Tham gia FTA lợi hay hại?
Quang Minh
![]() |
Trong đàm phán FTA với các nước khác, một trong những vấn đề Việt Nam cần quan tâm là tính toán kỹ lưỡng khả năng tiếp cận thị trường của các mặt hàng có thế mạnh như thủy sản, may mặc... Ảnh: Lê Toàn. |
(TBKTSG) - Một làn sóng tự do hóa thương mại đang diễn ra sôi động chưa từng có trên thế giới với việc hình thành các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và nhiều bên. Vì vậy, Việt Nam khi đã là thành viên chính thức của WTO thì không thể đứng ngoài cuộc đua này.
Hiệp định thương mại tự do đang trở thành trào lưu trên thế giới và trong khu vực châu Á, Thái Bình Dương do sự trì trệ của vòng đàm phán Doha đã làm giảm đáng kể lòng tin của các nước vào hệ thống thương mại đa phương. Hệ quả là các nước đã và đang chuyển hướng sang hợp tác song phương và liên kết khu vực. Một làn sóng tự do hóa thương mại đang diễn ra sôi động chưa từng có trên thế giới với việc hình thành các FTA song phương và nhiều bên. Làn sóng này khiến nhiều quốc gia tham gia vào cuộc đua FTA và lo ngại nếu không tham gia FTA hoặc tham gia quá chậm sẽ bị gạt ra khỏi cuộc chơi thương mại. Vì vậy, Việt Nam khi đã là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì không thể đứng ngoài cuộc đua này.
Khó khăn, thách thức trong đàm phán FTA
Các khó khăn, thách thức của Việt Nam khi tham gia đàm phán ký kết các FTA thì rất nhiều: nhận thức tư tưởng và kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế chưa đầy đủ; hệ thống pháp luật, chính sách quản lý chưa đồng bộ, vừa thiếu vừa chồng chéo. Thêm vào đó, năng lực cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp và tổng thể nền kinh tế còn yếu so với khu vực; năng lực xuất khẩu chưa đạt được yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong khi đó, quan điểm định hướng chỉ đạo của các cấp lãnh đạo chưa rõ ràng; năng lực cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra khi tham gia đàm phán nhiều FTA… Sự chênh lệch quá lớn về trình độ phát triển cũng là rào cản khá lớn để đàm phán một FTA toàn diện như đàm phán FTA với EU. Do vậy việc xác định phương thức đàm phán (cả gói hay chọn lọc) cũng nên được xem xét.
Việc một số nước ASEAN tham gia vào nhiều FTA với các nước ngoài khối cũng tạo ra nguy cơ chuyển hướng thương mại bất lợi đối với Việt Nam khi giao dịch thương mại bị phân tán mạnh mẽ bởi các FTA hướng ngoại. |
Các FTA ngày càng có phạm vi bao trùm rộng, từ những lĩnh vực cơ bản như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ đến những vấn đề mới như mua sắm chính phủ, chính sách cạnh tranh, hợp tác về môi trường, lao động. Việc tham gia các FTA như vậy sẽ tạo điều kiện thúc đẩy cải tổ cơ chế, chính sách và môi trường kinh doanh của các nước, dẫn đến gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đối với những nước có trình độ phát triển còn thấp như Việt Nam thì việc tham gia vào các hiệp định nói trên cần được xem xét kỹ, cả về nhân lực và vật lực, đặc biệt là việc xác định giải pháp đối với các lĩnh vực nhạy cảm khi đàm phán.
Đặc biệt, Việt Nam cần cân nhắc về tính tương đồng trong lợi thế cạnh tranh khi tham gia FTA. Trong một số FTA song phương và khu vực, nhiều nước có cùng lợi thế trong các lĩnh vực mà họ có thế mạnh sản xuất và xuất khẩu, sự cạnh tranh trong nội bộ các thành viên của một FTA vì thế sẽ rất khốc liệt, ví dụ như lúa gạo của Việt Nam và Thái Lan. Vì vậy, việc chọn đối tác đàm phán ký kết các FTA cũng là yếu tố cần cân nhắc.
Chuyển hướng thương mại cũng là một thách thức mới đối với tiến trình tham gia FTA. Việc một số nước ASEAN tham gia vào nhiều FTA với các nước ngoài khối cũng tạo ra nguy cơ chuyển hướng thương mại bất lợi đối với Việt Nam khi giao dịch thương mại bị phân tán mạnh mẽ bởi các FTA hướng ngoại. Không chỉ có thế, FTA còn được xây dựng với các hình thức hợp tác khác. Chẳng hạn, Nhật Bản đàm phán một FTA với ASEAN, rồi lại đàm phán FTA với Singapore, Philippines, Thái Lan…
Vẫn chưa có chiến lược đối phó
Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, Việt Nam đã cùng ASEAN ký kết và triển khai thực hiện ba hiệp định FTA là Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA). Việt Nam và ASEAN hiện đã ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP). Các hiệp định thương mại tự do ASEAN-Australia - New Zealand (AANZFTA) và ASEAN - Ấn Độ (AIFTA) cũng đã được ký vào cuối năm 2008. Riêng Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN - EU hiện đang tiếp tục đàm phán. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang đàm phán FTA song phương với Chile. |
Nhiều thách thức như vậy, nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa có chiến lược đối phó với xu hướng gia tăng FTA trên thế giới với chất lượng ngày càng cao, phạm vi ngày càng rộng, cam kết ngày càng sâu. Việt Nam cũng chưa có tiêu chuẩn để lựa chọn đối tác đàm phán FTA (cân đối giữa quan hệ địa - chính trị và lợi ích thương mại); các ngành sản xuất và dịch vụ của Việt Nam có đủ năng lực để tham gia vào các FTA ở mức độ nào và cần phải làm gì để các ngành này sẵn sàng hơn với việc tham gia các FTA có chất lượng cao. Ví dụ Việt Nam có lợi thế cạnh tranh ở các mặt hàng điện tử, thủy sản, may mặc, giày nên khi đàm phán FTA với EU cần tính toán khả năng tiếp cận thị trường của các loại hàng hóa này. Hoặc khi đàm phán FTA với Chile thì cần tính đến khả năng các mặt hàng truyền thống của Chile như rượu vang sẽ tràn ngập tại Việt Nam, cơ hội phát triển của hàng hóa tương tự của Việt Nam sẽ gần như không có.
Một điểm cần lưu ý là đánh giá năng lực đàm phán, ký kết và thực thi cùng lúc nhiều FTA trên góc độ quản lý. Tham gia vào AFTA, Việt Nam đang thực hiện tiến trình giảm dần thuế quan xuống 0-5%, loại bỏ dần các hàng rào phi thuế quan đối với đa phần các nhóm hàng và hài hòa hóa thủ tục hải quan giữa các nước ASEAN. Song thực hiện cam kết này không đơn giản chút nào, mấy năm nay các cơ quan quản lý của Việt Nam đã và đang nỗ lực rất nhiều để thực hiện giảm thuế đúng lộ trình và thay đổi thủ tục quốc gia để phù hợp với thủ tục của khối, nhưng vẫn chưa thể hoàn thiện do phát sinh quá nhiều thủ tục, phải thay đổi nhiều chính sách trong nước. Còn các doanh nghiệp Việt Nam thì chưa quen với sự đa dạng và phức tạp của quy tắc xuất xứ trong các FTA, lúng túng trong quá trình thực hiện. Do vậy, việc tìm hiểu và đàm phán với các đối tác có quy tắc xuất xứ tương đối giống nhau cũng là một yếu tố cần cân nhắc để giảm phiền hà cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như các nhà quản lý khi thực hiện.
Cần nghiên cứu các phương thức cam kết phù hợp nhất với từng loại đối tác khi đàm phán FTA, thông thường là theo phương thức chọn - cho, tức là tương tự như đàm phán trong khuôn khổ WTO. Tuy nhiên, có đối tác lại muốn đàm phán theo phương thức chọn - bỏ, dựa trên các hiệp định hoặc mô hình cam kết mà họ đã ký kết với các đối tác khác. Việt Nam cần xử lý vấn đề này như thế nào cho phù hợp, linh hoạt mà vẫn bảo đảm quyền lợi của mình. Ví dụ vấn đề thuế bán phá giá là một trong những vấn đề cần được tính đến khi Việt Nam đàm phán FTA với EU.
Hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là tham gia vào các FTA, tất yếu sẽ dẫn đến xu thế sắp xếp lại các ngành và phân bổ lại nguồn lực. Trong bối cảnh đó, Nhà nước cần tác động để tạo môi trường chu chuyển, vận động của lao động và nguồn lực một cách thuận lợi nhất, với chi phí ít nhất. Đây là một yếu tố quan trọng giúp ổn định kinh tế và an sinh xã hội khi tham gia FTA. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quan nào nghiên cứu tổng thể vấn đề này để tham mưu cho Chính phủ khi quyết định các cam kết FTA. Vì vậy, việc Việt Nam tham gia FTA lợi hay hại còn chưa có câu trả lời. Không nên tham gia theo trào lưu mà điều quan trọng nhất là cần tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng lợi ích của quốc gia, tính đến sự bảo trợ của Nhà nước đối với sự phát triển của nền sản xuất trong nước trong tương lai.