Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thái Lan nuôi tham vọng trở thành trung tâm dược phẩm ASEAN

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thái Lan đang nuôi tham vọng trở thành trung tâm dược phẩm, y tế và chăm sóc sức khỏe hàng đầu của Đông Nam Á. Tuy vậy, tham vọng này đối diện nhiều thách thức, đặc biệt là khi nền công nghiệp dược nội địa thiếu vắng đổi mới sáng tạo và phụ thuộc vào nhập khẩu.

Thị trường dược phẩm Thái Lan đạt giá trị 225 tỉ baht (6,19 tỉ đô la), nhưng đến 65% là các loại thuốc ngoại nhập. Ảnh: The Nation

Thuốc nhập khẩu hiện chiếm ít nhất 65% thị trường dược phẩm ở Thái Lan. Phần lớn thuốc sản xuất tại Thái Lan là loại đã hoàn chỉnh, sản xuất ở nước ngoài, chỉ cần đóng gói nội địa; hoặc là các loại thuốc được sản xuất ở hạ nguồn, thiếu vắng sự đổi mới sáng tạo. Còn lại là thuốc generic được sản xuất dưới dạng sao chép công thức thuốc gốc hoặc thuốc nguyên mẫu từ nước ngoài đã hết hạn bằng sáng chế.

Lãng quên "mỏ vàng thảo dược cổ truyền"

Việc sản xuất thượng nguồn các loại thuốc mới sáng chế hay sản phẩm trung gian hoặc nguyên liệu thô vẫn còn cực kỳ hiếm ở Thái Lan.

CEO Prapol Thanachotipan của T.Man Pharmaceutical cho biết đổi mới là trụ cột còn thiếu trong tham vọng trở thành trung tâm y dược của Thái Lan. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu và phát triển (R&D) cho sự tăng trưởng lâu dài của T.man. Bên cạnh đó là sự đầu tư đáng kể để nâng chất lượng của các loại thuốc Thái Lan đạt các tiêu chuẩn toàn cầu và chứng nhận châu Âu.

CEO T.Man nói rằng Thái Lan có “sức mạnh cốt lõi” mà không quốc gia nào có thể cạnh tranh được. Đó là y học và thảo dược cổ truyền. “Chúng ta chỉ cần công tác R&D và sáng tạo để cải thiện những gì chúng ta đã có, tạo ra những dược phẩm cao cấp với độ tin cậy và chất lượng bảo chứng”, Prapol nhấn mạnh.

Loại thuốc xịt trị đau họng Propoliz Spray là sản phẩm chủ lực của T.Man. Được đăng ký sản xuất ở Thái Lan, loại thuốc này đang được thị trường nhiều nước đón nhận. Ông Prapol nói đây là ví dụ về cách khai thác chiết xuất thảo dược nội địa để làm dược chất hoạt tính (API) có nguồn gốc từ Thái Lan. Bởi API là thành phần hoạt tính chính của bất kỳ loại thuốc nào, mang lại những tác dụng mong muốn cho sức khỏe. API cũng giúp khôi phục, điều chỉnh hoặc sửa đổi các chức năng sinh lý của cơ thể.

Tham vọng là trung tâm y dược học ở Đông Nam Á

Thái Lan là thị trường dược phẩm tiềm năng hàng đầu Đông Nam Á, tiếp theo là Singapore, Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường thuốc trị giá 225 tỉ baht (6,19 tỉ đô la) của xứ chùa vàng bị thuốc nhập khẩu chi phối. Đó cũng là tình trạng chung của các nước ASEAN.

Bên cạnh đó, theo Statista, quy mô du lịch y tế Thái Lan đạt gần 11 tỉ đô la trong năm 2024, đứng đầu ASEAN. Các chuyên gia Thái nói rằng việc thiếu các nhà sản xuất trong nước "gây nguy hiểm" cho những nỗ lực của Thái Lan trong việc tự bảo đảm nguồn cung dược phẩm.

Khu đổi mới y tế (YMID) nằm trên đường Yothi, quận trung tâm Ratchathewi ở Bangkok. Khu phức hợp này gồm 36 phòng thí nghiệm y học, 27 trung tâm nghiên cứu công nghệ và hai trung tâm khởi nghiệp dành cho các startup công nghệ y dược.

YMID đang trở thành át chủ bài trong tham vọng trở thành trung tâm y dược của xứ chùa vàng. Cơ quan Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIA) hôm 26-3 nói rằng YMID đã thu hút thêm hơn 30 startup ngành y dược trong năm qua. Khu công nghệ y tế này đã thu hút hơn 11 tỉ baht vào các ngành khoa học, công nghệ và y tế vào 163 dự án trong 5 năm qua. Tiến sĩ Pun-Arj Chairatana, Giám đốc NIA, nói rằng: “YMID chưa bao giờ ngừng mở rộng để phục vụ nhiều bệnh nhân hơn và tạo ra nhiều đổi mới hơn ở Thái Lan”.

Các hãng dược Thái Lan đang chú trọng dùng các loại chiết xuất thảo dược làm dược chất hoạt tính (API) trong các loại thuốc mới. Ảnh: The Nation

Chiết xuất thảo dược làm chiến lược mũi nhọn

Trong khi đó, CEO Chernporn Tengamnuay của Greater Pharma cho rằng vấn đề cốt lõi là Thái Lan thiếu bí quyết trích xuất dược chất hoạt tính API cũng như quy mô kinh tế của hoạt động này. “Việc tự trích xuất API rất tốn kém”, ông Chernpron nói.

Trung Quốc và Ấn Độ là hai nhà xuất khẩu API lớn nhất thế giới. Nhu cầu API trong nước của hai đất nước đông dân nhất thế giới luôn ở mức cao, ngay cả khi nhu cầu quốc tế giảm. Vì thế, các hãng sản xuất luôn cầm chắc phần thắng “làm là có lãi”.

Chernporn cũng đồng ý với Prapol rằng Thái Lan nên tập trung vào việc chiết xuất API từ thảo mộc trong nước nhằm tạo ra các sản phẩm dược chuyên biệt, củng cố vị thế trung tâm y dược của xứ chùa vàng.

"Greater Pharma đã phát triển một số sản phẩm thảo dược, bao gồm chiết xuất vỏ măng cụt, dựa trên nghiên cứu hỗ trợ ức chế vi khuẩn, virus, Covid-19, nấm, cúm gia cầm và bệnh lao. Công ty đã chuẩn bị đăng ký thuốc chiết xuất vỏ măng cụt trong danh sách thuốc thảo dược hiện đại", ông Chernporn cho biết.

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của R&D trong việc phát triển các giải pháp công nghệ cao. Thí dụ như Greater Pharma thực hiện dự án “ngân hàng tế bào gốc dược phẩm và vaccine chống dị ứng mạt bụi”. Hiện công ty và Bệnh viện Siriraj có kế hoạch tạo ra loại thuốc xịt mũi chống dị ứng như một phương pháp điều trị thay thế.

Để Thái Lan trở thành trung tâm y dược toàn cầu, đặc biệt là ngành du lịch y tế, các chuyên gia Thái nói rằng chính phủ cần có chính sách hỗ trợ về luật lệ và vốn, doanh nghiệp cần cam kết đầu tư cho công tác R&D.

Theo The Nation, Statista

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới