Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thăm phố cảng Sihanouk Ville

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thăm phố cảng Sihanouk Ville

Bài: Đỗ Thành – Ảnh: Mai Lĩnh

(TBKTSG Online) – Từ Siem Reap đi Sihanouk Ville, chúng tôi chọn đi chuyến xe đêm để tiết kiệm được thời gian và tiền phòng một đêm. Cả bọn chẳng ai còn cái háo hức ngắm cảnh hai bên đường cái, nhất là chặng Siem Reap về Phnom Penh đã đi qua; vả lại, đi xe giường nằm thì chỉ việc đánh một giấc, sáng mở mắt ra là có mặt tại thành phố cảng duy nhất của Campuchia bên bờ vịnh Thái Lan.

Tượng đài Sư Tử Vàng nằm giữa bùng binh trung tâm thành phố được coi là biểu tượng của Sihanouk Ville.

Tuy đã mua được vé và đem gửi trước hành lý nơi đại lý nhà xe, song thời gian chờ đợi cho chuyến đi vẫn dềnh dang sốt cả ruột. Ăn bữa cơm chót tại cái quán quen, đường phố vừa lên đèn trời lại đổ mưa càng khiến chúng tôi thấy bồn chồn với chút tình cảm lưu luyến mơ hồ với góc phố Siem Reap này.

Kỳ 1: >>> Rong chơi xứ Chùa Tháp.

Kỳ 2: >>> Siem Reap – Xa mà gần.

Kỳ 3: >>> Phế tích Angkor.

Kỳ 4: >>> Bayon – Những nụ cười bí ẩn.

Kỳ 5: >>> Ta Prohm – Những bộ rễ cây và ngôi đền đổ nát.

Kỳ 6: >>> Banteay Srei và vùng núi Kulen.

Kỳ trước: >>> Con suối 'ngàn linga'.

Nhấn vào đây >>> để xem thêm ảnh.

Chuyến xe đêm nhớ đời

Gần đến giờ xe chạy ghi trên vé, chúng tôi lếch thếch kéo nhau đến địa điểm nhà xe đón khách. Cũng như ở đường Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn, xe đậu bên lề trước mặt một phòng đại lý bán vé của hãng xe chứ không có bến bãi như ở Phnom Penh. Chúng tôi gặp anh chàng đã bán vé cho mình, lúc này đang đón hành khách lên xe.

Bước lên bậc cấp đã thấy khách trên xe khá đông. Nhìn bên ngoài, chiếc xe giường nằm này y hệt các xe khách bình thường khác, tôi đã thấy chột dạ. Thậm chí, như chiếc hôm chúng tôi đi từ TPHCM sang đây, khách ngồi tầng trên, dưới để hành lý và xe có hai cửa lên xuống. Chiếc xe này được thiết kế có hai tầng giường nằm với tổng số khách hơn 50 người nhưng chỉ có một cửa lên xuống ở đầu xe, khách nằm tầng trên có thể nhìn ra ngoài qua cửa kính, còn tầng dưới trông như cái hầm bít bùng với một lối đi ở giữa, hai bên là giường đôi nằm chung hai người, không có gì ngăn cách. Điều nguy hiểm là sàn xe chỉ có một lối đi rất hẹp ở giữa và duy nhất một cửa lên xuống cho hơn 50 con người trên xe. Nếu có sự cố gì, khách đạp lên nhau cũng đủ chết.

Xe giường nằm 'cao cấp' đến bến xe Sihanouk Ville.

Ở Việt Nam, chúng tôi cũng thường đi xe ghế nằm (có thể điều chỉnh lưng ghế), chỉ chở tối đa 38 – 40 khách sắp thành ba hàng với hai lối đi dọc xe và có hai cửa lên xuống. Khách có thể nhìn ra ngoài qua cửa kính, nếu muốn.

Sàn xe uốn vòng cao lên, càng lui về phía sau càng vểnh lên. Trên xe chỉ có vài người Campuchia và nhóm chúng tôi bốn người Việt, còn lại toàn dân Tây bụi, đầm ba lô, kẻ nằm người ngồi, tựa lưng vào mớ chăn mền ‘xí xa xí xô’ tán gẫu râm ran.

Đèn trên xe tù mù, không khí ngột ngạt, chả ai nhìn rõ mặt ai. Thỉnh thoảng ánh đèn pin nhá lên, nhìn thu lu dáng một cô gái Tây tí ta tí toét cười, lúng túng thu gom trên cái giường, giống như chiếc băng ca thường được sử dụng nơi sân cỏ.

Loạt xoạt, loạt xoạt, tiếng kéo chăn; rột rẹt, rột rẹt tiếng va chạm túi xách. Người nằm ngửa quẹt quẹt ngón tay trên Ipad, kẻ nghiêng nghiêng nhét tai dây earphone nghe nhạc… hớ hênh, khép nép. Vài đôi tình nhân âu yếm nhau, thỉnh thoảng lại rúc rích cười tự nhiên cứ như đang ở nhà mình; đặc biệt là cái mùi tổng hợp đủ thứ từ hơi người, mồ hôi, phấn son, nước hoa, bụi bặm, nệm, chăn của nhà xe, người quyện tóm lấy nhau. Có một bà to phục phịch, làm sao nhà xe lại xếp bà nằm ở tầng trên chỗ tôi, mỗi lần nhìn bà leo lên, tụt xuống thở phì phì, vô cùng vất vả khiến tôi cũng thấy lo lo…

Giờ khởi hành ấn định 7g30 tối mà phải chậm thêm 15 phút chiếc xe mới cà rịch cà tang rời khỏi bến.  Con đường vòng hẹp sau phố chợ loang loáng lướt qua, chạy thong dong một đỗi, rồi lao vút vào bóng tối. Tạm biệt Siem Reap và cả cô bé bán sinh tố dễ thương. Từ giã những buổi tối lang thang phố chợ, phố Tây, nằm ngả ra ghế tại chợ để được mát xa chân, để được nghe cái ồn ào của rượu, mùi khét của khói thuốc. Từ giã Angkor Wat, Angkor Thom, Tah Prom, Bantreay Srey với muôn ngàn ngổn ngang tình cảm, lưu luyến bâng khuâng. Từ giã những rừng cây cao vút lao xao, những con đường mòn lượn quanh và những ngọn tháp đá lung linh trong nắng chiều.

Xe cứ thế chạy đi, đều đều, rì rì theo tiếng máy. Chả nhìn thấy gì hết vì khung xe bít bùng, thế nằm không thoải mái. Với khách Tây bụi thì giường quá hẹp và quá… ngắn; còn với chúng tôi thì vốn không quen nằm chung với người cùng giới trên giường bé tí. Chẳng phải ghế mà cũng không ra giường, bấm gót chân mãi cũng mỏi, đùn vươn lên một lúc lại bị dồn xuống, trông chẳng khác lọn giò bị đặt trên cái đĩa lao chao, nực cười đến tệ!

Trải một đêm dài chả biết xe đi những đâu, chợt tỉnh chợt mê, mỏi lưng, đau gối, bụng chỉ mong sao chóng đến để thoát khỏi cảnh lưu đày khổ cực. Chả riêng gì bốn anh em chúng tôi, cả đến đám Tây bụi cũng giở mình xoành xoạch, rột roạt cả đêm. Nghĩ bụng đúng là một đêm dài bị hành vì cái gọi là xe giường nằm ‘cao cấp’.

Xe ngừng dọc đường hai lần, huê hoa đánh thức khách xuống trút ‘bầu tâm sự’. Lại lục đục người trèo, kẻ lệt bệt đi, đèn pin loang loáng, bước chuệnh choạng vấp phải nhau, rồi lại chui vào chỗ, xe lại lừ đừ đi tiếp.  Đến khi nghe cái lưng đau rần, mình oải tàn canh, mắt cay sè vì thiếu ngủ, chớm thấy cái ớn thì nghe líu tíu xe ngoặt vào bến.

Sihanouk Ville

Chợ trung tâm Sihanouk Ville. Ba người một xe máy không ai đội mũ bảo hiểm, nhưng được cái là người Khmer chạy xe rất hiền và nhường đường cho nhau.

Trời mới gần 6 giờ sáng, xe vào bến cuối tại Sihanouk Ville. Bến xe nhỏ, vắng, các dãy văn phòng bán vé hay phục vụ còn dật dờ đóng cửa, nhưng đám tuk tuk thì đã có mặt đông. Chúng tôi xuống xe trong bộ dạng thảm hại, vẻ ngật ngừ say xe còn váng vất nên chưa quan tâm đến những câu chào mời hăm hở của các bác tài tuk tuk. Khách tây đã túa đi, trơ lại chỉ còn bốn anh em chúng tôi thay nhau vào nhà vệ sinh. Vẫn còn một anh chàng tuk tuk kiên nhẫn chờ, chúng tôi chưa đặt chỗ trọ nên đề nghị anh ta đưa chúng tôi tìm thuê chỗ trọ gần chợ và gần bãi biển nhưng… giá rẻ!

Anh chàng tuk tuk trẻ này tên Thi, một cái tên dễ nhớ vì giống tiếng Việt. Thi có vẻ mặt dễ mến, nụ cười hiền khi nghe chúng tôi đưa ra yêu cầu ‘ngon, bổ và rẻ’; xem chừng thông cảm cái túi tiền nhẹ như bụi của chúng tôi nên nhiệt tình đưa đến vài nơi để chúng tôi chọn lựa. Cuối cùng chúng tôi thuê phòng của GBT, một tổ hợp khách sạn, nhà nghỉ, bungalow, với giá 20 đô la Mỹ một ngày cho một phòng hai giường đôi (bốn người) nằm cạnh một khu vườn nhỏ trồng nhiều hoa.

Nhà nghỉ này nằm cạnh khách sạn Jasmine, ở gần cuối con đường ven biển mà chúng tôi không làm sao đọc được tên đường vì trên bản đồ cũng như bảng hiệu và danh thiếp của nhà nghỉ đều chỉ ghi bằng chữ Khmer, trong khi một số đường khác đặt tên bằng con số hoặc cúng tiếng Khmer nhưng được ghi theo phiên âm bằng mẫu tự Latin. Điều khiến chúng tôi hài lòng nhất là chỉ bước sang bên kia đường là bãi biển Ochheuteal.

Du khách nước ngoài trên bãi biển Ochheuteal.

Ochheuteal beach là đoạn bãi biển tập trung khá đông khách du lịch với dãy hàng quán bán đủ thứ hải sản. Ochheuteal nằm cạnh Serendipity Beach – bãi biển duy nhất ở Sihanouk Ville có những bungalow nằm ngay trên bãi cát và sườn đồi, nơi du khách có thể thưởng ngoạn cả cảnh hoàng hôn trên biển từ phòng ngủ hoặc các nhà hàng, quán rượu sát biển. Nhiều quán ở đây mở cửa suốt đêm và khách hàng của Serendipity là du khách và người dân địa phương có hầu bao kha khá đi nghỉ cuối tuần.

Cất hành lý vào phòng xong, chúng tôi ra nhà hàng gọi món điểm tâm. Giá phòng rẻ nên không bao gồm suất ăn sáng, nhà hàng có thực đơn khá phong phú, giá không rẻ nhưng cũng không cao, đáng nói là ê kíp nhân viên phục vụ có tác phong chuyên nghiệp, chu đáo và thân thiện, thức ăn đồ uống khá ngon, nhà hàng sạch sẽ. Xong bữa sáng, chúng tôi ra xe bắt đầu lộ trình tham quan thành phố cảng. Đầu tiên là một vòng trong khu trung tâm thành phố, ngang qua chợ rồi thẳng tiến ra cảng biển; từ đó sẽ theo con đường dọc bờ biển về hướng nam.

Sihanouk Ville (tên khác là Kampong Som hoặc Kampong Saom) không lớn như chúng tôi hình dung trước khi đến đây, nhưng có thể thấy thành phố cảng này có nhiều tiềm năng phát triển kể cả về diện tích, quy mô cũng như nguồn lợi từ du lịch và cảng biển. Hiện chỉ có con đường Ekareach khá rộng, khang trang và nhiều cửa hàng lớn, buôn bán sầm uất nhất; Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanouk Ville cũng nằm trên con đường này.

Đường Ekareach rộng và khang trang, sầm uất nhất ở Sihanouk Ville.

Phần lớn đường phố không rộng nhưng khá sạch sẽ, cửa hàng kinh doanh và nhà dân nằm xen nhau. Sihanouk Ville có nhiều resort, khách sạn, đặc biệt là khu ven biển có nhiều casino; loại trung bình tập trung nhiều trên đường số 1 (hay Kakda street). Tượng đài một đôi sư tử sơn màu vàng chói được đặt giữa bùng binh ngã sáu, cuối đường Ekareach được coi như biểu tượng của thành phố.

Cảng Sihanouk Ville cũng không lớn xét về quy mô hạ tầng kỹ thuật, song sinh hoạt có chiều nhộn nhịp và đóng vai trò quan trọng với việc phát triển kinh tế Vương quốc Campuchia bởi đó là cảng biển nước sâu duy nhất. Thi đưa chúng tôi lên một đồi cao để quan sát toàn cảnh rồi vào một bến tàu du lịch nằm cạnh khu cảng chính. Ở đó có một trạm dịch vụ của trung tâm lặn biển Koh Rong (tên một hòn đảo lớn ngoài khơi) và bãi đóng mới, sửa chữa các loại tàu thuyền nhỏ bằng gỗ và composite để đánh cá và chở khách du lịch biển.

Lăm lăm máy ảnh trên tay, mấy anh em túa ra mỗi người mỗi hướng. Có anh len lỏi qua các ụ tàu, thuyền, ở các công trình hàn, sơn, hoặc đi xuyên các cầu ván nhỏ ra tít ngoài xa mà bấm tí tách liền tay. Chừng hơn một tiếng sau mới thấy cả bọn xúm lại bên chiếc xe nước mía lưu động dưới cái nắng đượm hương vị biển mặn mòi khiến tôi chợt nhớ đến khu làng biển Cửa Bé ở Nha Trang.

Xe tuk tuk 'cao cấp' thường đón khách ở các resort, casino. Ở thành phố du lịch biển này, chúng tôi không hề thấy loại taxi như ở Việt Nam.

Xe tuk tuk lại tiếp tục lăn bánh. Theo đề nghị của chúng tôi, Thi chạy đến một bãi biển có vườn dừa mát rượi, hàng quán san sát cạnh mép nước biển. Hình như nơi đó được ghi trên bản đồ du lịch là ‘New beach’. Thả khách xong, Thi bảo có việc chút việc riêng phải đi và dặn khi nào cần đi thì gọi. Tôi bảo Thi, chút nữa quay lại đây ăn cơm trưa cùng chúng tôi.

Ngả lưng ghế bố nhìn ra biển, lòng chợt nhớ Nha Trang, nhớ hương vị các món ăn quê nhà. Ngặt một điều không biết nói làm sao với chủ quán để được thưởng thức món canh chua cá biển. Cả hai mẹ con chủ quán không hiểu cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, còn tiếng Khmer thị bọn tôi ‘tịt’. 'Cái khó ló cái khôn', chị chủ quan bấm điện thoại di động ‘xí xa xí xồ’ gì đó. Một lúc thì thấy có một chị đến, cười hỏi: “Mấy anh Việt Nam qua hả?”. Hóa ra chị này quê ở Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp, qua đây sống đã lâu, hàng ngày ra đây làm nghề mát xa cho du khách.

Tôi nhờ chị nói giúp chủ quán nấu cho một nồi cơm 5 người ăn, một nồi canh chua cá biển và luộc một đĩa rau muống mà tôi thấy trong bếp quán có sẵn. Chị ta nói, canh chua ở đây không giống quê mình đâu, nói là chua nhưng cũng ngọt lắm, cũng không có bạc hà, đậu bắp… Thoáng chút thất vọng nhưng chúng tôi cũng muốn ăn thử cho biết khẩu vị người Khmer vùng biển này ra sao.

Lát sau, Thi lái tuk tuk quay lại, có thêm một bé trai ngồi trên bình xăng xe máy. Lúc này anh ta mới giải thích. Đây là đứa con đầu, đứa thứ hai mới sinh được một tuần. Sáng nay cháu bị sốt nên hồi nãy anh ta về chở vợ ẵm con vào bệnh viện nên giờ phải cho thằng lớn đi theo vì ở nhà không còn ai. Thằng bé có vẻ nhút nhát khi gặp người lạ, nhưng ngoan ngoãn.

Giữa khung cảnh rì rào của rừng liễu nhỏ, với những cơn gió thoang thoảng lướt qua, chúng tôi đánh chén đến nơi đến chốn. Mới biết, đi đâu ở đâu thì vẫn khó quên được món canh chua cá bông lau, bạc hà, rau ngổ và chén nước mắm chua chua ngọt ngọt thấm giọng cho những sợi rau muống xanh xanh đậm đà.

Từ bãi biển này, nhìn bên phải thấy cảng Sihanouk Ville, bên phải có một hòn đảo khá lớn, trên đảo có mấy tòa nhà cao tầng đang xây dựng dang dở có vẻ đang tạm dừng thi công, một cây cầu khá dài và đẹp nối đất liền sang đảo. Chợt muốn sang hòn đảo đó, lên cao để nhìn vào đất liền, tôi nói với anh chàng tuk tuk. Thi cho biết đó là cầu Techo Morakot đi sang đảo Koh Puos (còn gọi đảo Rắn – Snake Island), nhưng hiện nay du khách không được phép lên cầu hay sang đảo.

Khỉ mẹ ăn chuối một mình trong khi khỉ con nằm ngủ trong lòng mẹ.
Rừng không có suối, khỉ ra đường nhựa uống nước.

Nghỉ một chút, chúng tôi lại lên đường, Thi đưa chúng tôi đi dọc con đường ven biển, lần lượt ghé vào cầu cảng du lịch ở Airport Club và các khu resort bãi biển Hawaii, Independence và Sokha… Đi ngang qua một khu rừng sát biển, Thi bảo đó là khu biệt điện nghỉ mát của hoàng gia Campuchia. Ngăn cách khu rừng với con đường bên ngoài chỉ là một hàng rào lưới thép cao chừng 2 mét, chẳng thấy trạm gác hay bóng dáng nhân viên bảo vệ nào. Chợt thấy một chú khỉ bò ra liếm nước đọng trên mặt đường nhựa, Thi dừng xe. Hóa ra, gần chục con khỉ leo trên hàng rào lưới này ngồi chờ khách qua đường cho ăn chuối, mít… Ai đó vừa đổ ít nước ra đường, thế là một con nhảy xuống ‘giải khát’ xong lại leo lên chờ người khác cho ăn.

Hầu hết các khách sạn, resort và casino nằm dọc bãi biển ở Sihanouk Ville đều mới xây dựng và khá đẹp, sang trọng. Khác ở Việt Nam, những nơi đó được ‘bảo vệ’ như căn cứ quân sự, trong khi ở đây chiếc tuk tuk cũ kỹ bình dân chở chúng tôi vào ra tự nhiên, nghiêng ngó, chụp ảnh thoải mái… và nhân viên của họ có thái độ rất thân thiện. Tương tự, ở bãi biển Ochheuteal và Serendipity cũng không thấy cảnh giăng dây khoanh vùng dành cho du khách nước ngoài như ở Nha Trang, Việt Nam. Chúng tôi tha hồ rề rà cho đến khi mỏi mệt mới bảo Thi đưa trở về nhà nghỉ.

Đến tối, chúng tôi gọi mời Thi cùng ra chợ đêm ăn tối. Anh ta trả lời ngắn gọn, cho biết mình đang rất bận nên sẽ nhờ người anh đến chở chúng tôi đi. Khi người lái xe mới đến, xưng là anh của Thi, cho biết cháu bé mới sinh tuần trước của Thi đã mất vì bệnh, chúng tôi thực sự bàng hoàng…

Kỳ cuối: Đường về.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới