Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tham nhũng vẫn nghiêm trọng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tham nhũng vẫn nghiêm trọng

Sơn Nghĩa

Tham nhũng vẫn nghiêm trọng
Trong các giao dịch có đến 44% doanh nghiệp trả những khoản chi phí không chính thức. Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Có đến hơn 75% người được hỏi cho rằng tham nhũng vẫn còn là vấn đề nghiêm trọng nhất – theo báo cáo kết quả điều tra nghiên cứu “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ công chức” được các chuyên gia đưa ra tại buổi hội thảo “Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phòng chống tham nhũng” do Ngân hàng Thế giới (WB) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm  29-3 tại TP.HCM.

44% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức

Kết quả khảo sát cho thấy, hơn 75% người được hỏi cho rằng tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng và cũng có đến 45% các bộ công chức chứng kiến hành vi tham nhũng.

Trong các giao dịch, 28% người dân trả chi phí không chính thức , 44% doanh nghiệp trả chi phí không chính thức. Bà Trần Thị Lan Hương, đồng tác giả của bản báo cáo,  chuyên gia của WB cho biết, kết quả điều tra cho thấy không thấy có những cải thiện về hình thức tham nhũng của cán bộ công chức và tham nhũng ngày càng phức tạp hơn. “Việc phát hiện tham nhũng ngày càng giảm không có nghĩa là tham nhũng giảm mà do tham nhũng ngày càng tinh vi hơn, khó phát hiện hơn”, Bà Hương phát biểu tại buổi hội thảo.

Thực tế cho thấy, cán bộ công chức vẫn còn gây khó dễ cho doanh nghiệp, người dân trong quá trình làm việc, 63% số doanh nghiệp cho rằng cán bộ chông chức cố tình dây dưa, 22% số cán bộ công chức đã chứng kiến cán bộ công chức khác cố tình trì hoãn công việc để đòi hối lộ.

Theo kết quả khảo sát, ít nhất 10% doanh nghiệp khẳng định họ bị gây khó khăn khi sử dụng các dịch vụ công do các cơ quan nhà nước cung cấp , thậm chí ở một số dịch vụ tỷ lệ này còn cao hơn. Hải quan, cảnh sát giao thông, cơ quan thuế đều bị ít nhất 30% số doanh nghiệp nêu tên như các cơ quan gây khó khăn. Khi được hỏi về 3 ngành hay gây khó khăn nhất thì có đến 58% doanh nghiệp chọn cơ quan thuế, các cơ quan quản lý chuyên ngành chiếm thứ 2 (23%) và vị trí thứ 3 và thứ 4 thuộc về cảnh sát giao thông (21%) và tài nguyên môi trường (20%).

Khi cơ quan nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp không nhất thiết đồng nghĩa với việc cơ quan này tham nhũng, nhưng đây chính là cơ hội cho tham nhũng. Thực tế, cơ quan nào có xu hướng gây khó khăn cho doanh nghiệp nhiều nhất cũng là cơ quan mà doanh nghiệp phải trả các chi phí không chính thức thường xuyên nhất. Điều này cũng có nghĩa là những cơ quan chủ động gây khó khăn cho doanh nghiệp thì cơ hội tham nhũng ở cơ quan đó tăng lên.

Chống bằng cách nào?

Để chống tham chũng, một trong nhiều giải pháp, theo ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng phòng Ban Pháp Chế của VCCI, các cơ quan cung cấp dịch vụ công nên thiết lập cơ chế tự động cung cấp thông tin cho doanh nghiệp.  Việc công khai chi tiết, đầy đủ thông tin và quy trình ở các thủ tục hành chính ở các cơ quan công quyền cũng là cách làm giảm tham nhũng.

Đại biểu của các tỉnh tham dự hội thảo đã đưa ra một số giải pháp của địa phương mình trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư, làm phong phú thêm các sáng kiến phòng, chống tham nhũng. Tỉnh Bắc Ninh chẳng hạn, đã ban hành sổ tay hướng dẫn về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng của doanh nghiệp ở ngoài khu công nghiệp để các doanh nghiệp biết phải làm các thủ tục gì để triển khai dự án. Tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 12/2010/QĐ-UBND quy định rất chi tiết về việc phối hợp giải quyết công việc giữa các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh. Cải cách quy trình thủ tục hành chính, thành lập cơ chế một cửa một dấu như cách làm của tỉnh Ninh Thuận cũng là mô hình khá hữu hiệu để chống tham nhũng, theo đó Văn phòng Phát triển Kinh tế Ninh Thuận (Edo) là nơi giải quyết mọi thủ tục cho nhà đầu tư, nhà đầu tư chỉ cần làm việc với Edo và thời gian làm việc và chi phí liên quan sẽ giảm mạnh

Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền là cách thức tốt để tăng cường tính minh bạch và giảm thiểu tham nhũng.  Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Cố vấn Thể chế, Bộ Phát triển Quốc tế Anh tại Việt Nam cho biết, việc thực hiện chương trình phòng chống tham nhũng trong nội bộ doanh nghiệp bằng cách chia sẻ các chính sách nội bộ, các thực tiễn tốt với các đối tác bên ngoài, cũng là cách giúp doanh nghiệp minh bạch hơn khi tiếp cận với các dịch vụ công.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới