Thái Lan đặt lộ trình đánh “thuế đường” đối với nước giải khát
Chánh Tài
![]() |
Kệ trưng bày nước ngọt tại một siêu thị ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Bangok Post |
(TBKTSG Online) - Cục Thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc Bộ Tài chính Thái Lan ngày 24-7 thông báo sẽ đưa ra lộ trình kéo dài sáu năm để từng bước áp thuế đối với các sản phẩm nước giải khát có hàm lượng đường vượt quá quy định.
Tờ Bangkok Post cho biết luật đánh "thuế đường" sẽ có hiệu lực vào ngày 16-9 tới. Cục Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ chia hàm lượng đường trong nước giải khát theo năm mức: dưới 6g, 6-10g, 10-14g, 14-18g và trên 18g trong 100ml. Sau ngày 16-9, các sản phẩm nước giải khát có hàm lượng đường cao hơn 6g/100ml sẽ bị đánh thuế lên đến mức 30% giá bán lẻ.
Tuy nhiên, để giúp các nhà sản xuất có thời gian điều chỉnh lượng đường trong các sản phẩm nước giải khát giảm về mức chuẩn không quá 6g/100ml theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cục Thuế tiêu thụ đặc biệt đặt ra lộ trình ân hạn sáu năm. Trong thời gian này, Cục Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ đánh thuế các sản phẩm nước giải khát có lượng đường vượt mức chuẩn theo mức tăng dần từ thấp lên cao.
Hiện nay, hàm lượng đường trung bình trong các sản phẩm nước giải khát ở Thái Lan cao hơn gấp đôi so với mức khuyến nghị của WHO.
Một nguồn tin của Cục Thuế tiêu thụ đặc biệt cho biết các loại nước giải khát có thể bị đánh thuế đường bao gồm nước ngọt, nước trà xanh, sữa đậu nành, sữa chua.
Thái Lan đánh "thuế đường" trước những lo ngại tiêu thụ nhiều đường sẽ dẫn đến bệnh béo phì, đặc biệt là ở trẻ em. Theo dữ liệu nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng của Đại học Mahidol (Thái Lan), trung bình mỗi người dân Thái Lan tiêu thụ khoảng 33,8kg đường/năm, tương đương 23 muỗng mỗi ngày. Trong khi đó, mức tiêu thụ đường theo khuyến nghị của WHO đối với người trưởng thành là 6 muỗng mỗi ngày.