Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thâm hụt mãn tính

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thâm hụt mãn tính

Vũ Thành Tự Anh (*)

(TBKTSG) – Dự kiến trong kỳ họp Quốc hội lần này, Bộ Công Thương sẽ phải trả lời chất vấn về công tác điều hành xuất nhập khẩu, trong đó quan trọng nhất là tình trạng nhập siêu cao và kéo dài.

Kể từ đổi mới đến nay, hầu như năm nào Việt Nam cũng nhập siêu. Không những thế, tình trạng nhập siêu đang có xu hướng ngày càng trở nên nghiêm trọng. Nếu như trong thập kỷ 1980 và 1990, nhập siêu cao nhất cũng chỉ đến 15% GDP thì trong giai đoạn 2007-2008, nhập siêu đã lên tới 20% GDP. Không những thế, một đặc điểm dễ nhận thấy là nhập siêu ở Việt Nam luôn đi theo tăng trưởng GDP như bóng với hình. Đồ thị minh họa cho thấy mức nhập siêu rất cao trong giai đoạn tăng trưởng nóng 1995-1997, sau đó giảm rất nhanh trong thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á, rồi tăng nhanh trở lại trong giai đoạn hồi phục kinh tế từ 2002 trở đi, và lên tới đỉnh điểm trong giai đoạn trước khủng hoảng tài chính thế giới.

Vậy nguyên nhân của tình trạng nhập siêu này nằm ở đâu?

Riêng nhập siêu từ Trung Quốc chiếm tới 90% tổng nhập siêu của Việt Nam với toàn thế giới

Nhìn từ góc độ vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chủ yếu dựa vào tăng đầu tư. Thực tế là đầu tư của Việt Nam trong mấy năm trở lại đây lên tới trên 40% GDP. Trong khi đó, tiết kiệm nội địa đã xuống dưới 30% và vẫn đang có xu hướng giảm. Trong điều kiện này, để duy trì mức đầu tư cao, Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào việc nhập khẩu vốn từ bên ngoài. Hệ quả hiển nhiên là thâm hụt tài khoản vãng lai (trong đó chủ yếu là thâm hụt thương mại) ngày càng trở nên trầm trọng.

Bây giờ hãy nhìn cụ thể hơn vào hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu. Về phương diện nhập khẩu, chiến lược công nghiệp hóa bất chấp lợi thế so sánh của khu vực công nghiệp nhà nước đòi hỏi phải nhập khẩu rất nhiều máy móc và công nghệ. Đồng thời, công nghiệp phụ trợ còi cọc khiến hoạt động sản xuất của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu. Việc cắt giảm thuế quan trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng góp phần khuyến khích nhập khẩu.

Không những thế, một số nghiên cứu (ví dụ như của Athukorala và Bùi Trinh) chỉ ra rằng hệ thống thuế quan của Việt Nam hiện nay thiên về bảo hộ các ngành công nghiệp nhà nước thâm dụng nhập khẩu, trong khi hạn chế tiềm năng xuất khẩu của nhiều ngành Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như dệt may, da giày, nhựa, nông sản, và thủy hải sản.

Về phương diện xuất khẩu, năng suất của nền kinh tế thấp và chậm được cải thiện, trong khi chi phí trung gian – bao gồm cả nguyên vật liệu và dịch vụ vận chuyển, hậu cần – tăng nhanh, do đó làm tăng giá thành và giảm tính cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu. Hơn nữa, chính sách cố định tỷ giá để hạn chế gánh nặng nợ nước ngoài và giảm chi phí cho các hoạt động thâm dụng nhập khẩu (chủ yếu của tập đoàn và tổng công ty nhà nước) càng hạn chế thêm năng lực cạnh tranh vốn khiêm tốn của các sản phẩm xuất khẩu.

Từ những phân tích trên đây, có thể thấy tình trạng nhập siêu của Việt Nam vừa có nguyên nhân cơ cấu, vừa có nguyên nhân chính sách. Hơn nữa, nguyên nhân chính sách không chỉ nằm trong phạm vi trách nhiệm của Bộ Công thương mà còn thuộc địa hạt của nhiều bộ ngành có liên quan, trong đó quan trọng nhất là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, và Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, việc chất vấn Bộ Công thương mặc dù là cần thiết nhưng chắc chắn là chưa đủ để giải quyết tận gốc vấn đề nhập siêu của Việt Nam.

Cuối cùng, trong bức tranh nhập siêu ở nước ta hiện nay, Trung Quốc nổi lên như một nguồn nhập siêu chủ yếu. Mặc dù cho đến năm 2000, Việt Nam vẫn còn xuất siêu sang Trung Quốc, nhưng từ năm 2001 trở đi, Việt Nam hoàn toàn nhập siêu từ Trung Quốc. Không những thế, mức độ nhập siêu tăng chóng mặt, từ 190 triệu đô-la năm 2001 lên tới 11,5 tỷ đô-la năm 2009, tức là trung bình tăng gần 170%/năm – một hiện tượng nhập siêu vô tiền khoáng hậu trong lịch sử ngoại thương Việt Nam. Kết quả là trong năm 2009, riêng nhập siêu từ Trung Quốc chiếm tới 90% tổng nhập siêu của Việt Nam với toàn thế giới. Vì vậy, việc điều chỉnh cán cân thương mại với Trung Quốc sẽ là một bộ phận quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất, trong chiến lược giảm nhập siêu của Việt Nam.

______________________

(*) Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới