Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tham vọng của ‘trang trại thẳng đứng’ Infarm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tham vọng của ‘trang trại thẳng đứng’ Infarm

Minh Huy

(TBKTSG Online) – Khoản tiền đầu tư vào Infarm là bằng chứng mới nhất cho thấy châu Âu đang dành nhiều quan tâm cho các công ty khởi nghiệp thân thiện môi trường.

Infarm, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực canh tác thẳng đứng, vừa huy động được 170 triệu đô la trong vòng gọi vốn mới nhất giữa lúc các nhà đầu tư đặt cược vào việc người tiêu dùng muốn có nhiều sản phẩm hữu cơ và sản xuất tại địa phương hơn trong những năm tới. 

Tham vọng của 'trang trại thẳng đứng' Infarm
“Trang trại thẳng đứng” của Infarm được đặt ở nhiều nơi trong thành phố, như siêu thị, nhà hàng, trung tâm phân phối…, giúp cho rau quả được trồng trọt và thu hoạch sát với thời điểm mua và tiêu dùng. Ảnh: Infarm.

Mạng lưới trang trại rau xanh cho đô thị

Infarm được thành lập tại thành phố Berlin (Đức) vào năm 2013, có tham vọng tạo ra một tương lai nơi bất kỳ người nào cũng tiếp cận được rau quả tươi được trồng ngay tại địa phương, nhất là ở đô thị. “Trang trại thẳng đứng” của họ được đặt ở nhiều nơi trong thành phố, như siêu thị, nhà hàng, trung tâm phân phối…, giúp cho rau quả được trồng trọt và thu hoạch sát với thời điểm mua và tiêu dùng.

Công ty đã giành được hợp đồng với các siêu thị lớn như Marks & Spencer và Selfridges (ở Anh), Kroger (Mỹ), Aldi Süd (Đức), Intermarche và Auchan (ở Pháp). Infarm cũng có thỏa thuận với Amazon Fresh ở Đức, Thụy Sĩ và Pháp. Ông Erez Galonska, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Infarm, nhận định rằng đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy mọi người mong muốn có những thay đổi khẩn cấp đối với hoạt động sản xuất thực phẩm. “Đại dịch Covid-19 khiến người ta chú ý đến những thách thức nông nghiệp và sinh thái cấp bách trên thế giới”, ông cho biết.

Đang hiện diện tại 10 quốc gia và 30 thành phố trên toàn thế giới, Infarm đã xây dựng một mạng lưới trang trại đô thị để trồng rau quả tươi sống gần  người tiêu dùng hơn. Hệ thống của Infarm được thiết kế để có thể mở rộng vô hạn. Người trồng có thể thêm bao nhiêu mô-đun cũng được, miễn là không gian cho phép. Ngoài ra, toàn bộ hệ thống hoạt động dựa trên đám mây, nghĩa là các trang trại có thể được giám sát và kiểm soát từ trung tâm điều khiển trung tâm của Infarm.

Công ty hiện thu hoạch 500.000 cây mỗi tháng và khẳng định hệ thống mô-đun của họ sử dụng ít không gian hơn 99,5%, ít nước hơn 95%, vận chuyển ít hơn 90% hơn so với nông nghiệp dựa trên đất đai trong lúc không sử dụng thuốc trừ sâu. Ngoài ra, công ty sử dụng năng lượng tái tạo để cấp 90% điện cho hệ thống và đặt mục tiêu sản xuất thực phẩm không phát thải vào năm tới.

Châu Âu ưu ái những công ty net zero

Vòng gọi vốn mới nhất nói trên giúp nâng tổng số tiền đầu tư rót vào Infarm lên 300 triệu đô la cho đến giờ.  Infarm cho biết thêm sẽ sử dụng khoản đầu tư mới nhất để tăng cường hiện diện của mạng lưới canh tác toàn cầu tại các khu vực và địa phương, đồng thời hoàn thiện thế hệ mới của trang trại thẳng đứng kết nối đám mây. “Khoản đầu tư mớ nhất sẽ giúp chúng tôi thực sự tạo ra tác động trên toàn cầu”, ông Galonska nhận định.

Về lâu dài, công ty hy vọng mở rộng diện tích mạng lưới của mình lên gần 465 ngàn mét vuông tại các cơ sở nông nghiệp khắp châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á vào năm 2025, qua đó trở thành mạng lưới lớn nhất thế giới thuộc loại này. Dù vậy, công ty vẫn còn đối mặt một số thách thức, như làm thế nào đa dạng hóa hơn nữa cây trồng. Công ty này hiện chủ yếu trồng các loại thảo mộc và rau tại trang trại thẳng đứng của mình.

Khoản tiền đầu tư vào Infarm là bằng chứng mới nhất cho thấy châu Âu đang dành nhiều quan tâm cho các công ty khởi nghiệp thân thiện môi trường. Số tiền đầu tư vào các công ty công nghệ “net zero” (tức đạt được sự cân bằng giữa lượng khí thải tạo ra và lượng khí thải được lấy ra khỏi bầu khí quyển) đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 1 năm. Cụ thể, theo báo cáo mới của tổ chức Tech Nation (Anh), các công ty “net zero” ở châu Âu đã gọi vốn được tổng cộng 2,1 tỉ bảng Anh trong năm 2019, tức tăng 129% so với năm trước đó. Để so sánh, khoản đầu tư vào các công ty này ở Mỹ chỉ tăng 16% và giảm 30% ở Trung Quốc trong cùng kỳ nói trên. 

Trong khi đó, chính quyền Thủ tướng Đức Angela Merkel xem giảm khí thải là một trong những ưu tiên hàng đầu. Nền kinh tế hàng đầu châu Âu này đã chứng kiến khoản tiền đầu tư vào các doanh nghiệp “net zero” tăng 1000% trong giai đoạn 2015-2019. Còn tại Anh, chính phủ vừa tiến hành chương trình phát triển doanh nghiệp “net zero” và chọn 30 công ty khởi nghiệp để hỗ trợ.

Theo Sifted, TechCrunch

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới