Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thái Lan mạnh tay phá bỏ diện tích cao su

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thái Lan mạnh tay phá bỏ diện tích cao su

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Đầu tuần này, Thái Lan đã thông qua kế hoạch giảm 21% diện tích trồng cao su trên toàn quốc, đồng thời nâng giá xuất khẩu cao su tăng gấp ba lần trong vòng 20 năm.

Thái Lan mạnh tay phá bỏ diện tích cao su
Nông dân đi thăm vườn cao su ở huyện Muang, tỉnh Trang, Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post

Thái Lan là nước sản xuất và xuất khẩu cao su tự nhiên lớn nhất thế giới, đóng góp đến 40% nguồn cung toàn cầu. Tuy nhiên trong những năm gần đây, đời sống của nông dân trồng cao su ở nước này gặp khó khăn khi giá cao su giảm mạnh do nhu cầu bên ngoài suy yếu.

Phó phát ngôn viên chính phủ Thái Lan, Rachada Dhnadirek, cho biết để kích giá cao su tăng và ổn định thu nhập của công dân, chính phủ đã phê duyệt các mục tiêu phải đạt được vào năm 2036 so với năm 2016, bao gồm giảm 21% diện tích trồng cao su từ 3,73 triệu hecta xuống còn 2,94 triệu hecta; tăng giá trị xuất khẩu cao su tự nhiên và các sản phẩm cao su từ 8,28 tỉ đô la lên 26,5 tỉ đô la mỗi năm.

Chính phủ nước này cũng đề ra mục tiêu nâng sản lượng cao su trung bình trên mỗi rai (0,16 hecta) thêm 65% và tăng mức tiêu thụ cao su trong nước từ 13,6% lên mức 35% tổng sản lượng cao su mỗi năm.

Hiện nay, nhiều nông dân Thái Lan đang chặt bỏ cây cao su và chuyển sang trồng cây sầu riêng để tận dụng nhu cầu khổng lồ từ Trung Quốc. Thái Lan là nước duy nhất được phép xuất khẩu trực tiếp sầu riêng nguyên trái sang Trung Quốc.

Kế hoạch giảm diện tích trồng cao su được Thái Lan thông qua giữa lúc hoạt động xuất khẩu của nước này bị tác động nặng nề do các căng thẳng thương mại trên toàn cầu và đồng baht tăng giá mạnh.

Thái Lan đẩy mạnh xuất khẩu cao su trong những tháng gần đây sau khi hợp tác với Indonesia và Malaysia, hai nước thành viên khác trong Hội đồng Cao su quốc tế ba bên (ITRC), để giảm sản lượng xuất khẩu khẩu cao su từ tháng 5 đến tháng 9. Thỏa thuận hợp tác này đã giúp ITRC giảm xuất khẩu 441.848 tấn cao su, vượt xa mục tiêu ban đầu 240.000 tấn.

Tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit cho hay, gần đây Thái Lan đã ký được các hợp đồng xuất khẩu cao su với trị giá 34 triệu baht (1,13 tỉ đô la).

Giá cao su giao ngay trên thị trường quốc tế phục hồi mạnh mẽ trong những tháng ITRC hạn chế xuất khẩu nhưng bắt đầu giảm nhanh từ cuối tháng 9, quay trở lại các mức giá hồi đầu năm.

Hôm 5-12, ITRC thông báo tổ chức này đang cân nhắc hạn chế xuất khẩu cao su trở lại để bình ổn giá. ITRC cho biết sản lượng cao su toàn cầu trong năm 2019 có thể giảm 800.000 tấn do các đợt bùng phát dịch nấm pestalotiopsis (gây rụng lá), các điều kiện thời tiết thất thường và do nông dân trì hoãn khai thác mủ cao su vì giá quá thấp.

ITRC đặc biệt lo ngại về diễn biến lây lan nhanh của dịch nấm pestalotiopsis và những thiệt hại do dịch bệnh này gây ra. ITRC cũng bày tỏ lo lắng trước tình hình giá cao su ảm đạm, có thể ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân trồng cao su.

Bệnh nấm pestalotiopsis đã ảnh hưởng đến 380.000 hecta cao su ở Indonesia, 52.000 hecta cao su ở Thái Lan và 5.000 hecta ở Malaysia. Tại một số khu vực trồng cao su ở Thái Lan, dịch này khiến sản lượng mủ giảm đến 50%. Căn bệnh được phát hiện lần đầu tiên ở Malaysia vào năm 1975, bùng phát trở vào năm 2016, ban đầu là ở vùng Sumatra của Indonesia, rồi sau đó lan rộng ra các nước trồng cao su khác ở Đông Nam Á.

Tháng trước, Thái Lan đã thử nghiệm sử dụng thiết bị bay tự hành (drone) để phun thuốc trừ sâu ở một số diện tích cao su bị bệnh nấm pestalotiopsis. ITRC cảnh báo, dịch bệnh này có thể làm suy giảm sản lượng cao su từ 70-90%.

Hiệp hội Cao su quốc tế (IRC) cho biết một trong những lý do khiến dịch này này lây lan nhanh là sức đề kháng của cây cao su quá yếu sau nhiều năm bị nông dân bỏ bê do giá cao su quá thấp.

Theo Reuters, The Nation

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới