Tham vọng nhà máy thông minh của Trung Quốc
Chánh Tài
(TBKTSG Online) - Chính phủ Trung Quốc đang nuôi tham vọng đưa các tập đoàn hàng đầu của nước này ra cạnh tranh ngang ngửa với các đối thủ nước ngoài trên thị trường toàn cầu bằng cách hỗ trợ họ xây dựng các nhà máy thông minh.
Nhà máy thông minh của Sany ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Ảnh: WSJ |
Nhà máy kiểu mẫu sử dụng robot và dữ liệu
Theo tờ The Wall Street Journal, Sany, một trong những tập đoàn chế tạo máy móc hạng nặng lớn nhất Trung Quốc, đã ứng dụng những công nghệ mới nhất trong quy trình sản xuất thiết bị máy móc nhờ các gói trợ cấp của nhà nước.
Đề án phát triển tương lai ngành công nghiệp Trung Quốc đang được thực hiện tại một nhà máy không dính bụi có tên gọi Xưởng sản xuất 18 của Sany ở tỉnh Hồ Nam, nơi các công nhân với bộ đồng phục màu xanh da trời sẫm làm việc bên cạnh các robot để lắp ráp các xe tải bơm bê tông có thể tống bê tông lên những tòa nhà chọc trời cao nhất Trung Quốc.
Các kỹ sư ở nhà máy này thiết kế những sản phẩm hoạt động hiệu quả hơn bằng cách phân tích dữ liệu được truyền theo thời gian thực từ máy móc của Sany đang hoạt động khắp nơi trên thế giới về một trung tâm dữ liệu nằm cạnh nhà máy. Sany đang giám sát 380.000 xe trộn bê tông, máy đào và xe cần cẩu có kết nối internet của hãng này, nhờ vậy, Sany đã thu thập hơn 100 triệu mục dữ liệu kỹ thuật.
Xưởng sản xuất 18 được các quan chức ngành công nghiệp Trung Quốc quy hoạch như là mô hình nhà máy mẫu cho kế hoạch của Bắc Kinh, nhằm nâng cấp trình độ sản xuất các tập đoàn hàng đầu của đất nước để giúp họ cạnh tranh tốt hơn trên thế giới, hay còn được biết với tên gọi “Made in China 2025”.
Ứng dụng robot, dữ liệu lớn và các tiến bộ công nghệ khác vào sản xuất được giới lãnh đạo Trung Quốc xem là yếu tố then chốt để phát triển các tập đoàn khổng lồ trong nước ở các lĩnh vực như thiết bị điện, xe điện, thiết bị hàng hải, chip... với mục tiêu giúp Trung Quốc có thể tự cung tự cấp trong các lĩnh vực này vào giữa thập kỷ sau.
Sany, một trong ba tập đoàn chế tạo máy móc hạng nặng lớn nhất Trung Quốc, cho biết ứng dụng công nghệ vào quy trình sản xuất đã giúp tăng công suất, rút ngắn thời gian giao hàng và cắt giảm chi phí hoạt động ít nhất 20%. Sany cũng đang đặt cược rằng công nghệ sẽ giúp tập đoàn này gầy dựng được danh tiếng dựa vào chất lượng và sự sáng tạo hơn là dựa vào các mức giá rẻ cho các sản phẩm bắt chước nước ngoài, giúp Sany trở thành một ông lớn máy móc trong nước trong những năm trước đây.
“Tương lai của ngành công nghiệp sản xuất máy móc hạng nặng sẽ trông cậy nhiều vào phần mềm và dữ liệu chẳng kém phần quan trọng so với phần cứng”, Pan Ruigang, giám đốc công nghệ thông tin của Sany, cho biết.
Công nhân làm việc bên cạnh robot ở nhà máy của Sany ở quận Xương Bình, gần nội thành Bắc Kinh. Ảnh: WSJ |
Xây dựng nhà máy thông minh nhờ vốn vay ưu đãi
Chương trình “Made in China 2025” của Trung Quốc đã châm ngòi cho những chỉ trích ở Washington khi các thành viên trong chính quyền Tổng thống Donald Trump cáo buộc Bắc Kinh sử dụng trợ cấp và chủ nghĩa bảo hộ để nâng đỡ bất công các công ty Trung Quốc. Bắc Kinh đã chuẩn bị sẵn hàng tỉ đô la Mỹ ở các chương trình cấp tỉnh và cấp trung ương để hỗ trợ các công ty trong nước bắt kịp trình độ của các đối thủ nước ngoài. Các công ty Trung Quốc muốn xây dựng các nhà máy thông minh tương tự như Workshop 18 có thể nộp đơn xin trợ cấp (vốn vay ưu đãi) của chính phủ với mức lên đến 45 triệu đô la, theo các tài liệu của Bộ Công nghiệp và Thông tin Trung Quốc.
Ngân hàng phát triển Trung Quốc (CDB) đang làm việc với Bộ Công nghiệp và Thông tin Trung Quốc để cung cấp 300 tỉ nhân dân tệ (43,9 tỉ đô la) giá trị vốn vay ưu đãi cho các dự án lớn.
Các chính sách ưu đãi, được cung cấp cho các nhà sản xuất Trung Quốc để giúp họ mua thêm robot, đã giúp Trung Quốc trở thành thị trường tự động hóa tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Năm 2016, Trung Quốc đã lắp đặt 87.000 thiết bị robot, mức kỷ lục từ trước đến nay. Con số này con hơn tổng số thiết bị robot được lắp đặt ở Mỹ và Đức trong cùng năm đó, theo Liên đoàn robot quốc tế (IFR).
Bắc Kinh muốn mật độ robot đạt tỷ lệ 150/10.000 công nhân vào năm 2020, tăng gấp đôi so với mức của năm 2015, dù vẫn thấp hơn mức 189/10.000 công nhân ở Mỹ.
Có trụ sở đặt tại tỉnh Hồ Nam, nơi sinh của cố lãnh đạo và người sáng lập đất nước Trung Quốc hiện đại Mao Trạch Đông, Sany đã trải qua ba thập kỷ trung thành với các mục tiêu kinh tế của Bắc Kinh. Hoạt động kinh doanh của tập đoàn này tăng trưởng bùng nổ cùng với đà tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc được dẫn dắt bởi hoạt động xây dựng hạ tầng.
Sany khởi đầu hoạt động kinh doanh bằng cách bắt chước các máy móc nước ngoài để sản xuất các phiên bản giá rẻ ở Trung Quốc. Tập đoàn này là một trong những công ty lớn nhất niêm yết trên thị trường chứng khoán Trung Quốc vào thập niên 2000. Năm 2012, Sany chi 324 triệu euro để thâu tóm 90% cổ phần của hãng sản xuất xe bơm bê tông Putzmeister Holding (Đức).
Giấc mơ Trung Hoa bắt đầu từ giấc mơ Sany
Sany bắt đầu xây dựng bốn nhà máy thông minh từ năm 2012 khi tập đoàn này hưởng ứng lời hiệu triệu nâng cấp trình độ sản xuất quốc gia của Bắc Kinh. Chương trình thu thập dữ liệu theo thời gian thực của Sany nhận được lời khen ngợi của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hồi tháng 6. Sany cũng sử dụng các xe tự hành ở Xưởng sản xuất 18 để vận chuyển vật liệu và linh kiện đến các công nhân làm việc ở các dây chuyền lắp ráp.
Một nhà máy khác của Sany ở quận Xương Bình gần nội thành Bắc Kinh treo những những lá cờ in những câu khẩu hiệu truyền cảm hứng như: “Để thực hiện được Giấc mơ Trung Hoa, phải thực hiện được Giấc mơ Sany”.
Các kỹ sư ở đây sử dụng robot để sản xuất các máy đóng cọc.
Các robot hàn, được sản xuất bởi tập đoàn Fanuc của Nhật, cho phép các công nhân ở nhà máy này thiết kế một giàn khoan dầu khí có thể hoạt động liên tục 24 tiếng mỗi ngày trong những điều kiện khắc nghiệt. Các giàn khoan của Sany đang được sử dụng tại một dự án ở cực Bắc của thế giới tại Nga để khoan thăm dò tìm khí đốt ở dưới lòng biển Bắc cực. Giờ đây, các lãnh đạo tập đoàn này đang hợp tác với các nhà sản xuất trong nước để sản xuất robot với các tính năng theo yêu cầu của họ.
Sany đã nhận được nhiều gói trợ cấp từ chính phủ trong nhiều năm qua nhưng tập đoàn này phát triển chủ yếu nhờ tái đầu tư lợi nhuận và đã trở thành nhà sản xuất máy móc lớn thứ tám thế giới.
Tại thị trườngTrung Quốc, Sany và các công ty Trung Quốc khác đang gặm nhấm dần thị phần của các đối thủ nước ngoài như Caterpillar (Mỹ).
Sany đang nắm giữ 3,7% thị phần thiết bị xây dựng toàn cầu xét theo doanh số. Sany cũng có những thương vụ đầu tư nhỏ ở Mỹ bao gồm một nhà máy trị giá 60 triệu đô la ở bang Georgia.
Sany đang tập trung thực hiện các kế hoạch khác của Bắc Kinh, đó là nhắm vào các thị trường đang phát triển ở Đông Nam Á và Trung Á cùng với hành lang hạ tầng ở khu vực nằm trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường”.