Thứ tư, 18/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thái Lan đặt mục tiêu thu hút 57 tỉ đô la đầu tư vào công nghệ và nền kinh tế xanh

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI) đặt mục tiêu từ nay đên năm 2030 thu hút các công ty nước ngoài và trong nước đầu tư tổng cộng khoảng 2 nghìn tỉ baht (57 tỉ đô la Mỹ) vào các lĩnh vực như xe điện, điện tử thông minh và công nghệ để xây dựng nền kinh tế xanh và bền vững.

Tổng Thư ký Ủy ban Đầu tư Thái Lan Narit Therdsteerasukdi cho rằng Thái Lan có nhiều lợi thế để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm nằm ở trung tâm Đông Nam Á và có chuỗi cung ứng linh động. Ảnh: Bangkok Post

Trong tuyên bố hôm 3-3, BOI kỳ vọng các khoản đầu tư mới nói trên có thể tạo ra 625.000 việc làm mới và đóng góp 1,7 nghìn tỉ baht vào GDP của đất nước. Cơ quan này có kế hoạch khuyến khích các nhà đầu tư rót tiền vào 5 lĩnh vực mục tiêu gồm xe điện, đổi mới, điện tử thông minh và mô hình kinh doanh tuần hoàn, sinh học và xanh,.

Theo BOI, những lĩnh vực ưu tiên này đã thu hút 600 tỉ baht (17,3 tỉ đô la) đầu tư trong giai đoạn 2020-2022.

Đại diện Thương mại Thái Lan Chayotid Kridakon cho biết hiện các nhà sản xuất chip ô tô rất muốn đầu tư vào Thái Lan. Hãng xe Trung Quốc BYD và Mercedes-Benz (Đức) nằm trong số các công ty có kế hoạch sản xuất ô tô điện ở Thái Lan, trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất Đông Nam Á, được mệnh danh là “Detroit của châu Á”,

Thái Lan đã có sẵn chuỗi cung ứng ô tô toàn diện, cung cấp cho rất nhiều nhà máy thuộc sở hữu của nhiều hãng xe lớn hàng đầu thế giới gồm Toyota Motor, Ford Motor và Honda Motor. Chính phủ Thái Lan nhắm đến mục tiêu đưa xe điện chiếm 30% doanh số bán ô tô mới vào  năm 2030. Thái Lan đã duyệt chi ngân sách 43 tỉ baht cho đến năm 2025 để thúc đẩy sử dụng xe điện.

Hôm 2-3, người phát ngôn chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho biết trong năm 2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký tại Thái Lan đạt 430 tỉ baht trong năm 2022, tăng 36% so với năm nước. Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, tiếp theo là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đài Loan và Singapore.

Anucha giải thích vốn FDI tăng là nhờ nhiều số yếu tố, bao gồm chương trình thị thực cư trú dài hạn (LTR) mới và các ưu đãi dành cho các công ty nước ngoài chuyển cơ sở sản xuất của họ sang Thái Lan. Chương trình LTR cho phép những người nước ngoài đủ điều kiện xin thị thực lưu trú có thời hạn đến 10 năm và có thể gia hạn cũng như giấy phép tái nhập cảnh nhiều lần. Những người có thị thực này được phép làm việc tại Thái Lan và chỉ đóng thuế thu nhập cá nhân 17% (đối với các chuyên gia có tay nghề cao), được miễn thuế đối với nguồn thu nhập từ nước ngoài. Chương trình LTR chỉ dành người nước ngoài có giá trị tài sản ròng cao, bao gồm những người đầu tư ít nhất 500.000 đô la vào trái phiếu chính phủ, bất động sản hay đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Thái Lan.

Hồi giữa 2, Thái Lan đã tổ chức cuộc hội thảo để các nhà phân tích và nhà đầu tư tổ chức tìm hiểu về chính sách xúc tiến đầu tư cập nhật của chính phủ.

Tại hội thảo, BOI đã công bố các chiến lược để mời gọi nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó,  với lợi thế có hệ thống tàu chạy điện phục vụ các khu vực nội đô và vùng lân cận, bao gồm các sân bay và hải cảng, Bangkok sẽ đóng vai trò trung tâm trong chiến lược thu hút các công ty toàn cầu đến thiết lập các trung tâm kinh doanh và sản xuất của họ cho khu vực Đông Nam Á.

Trong năm nay, BOI có kế hoạch tập trung nhiều hơn vào việc thúc đẩy mô hình kinh tế sinh học, tuần hoàn và xanh, xe điện cũng như các doanh nghiệp kỹ thuật số và sáng tạo. BOI tin rằng đây là những vực sẽ tạo ra sự thay đổi cuộc chơi cho Thái Lan.

Narit Therdsteerasukdi, Tổng Thư ký của BOI, nhận định chiến lược này sẽ hỗ trợ môi trường kinh doanh để các công ty trong nước và quốc tế có thể xây dựng nền tảng cho sự phát triển kinh tế và xã hội trong dài hạn của Thái Lan.

Ông cho biết những thách thức đối với các nước và doanh nghiệp muốn thu hút đầu tư bao gồm khí thải carbon, xung đột địa chính trị, thiếu nguyên liệu thô,  dịch bệnh và xã hội già hóa. Theo ông, Thái Lan có lợi thế địa chính trị nhờ vị trí nằm ở trung tâm Đông Nam Á. Thái Lan cũng không bị ảnh hưởng nhiều từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, có ít xung đột hơn với các nước và sở hữu chuỗi cung ứng linh động. Thái Lan cũng đã chứng tỏ khả năng xử lý các cuộc khủng hoảng như đại dịch Covid-19 và có khả năng cung cấp năng lượng tái tạo.

Narit Therdsteerasukdi cho biết các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài có xu hướng đánh giá cao các yếu tố như: sự sẵn có của cơ sở hạ tầng và hậu cần, nguồn nhân lực có trình độ, các quy định thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, cơ sở công nghiệp hỗ trợ, chi phí hợp lý và ưu đãi của chính phủ. Ông khuyên các doanh nghiệp và nhà đầu tư nên theo đuổi các xu hướng tư mới như đầu tư xanh và sản xuất thông minh.

Ông kêu gọi khu vực tư nhân và các cơ quan chính phủ đưa ra các biện pháp như đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, đưa trình độ của ngành công nghiệp Thái Lan lên một nền tảng thông minh và bền vững, củng cố và tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như công ty khởi nghiệp.

Theo Bloomberg, Bangkok Post

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới