Tham vọng hướng tới doanh thu 'vạn tỉ'
DŨNG NGUYỄN thực hiện
(TBKTSG) - Từ một xưởng sản xuất bút viết nhỏ thành lập năm 1981 cho đến thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực văn phòng phẩm là một chặng đường dài khó quên. TBKTSG đã có buổi trao đổi với ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Thiên Long, ghi nhận hành trình đã qua và chặng đường mới với nhiều tham vọng của nhà sản xuất văn phòng phẩm này.
Ông Cô Gia Thọ. |
TBKTSG: Sau hành trình dài 40 năm, đâu là những tài sản có giá trị nhất của Thiên Long, thưa ông?
- Ông CÔ GIA THỌ: Điều tôi tự hào là Thiên Long luôn tiến bộ, doanh thu mỗi năm luôn tăng, năm sau cao hơn so với năm trước, kể cả khi nền kinh tế gặp khó khăn.
Một giá trị quan trọng khác là thương hiệu FlexOffice có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới, cho thấy hàng văn phòng phẩm Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Hướng đi này đã được Thiên Long định hướng từ năm 2000, khi chúng tôi nhìn thấy bức tranh tổng thể sáng hơn của ngành. Ngày nay, chúng tôi xuất khẩu đi 65 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Riêng mùa Covid-19 vừa rồi, mặc dù trường học đóng cửa, xuất khẩu các nước cũng gặp khó khăn, nhưng Thiên Long vẫn là “người hưởng thụ”. Hưởng thụ những gì mình đã chuẩn bị, không hoang mang, điềm tĩnh phản ứng. Trong dịch bệnh, tập thể cán bộ nhân viên vẫn luôn sung sức và có lửa.
TBKTSG: Nhưng cũng sẽ có lúc Thiên Long gặp khó khăn?
- Nói khó khăn thì không hẳn, nhưng Thiên Long cũng có lúc chững lại một chút vì tham vọng quá lớn của mình. Năm 2008, với mong muốn chuyển mình phát triển mạnh mẽ, chúng tôi đầu tư vào khu công nghiệp Long Thành, và khu công nghiệp Đồng Văn ở Hà Nam, với ý định sản xuất ba dòng sản phẩm là file bìa, tập học sinh, bút chì và phấn.
Tuy vậy, kinh tế khủng hoảng ngay sau đó, lãi suất có thời điểm lên trên 24%. Lúc đó vay là chết ngay, đầu tư nhà máy 5-10 năm còn chưa lấy lại vốn. Kế hoạch vỡ, chúng tôi dứt khoát cắt lỗ, chỉ giữ lấy một nhà máy ở Long Thành.
TBKTSG: Vậy bí quyết duy trì đà tăng trưởng liên tục trong 40 năm qua là sự chuẩn bị kỹ càng từ trước?
- Có thể nói Thiên Long được như ngày nay là nhờ hưởng thụ những thành quả từ các bước đi chiến lược căn cơ, đồng thời là chìa khóa phát triển bền vững trong suốt 40 năm qua.
Bốn thập niên ấy là quãng thời gian mà Thiên Long cải tiến liên tục và bền bỉ đến từng chi tiết nhỏ. Trong hành trình đó, nội lực của Thiên Long được tạo ra nhờ “hạch tâm” là hoạt động R&D, nghiên cứu và sản xuất hóa, khuôn và tự động hóa.
Ngành văn phòng phẩm đòi hỏi chất lượng sản phẩm rất cao, vốn chỉ được tạo thành khi có được sự đồng bộ từ công nghệ, nguyên phụ liệu đến tay nghề. Những công ty bút bi ít đầu tư vào việc sản xuất đầu bút, một là do quy mô không đủ, hai là kỹ thuật khó và chi phí đầu tư lớn. Chúng tôi thường nói với nhau rằng, dù chỉ đi ngành hẹp, tỷ suất lợi nhuận không cao nhưng kỹ thuật phải cao.
Không tự hài lòng với chất lượng vượt trội nhờ công thức thành công ban đầu là nhập khẩu công nghệ và nguyên phụ liệu, chúng tôi dần nâng tầm chính mình để từng bước tự sản xuất được nhiều vật liệu thiết yếu cho sản xuất như mực, đầu bút..., từ đó giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nguyên vật liệu từ đối tác quốc tế. Thiên Long cũng chủ động trong việc tự thiết kế sản xuất khuôn mẫu, máy lắp ráp tự động phục vụ sản xuất và đẩy nhanh tốc độ tự động hóa, hiện tỷ lệ tự động hóa đã lên trên 74%.
TBKTSG: Năm 2019, Thiên Long ghi nhận doanh thu 3.252 tỉ đồng và vốn điều lệ 778 tỉ đồng. Những con số này liệu có chút khiêm tốn so với tuổi đời 40?
- Thực tế thì văn phòng phẩm là ngành hẹp với quy mô không quá lớn so với những ngành nghề khác. Dù vậy, ở thị trường trong nước, chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì khoảng cách khá lớn đối với nhiều đơn vị trong ngành.
Ở thị trường quốc tế, chúng tôi là nhà cung cấp cho các thương hiệu hàng đầu thế giới tại Mỹ và Nhật Bản, còn Đông Nam Á cũng là thị trường chủ lực. Plimsoll (đơn vị nghiên cứu thị trường Anh quốc - PV) đánh giá Thiên Long là công ty có mức tăng trưởng doanh thu cao nhất khu vực Đông Nam Á, nằm trong Top 15 công ty tăng trưởng doanh thu cao nhất thế giới và là đối tác thương mại tốt nhất thế giới trong năm năm liên tiếp.
Tuy nhiên, dù doanh thu bao nhiêu đi nữa thì chúng tôi tin rằng tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là sự tin yêu của người tiêu dùng. Tệp khách hàng lên đến hàng chục triệu người tiêu dùng thân thiết từ học sinh, sinh viên đến nhân viên văn phòng là tiền đề rất quan trọng để Thiên Long mở rộng danh mục sản phẩm, ngành hàng, tự tin tiến lên “doanh nghiệp vạn tỉ” trong tương lai.
TBKTSG: Kế hoạch “vạn tỉ” mà ông vừa nhắc đến là đạt mức doanh thu 10.000 tỉ đồng vào năm 2025. Để được như vậy thì bình quân mỗi năm Thiên Long phải tăng trưởng khoảng 25% mỗi năm, con số này liệu có quá tham vọng?
- Đúng là khá tham vọng khi nhìn vào con số hiện nay, nhưng như đã nói ở trên, chúng tôi có sức mạnh của thương hiệu Thiên Long. Danh mục sản phẩm được bổ sung và cải tiến nhờ sự sáng tạo liên tục và bền bỉ qua mỗi năm, sở hữu hệ sinh thái văn phòng phẩm mạnh mẽ, là những tiền đề mà mỗi người ở Thiên Long đều tin rằng kế hoạch “vạn tỉ” này sẽ thành công.
Một yếu tố khác mà tôi muốn nhấn mạnh, đó là sức mạnh của người tiêu dùng. Ở đâu có thị trường lớn thì đó là mảnh đất màu mỡ của Thiên Long. Chúng tôi đang mở rộng sang thị trường Indonesia với quy mô 300 triệu dân trong hai năm qua.
Thị trường Philippines cũng đang có những tín hiệu tích cực khi Thiên Long nằm trong nhóm dẫn đầu, còn thị trường Myanmar tăng trưởng đến hơn 50% như những năm trước. Với thị trường Đông Nam Á quy mô 600 triệu dân thì Thiên Long trong năm năm tới còn làm không hết việc.
TBKTSG: Bên cạnh khả năng mở rộng thị trường thì công nghệ sẽ là trọng tâm tiếp theo của Thiên Long?
- Cứ thử tưởng tượng với số lượng SKU (đơn vị lưu kho - PV) lên đến hơn hàng ngàn mã, nếu không có chuyển đổi số thì Thiên Long rất khó quản lý hiệu quả. Một cây bút nhìn đơn giản thôi nhưng các chi tiết, linh kiện rất nhiều, mỗi dây chuyền sản xuất lại khác nhau nên vấn đề quản trị chi phí là đặc biệt quan trọng.
Từ năm 2010, Thiên Long đã đầu tư vào hệ thống ERP/SAP, là giải pháp tích hợp quản trị hệ thống doanh nghiệp, khi đó vẫn còn là khái niệm tương đối mới mẻ và không nhiều doanh nghiệp dám ngó tới. Sau hai năm, hệ thống này đã vận hành, tạo tiền đề để phát triển các phần mềm vận hành doanh nghiệp sau này.
Cuối năm 2020, Thiên Long và FPT ký kết hợp đồng tư vấn lộ trình chuyển đổi số toàn diện trong câu chuyện tiến đến gần người tiêu dùng hơn và giảm chi phí, gia tăng hiệu quả. Cái khó nhất trong câu chuyện chuyển đổi số là sự thay đổi tư duy quản trị kiểu cũ sang mới. Đó cũng là mục tiêu mà Thiên Long đặt ra, dù cho tư vấn hay kiểu nào mà tư duy không thay đổi thì cũng sẽ rất khó.