Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tham vọng của Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo

TS. Phạm Sỹ Thành (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Kể từ khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, những so sánh giữa Trung Quốc và Mỹ về khả năng đuổi kịp chưa bao giờ dừng lại. Các so sánh về ngôi vị vô địch trong kinh tế dần được mở rộng sang các lĩnh vực khác như công nghệ, quốc phòng, ảnh hưởng của sức mạnh mềm… Hiện nay, các so sánh đang đổ dồn vào năng lực đổi mới sáng tạo và cuộc đua phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Báo cáo của Tổ chức Sáng tạo và Công nghệ thông tin, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington (Mỹ), cho thấy tỷ lệ đổi mới của Trung Quốc vào năm 2020 là 139% so với Mỹ, tăng từ 78% vào năm 2010. Trung Quốc chiếm 39,6% trong số 1,7 triệu bằng sáng chế được cấp trên toàn cầu vào năm 2021. Nhưng giống như mọi thảo luận so sánh khác giữa hai quốc gia này, chúng ta cũng dễ dàng nhìn thấy các quan điểm phản bác sức mạnh của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ khi họ cho rằng nghiên cứu của Trung Quốc ít ảnh hưởng hơn so với nghiên cứu của Mỹ do ít được trích dẫn hơn(1). Trước khi có một kết quả ngã ngũ về cuộc đua AI giữa Trung Quốc và Mỹ - giống như những gì diễn ra trong lĩnh vực phát triển bán dẫn - không thể phủ nhận rằng Trung Quốc đang là một cường quốc AI xét theo mọi tiêu chí.

Từ cường quốc chế tạo “Chế tạo tại Trung Quốc 2025” đến “Trung tâm đổi mới AI hàng đầu thế giới” 2030

Chỉ một năm sau khi sản phẩm AI đến từ nhóm DeepMind của Google là AlphaGo đánh bại kỳ thủ cờ vây giỏi nhất thế giới Lee Sedol, tháng 7-2017, Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố bản “Kế hoạch Phát triển trí tuệ nhân tạo thế hệ tiếp theo” (gọi tắt là Kế hoạch AI), một chiến lược toàn diện để thúc đẩy sự phát triển của AI ở Trung Quốc theo ba bước chính: bắt kịp phương Tây vào năm 2020, vượt qua phương Tây vào năm 2025 và trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về AI vào năm 2030.

Tài liệu này liệt kê một số mục tiêu đầy tham vọng nhưng vẫn còn mơ hồ khi đề cập đến các giải pháp để đạt được chúng. Bản Kế hoạch AI 2017 có bốn nguyên tắc cơ bản: (1) Dẫn đầu về công nghệ. Thông qua sự hỗ trợ dài hạn của chính phủ, cố gắng dẫn đầu trong các bước đột phá về phương pháp, công cụ và hệ thống của AI. (2) Bố trí hệ thống. Xây dựng chiến lược mục tiêu một cách có hệ thống để tập trung nguồn lực thực hiện các dự án AI lớn. (3) Chiếm lĩnh thị trường. Đẩy mạnh thương mại hóa các công nghệ AI để tạo lợi thế cạnh tranh. Sử dụng sức mạnh của chính phủ trong việc lập kế hoạch, hỗ trợ chính sách, an ninh, điều tiết thị trường và quy định các tiêu chuẩn đạo đức đối với AI. (4) Mã nguồn mở. Thúc đẩy chia sẻ mã nguồn mở giữa ngành công nghiệp và học viện. Thúc đẩy sự hợp tác lưỡng dụng giữa các thực thể quân sự và dân sự để đạt được sự đổi mới công nghệ.

Mức độ ưu tiên với chương trình phát triển AI này thậm chí còn được Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra các khuyến khích cho các quan chức chính phủ “tự khẳng định mình trong ngành AI và coi đó là cách tự tiến cử mình cho các vị trí cao hơn”. Như vậy, phát triển AI phần nào đã trở thành một “động cơ nghề nghiệp”, một thước đo để thăng tiến của quan chức ở Trung Quốc.

Vào tháng 12-2017, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) đã ban hành một kế hoạch hành động chi tiết nhằm thúc đẩy sự phát triển của AI từ năm 2018-2020. Kế hoạch này đưa ra bốn nhiệm vụ chính cho giai đoạn này. Đầu tiên, kế hoạch đưa ra các mục tiêu cụ thể cho việc phát triển “các sản phẩm thông minh” theo tám loại sản phẩm (ví dụ, các phương tiện được nối mạng, robot dịch vụ thông minh và hệ thống nhận dạng hình ảnh video). Thứ hai, nền tảng phần cứng và phần mềm cho ngành công nghiệp AI cần được củng cố bằng cách đạt được những bước đột phá đầu tiên trong “nền tảng cốt lõi” như chip mạng thần kinh. Nhiệm vụ thứ ba là thúc đẩy sự phát triển của “sản xuất thông minh”, trong khi nhiệm vụ thứ tư là xây dựng một hệ thống hỗ trợ công cộng, chẳng hạn bằng cách thúc đẩy sự phát triển của “Internet thông minh thế hệ tiếp theo”.

Mức độ ưu tiên với chương trình phát triển AI này thậm chí còn được Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra các khuyến khích cho các quan chức chính phủ “tự khẳng định mình trong ngành AI và coi đó là cách tự tiến cử mình cho các vị trí cao hơn”. Như vậy, phát triển AI phần nào đã trở thành một “động cơ nghề nghiệp”, một thước đo để thăng tiến của quan chức ở Trung Quốc.

Hệ sinh thái AI ở Trung Quốc

Về đầu tư cho AI. Trung Quốc chiếm gần 20% nguồn vốn đầu tư tư nhân toàn cầu vào năm 2021, thu hút 17 tỉ đô la Mỹ cho các công ty khởi nghiệp AI. Mặc dù con số này đứng thứ hai thế giới nhưng đầu tư tư nhân vào ngành AI của Trung Quốc vẫn thấp hơn so với Mỹ, nơi đầu tư tư nhân cho AI đạt 52,88 tỉ đô la vào năm 2021. Trong giai đoạn 2013-2021, Mỹ có tổng đầu tư tư nhân vào ngành này là 149 tỉ đô la so với với 61,9 tỉ đô la của Trung Quốc.

Đằng sau sự hào hứng với việc trở thành người dùng của ChatGPT là những chủ đề nóng bỏng vẫn đang tiếp tục được thảo luận rộng khắp: Biên giới đạo đức của AI nằm ở đâu? Liệu các quốc gia khác biệt về thể chế chính trị có thể đạt được đồng thuận về các chuẩn mực phát triển của AI hay không? Và các căng thẳng địa chính trị có tạo nên các đứt gãy mới trong hợp tác phát triển AI toàn cầu hay không?

Về các cụm AI. Các công ty Trung Quốc hoạt động trong ngành AI tương đối tập trung ở một số khu vực nhất định. Các cụm nổi lên xung quanh những gã khổng lồ công nghệ Baidu, Alibaba và Tencent lần lượt ở các thành phố Bắc Kinh, Hàng Châu và Thâm Quyến. Ngoài ra, các hệ sinh thái địa phương mạnh mẽ đã phát triển ở các thành phố khác trên cả nước. Báo cáo về phát triển AI Trung Quốc năm 2022 do Đại học Nam Khai công bố cho biết 10 tỉnh thành dẫn đầu về phát triển các cụm AI ở nước này lần lượt là Bắc Kinh, Quảng Đông, Thượng Hải, Chiết Giang, Giang Tô, Sơn Đông, Tứ Xuyên, An Huy, Liêu Ninh và Hồ Nam.

Về số lượng công bố AI. Trung Quốc đã có bước nhảy vọt về số lượng các công bố liên quan đến AI trong vòng 10 năm qua. Năm 2021, quốc gia này đã công bố 43.000 bài báo - gần gấp đôi so với Mỹ. Theo số liệu mới nhất của OECD, năm 2022, Trung Quốc có 63.477 công bố về AI trong tạp chí danh mục Scopus, trong khi Mỹ chỉ có 31.086 công bố(2). Con số này đưa Trung Quốc trở thành quốc gia có số lượng nghiên cứu công bố về AI cao nhất thế giới (chiếm gần 30% tổng số công bố toàn cầu), Mỹ chỉ đứng thứ hai với khoảng 14%, Ấn Độ đứng thứ ba với 10%, còn Hàn Quốc và Nhật Bản đều đóng góp khoảng 2%. Điều này cho thấy một khoảng cách rất xa giữa quốc gia thứ nhất với thứ hai và giữa quốc gia đứng đầu với các quốc gia tốp 5. Đáng chú ý, 53% trong tổng số công bố AI của Trung Quốc là các bài báo khoa học, 35% là bài hội thảo (chiếm 88% tổng số loại hình công bố) so với con số 32% và 38% tương ứng của Mỹ.

Về chất lượng các nghiên cứu AI. Chất lượng của nghiên cứu AI được đo lường bằng cách đếm xem có bao nhiêu bài báo nằm trong tốp 10% trích dẫn của các bài báo khác. Năm 2012, Mỹ dẫn đầu với 629 bài báo được trích dẫn nhiều nhất này, Trung Quốc ở vị trí thứ hai với 425 bài. Nhưng đến năm 2019, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ. Năm 2021, Trung Quốc có 7.401 bài báo về AI được trích dẫn nhiều nhất, trong khi Mỹ chỉ có số lượt trích dẫn nhiều nhất bằng 70% của Trung Quốc.

Những gã khổng lồ công nghệ Mỹ vẫn đang thống trị bảng xếp hạng nghiên cứu AI nhưng không còn địa vị độc tôn như cách đây một thập kỷ. Năm 2021, sáu công ty của Mỹ nằm trong tốp 10 về nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất. Nhưng Tencent, Alibaba, Huawei và State Grid Corp. của Trung Quốc đã chiếm bốn vị trí còn lại.

Bức tranh các ngành kinh tế ứng dụng AI ở Trung Quốc

Ở Trung Quốc, các công ty AI thường thuộc một trong năm loại chính: (1) Các kiến trúc có thể mở rộng một cách thích hợp khi nhu cầu tăng lên (Hyperscalers) phát triển năng lực công nghệ AI toàn diện và cộng tác trong hệ sinh thái để phục vụ cả mảng kinh doanh doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) và doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C). (2) Các công ty trong ngành truyền thống phục vụ khách hàng trực tiếp bằng cách phát triển và áp dụng AI trong quá trình chuyển đổi nội bộ, ra mắt sản phẩm mới và dịch vụ khách hàng. (3) Các công ty AI theo ngành dọc phát triển phần mềm và giải pháp cho các trường hợp sử dụng miền cụ thể. (4) Các nhà cung cấp công nghệ lõi AI cung cấp khả năng tiếp cận thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận dạng giọng nói và khả năng học máy để phát triển các hệ thống AI. (5) Các công ty phần cứng cung cấp cơ sở hạ tầng phần cứng để hỗ trợ nhu cầu AI về sức mạnh tính toán và lưu trữ.

Ngày nay, việc áp dụng AI ở Trung Quốc có tỷ lệ cao nhất là trong lĩnh vực tài chính, bán lẻ và công nghệ cao khi chúng đóng góp hơn một phần ba thị phần AI. Nhưng trong tương lai, điều này sẽ thay đổi khi bốn ngành mới nổi được cho là sẽ có sức bật lớn khi ứng dụng sâu AI hơn nữa, chúng bao gồm: (1) ô tô, vận tải và hậu cần, (2) chế tạo, (3) phần mềm doanh nghiệp, (4) chăm sóc sức khỏe và khoa học đời sống. Trong tương lai gần, các lĩnh vực này có thể tạo ra giá trị kinh tế lên tới 600 tỉ đô la/năm cho Trung Quốc - gần bằng GDP của Thượng Hải. Trong đó, lĩnh vực ô tô, vận tải và hậu cần được cho là sẽ chiếm 64%, ngành chế tạo sẽ chiếm 19%, ngành phần mềm doanh nghiệp chiếm 13% và chăm sóc sức khỏe và khoa học đời sống chiếm 4% của cơ hội 600 tỉ đô la này.

Ngành ô tô và logistics. 380 tỉ đô la giá trị được tạo ra vào năm 2030 có thể xuất hiện chủ yếu ở ba lĩnh vực: (1) phương tiện tự lái, (2) các cập nhật cá nhân hóa cho chủ sở hữu ô tô và (3) quản lý tài sản của xe. Hiện tại, cả các hãng ô tô truyền thống và hãng ứng dụng AI đã đạt được tiến bộ đáng kể để nâng cao khả năng lái xe tự động lên cấp độ 4 (người lái xe không cần chú ý nhưng có thể kiểm soát) và cấp độ 5 (khả năng tự động hoàn toàn trong đó bao gồm vô lăng là tùy chọn). Chẳng hạn, WeRide, công ty đã đạt được khả năng lái xe tự động cấp độ 4, đã hoàn thành thử nghiệm Robotaxi của mình tại Quảng Châu, với gần 150.000 chuyến đi trong một năm mà không có bất kỳ tai nạn nào phải chịu trách nhiệm pháp lý. Việc tăng các trải nghiệm cá nhân cho chủ sở hữu xe hơi có thể thực hiện bằng cách sử dụng AI để phân tích dữ liệu cảm biến và GPS - bao gồm tình trạng các bộ phận của xe, mức tiêu thụ nhiên liệu, lựa chọn tuyến đường và thói quen lái xe. Sự thay đổi này sẽ tạo ra 30 tỉ đô la mỗi năm cho ngành công nghiệp chế tạo ô tô của Trung Quốc.

Ngành chế tạo. AI có thể giúp Trung Quốc chuyển đổi từ thực hiện sản xuất sang đổi mới sản xuất và tạo ra 115 tỉ đô la giá trị kinh tế vào năm 2030 với hai đột phá chính gồm: (1) R&D thiết kế quy trình - dự kiến tạo ra 100 tỉ đô la mỗi năm và (2) R&D sản phẩm - tạo ra thêm 15 tỉ đô la. R&D thiết kế quy trình sẽ tận dụng các bản sao kỹ thuật số và học máy để mô phỏng, thử nghiệm và xác nhận kết quả của quy trình sản xuất trước khi bắt đầu sản xuất hàng loạt, giúp giảm đáng kể chi phí R&D trong thiết kế quy trình sản xuất. Trong khi đó, R&D sản phẩm tận dụng bản sao kỹ thuật số và học máy trong thử nghiệm và xác nhận thiết kế sản phẩm mới, dự đoán nhanh kết quả thiết kế sản phẩm, giảm chi phí R&D và có khả năng tạo ra sản phẩm mới cũng như cải thiện chất lượng sản phẩm.

Ngành phần mềm doanh nghiệp. Các giải pháp công ty do ứng dụng AI được ước tính sẽ mang lại thêm 80 tỉ đô la giá trị kinh tế cho Trung Quốc. Trong đó, các dịch vụ cung cấp công cụ đám mây và AI dự kiến sẽ cung cấp hơn một nửa giá trị tạo ra này (45 tỉ đô la). Trong một trường hợp, nhà cung ứng dịch vụ đám mây đã phục vụ hơn 100 ngân hàng và công ty bảo hiểm địa phương ở Trung Quốc bằng một nền tảng dữ liệu tích hợp cho phép họ hoạt động trên cả môi trường đám mây lẫn tại chỗ, đồng thời giảm chi phí phát triển và lưu trữ cơ sở dữ liệu. Trong một trường hợp khác, một nhà cung cấp công cụ AI ở Trung Quốc đã phát triển một nền tảng thuật toán AI dùng chung có thể giúp các nhà khoa học dữ liệu của họ tự động đào tạo, dự đoán và cập nhật mô hình cho một vấn đề dự đoán nhất định, qua đó đã giảm thời gian xây dựng mô hình từ ba tháng xuống còn khoảng hai tuần. Một khía cạnh hái ra tiền khác của lĩnh vực này là các công ty cung cấp phần mềm AI dạng dịch vụ (AI-SaaS), ví dụ như thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, học máy…, để giúp các công ty đưa ra dự đoán và quyết định trong các chức năng của công ty về tài chính và thuế, nguồn nhân lực, chuỗi cung ứng và an ninh mạng. Dự kiến các hoạt động này sẽ tạo ra 35 tỉ đô la mỗi năm.

Ngành chăm sóc sức khỏe và khoa học đời sống. AI sẽ đem lại thêm 25 tỉ đô la mỗi năm cho ngành y tế Trung Quốc bằng việc giúp: (1) phát triển thuốc nhanh hơn, (2) tối ưu hóa thử nghiệm lâm sàng và (3) hỗ trợ quyết định lâm sàng. Các loại thuốc mới (thuốc theo toa được cấp bằng sáng chế) hiện chiếm chưa đến 30% tổng quy mô thị trường ở Trung Quốc (so với hơn 70% trên toàn cầu), điều đó cho thấy cơ hội từ việc giới thiệu các loại thuốc mới được hỗ trợ bởi AI là lớn như thế nào.

Triển vọng nào cho hợp tác AI toàn cầu?

Trung Quốc đã có những bước tiến dài trong việc đặt ra các quy định liên quan đến đạo đức của việc phát triển và ứng dụng AI. Cuối tháng 10-2021, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn mang tên “Thông số đạo đức trí tuệ nhân tạo thế hệ mới”. Bản hướng dẫn này đưa ra các quy tắc nhấn mạnh quyền của người dùng và kiểm soát dữ liệu đồng thời phù hợp với mục tiêu của Bắc Kinh là kiềm chế các công ty công nghệ lớn.

Mặc dù vậy, sự phát triển AI của Trung Quốc đã gặp phải rất nhiều chỉ trích và lo ngại liên quan đến bảo mật dữ liệu cá nhân, hay việc ứng dụng AI để giám sát theo các mục tiêu của nhà nước. Và AI trở thành “mặt trận chính thức mới” trong cuộc đua công nghệ Mỹ - Trung. Vào ngày 1-9-2022, Mỹ đã cắt đứt dòng công nghệ tiên tiến đến Trung Quốc bằng cách chỉ thị cho Nvidia Corp và Advanced Micro Devices (AMD) ngừng gửi chip AI hàng đầu của họ. Đến ngày 7-10-2022, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố chính sách kiểm soát xuất khẩu mới đối với AI và công nghệ bán dẫn sang Trung Quốc. Nói tóm lại, Mỹ đang cố gắng: (1) bóp nghẹt ngành công nghiệp AI của Trung Quốc bằng cách chặn quyền truy cập vào các chip AI cao cấp, (2) chặn Trung Quốc thiết kế chip AI trong nước bằng cách chặn quyền truy cập của Trung Quốc vào phần mềm thiết kế chip do Mỹ sản xuất.

Đằng sau sự hào hứng với việc trở thành người dùng của ChatGPT là những chủ đề nóng bỏng vẫn đang tiếp tục được thảo luận rộng khắp từ giới hàn lâm đến giới làm chính sách: Biên giới đạo đức của AI nằm ở đâu? Liệu các quốc gia khác biệt về thể chế chính trị có thể đạt được đồng thuận về các chuẩn mực phát triển của AI hay không? Và các căng thẳng địa chính trị có tạo nên các đứt gãy mới trong hợp tác phát triển AI toàn cầu hay không?

(*) Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Trung Quốc (CESS).
(1) https://www.scmp.com/news/china/article/3207812/china-surpassing-us-key-innovation-metric-and-evolving-imitator-washington-report-says
(2) Xem nguồn số liệu tại AI.OECD: https://oecd.ai/en/data?selectedArea=ai-research&selectedVisualization=top-countries-in-ai-scientific-publications-in-time-from-s

1 BÌNH LUẬN

  1. Tham vọng ai cũng có. Nhưng cách tham vọng mới quan trọng. TQ là một trong số ít những điển hình đáng nể về tham vọng chinh phục công nghệ cao. Từ chỗ bắt đầu không có gì, chỉ dựa vào hỗ trợ của Liên Xô, sau đó từng bước triển khai chiến lược ba mũi: Làm thuê/ Làm chung/ Làm chủ. Chiến lược nhân tài cũng vậy, sinh viên học tập ở nước ngoài quan trọng là giành lấy thành tựu cho chính bản thân mình, sau đó khi muốn về nước thì sẽ được đãi ngộ tối đa. Triết lý Đặng Tiểu Bình “Mèo trắng, như mèo đen, miễn là bắt được chuột” đã thành kim chỉ nam vô cùng hữu hiệu cho thành công của TQ đến ngày hôm nay, trở thành một thế lực khó ai có thể thách thức.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới