dân chủ Nhân dân (PAD) đã kiểm soát sân bay quốc tế Suvarnabhumi vào tối thứ Ba và phong tỏa cả sân bay Don Mueang vào sáng thứ Năm, khiến tất cả các chuyến bay vào ra thủ đô Bangkok đều bị hủy và hàng ngàn du khách nước ngoài bị mắc kẹt tại các khách sạn ở Bangkok.

Sau cuộc họp nội các khẩn cấp ngày thứ Năm, 27-11, Thủ tướng Somchai Wongsawat đã ban bố tình trạng khẩn cấp quanh hai sân bay chính của Bangkok, cho phép lực lượng an ninh giải tán những người biểu tình ra khỏi hai sân bay, hạn chế việc đi lại và cấm tụ tập hơn 5 người ở một số địa điểm.

Thiệt hại trước mắt và lâu dài 

Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày thứ Năm, ông Somchai nhấn mạnh việc những người biểu tình phong tỏa hai sân bay “rất nguy hại cho đất nước” và “sẽ mất nhiều năm chúng ta mới có thể khôi phục lại lòng tin”.

Ông cho biết hải quân sẽ giúp cảnh sát vãn hồi trật tự ở sân bay quốc tế Suvarnabhumi  và không quân sẽ hỗ trợ ở sân bay Don Muang.

Theo cơ quan hàng không Thái Lan, sân bay quốc tế Suvarnabhumi sẽ phải đóng cửa ít nhất là đến 6 giờ tối thứ Bảy, 29-11, còn sân bay Don Mueang đóng cửa ít nhất đến thứ Sáu.

Bộ trưởng Du lịch Thái Lan, Weerasak Kowsurat, cho biết chính phủ đã lên kế hoạch bay cho hàng ngàn du khách có “nhu cầu cấp bách”, bao gồm các bậc cha mẹ có con nhỏ và những người đau yếu, trong vòng 48 giờ tới. Từ một trong hai căn cứ quân sự của Thái Lan, họ sẽ đi các chuyến bay của Hãng hàng không Thái Lan đến Singapore hoặc Malaysia. Chính phủ cũng có thể dùng xe buýt hoặc xe lửa để đưa du khách đến các sân bay khác ở Thái Lan.

PAD khẳng định sẽ tiếp tục chiếm đóng sân bay và biểu tình cho đến khi ông Somchai từ chức. Cả chính phủ và quân đội đều phủ nhận khả năng sẽ xảy ra đảo chính.

Theo Bộ trưởng Tài chính Suchart Thadathamrongvej, những cuộc biểu tình và việc đóng cửa sân bay có thể gây thiệt hại đến 100 tỉ baht (2,8 tỉ đô la Mỹ) trong quí này.

Ông Suchart nhận định, những cuộc biểu tình đã làm thị trường chứng khoán Thái Lan chao đảo, khiến nhà đầu tư nước ngoài hoảng sợ và giáng đòn mạnh vào ngành du lịch nước này.

Chỉ số chứng khoán của Thái Lan đã rơi hơn 56% kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra vào ngày 25-5. Một số nhà kinh tế Thái Lan ước tính, tổn thất của ngành du lịch từ đây đến cuối năm có thể lên đến 150 tỉ baht (4,2 tỉ đô la Mỹ), tương đương 1,5% GDP nước này.

Nền kinh tế Thái Lan, đã tăng trưởng chậm lại theo suy thoái toàn cầu, có thể tụt dốc hơn dự kiến trong năm nay và cả năm sau do du khách tẩy chay một đất nước nhiều bất ổn. Trước sự rút lui của các nhà đầu tư nước ngoài và du khách (nhóm đối tượng mang về cho Thái Lan khoảng 16 tỉ đô la Mỹ mỗi năm) cùng với ngành sản xuất sụt giảm theo nhu cầu xuất khẩu toàn cầu, dự báo tăng trưởng của Thái Lan trong năm 2009 chỉ lơ lửng trong khoảng 3%.

NGỌC THU (tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới