Chủ Nhật, 29/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thận trọng mục tiêu tăng trưởng tín dụng

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trước việc tăng trưởng tín dụng chậm chạp từ đầu năm đến nay, có lẽ các ngân hàng cũng chưa cần thiết phải nhận chỉ tiêu tăng trưởng quá cao ngay từ đầu năm. Ngoài ra, trước những rủi ro tiềm ẩn của nền kinh tế, đặc biệt là lạm phát, nhà điều hành càng có cơ sở để tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng.

Sự thận trọng vẫn là chính sách chủ đạo trong phát triển tín dụng cho năm 2023.
Ảnh: LÊ VŨ

Thận trọng là cần thiết

13,5% là hạn mức tăng trưởng tín dụng cao nhất, dành cho Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB), trong đợt phân bổ chỉ tiêu tín dụng lần 1 năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cuối tuần trước, nhờ có hệ số dư nợ cho vay/huy động vốn từ khách hàng (LDR) thấp hơn so với các ngân hàng khác. Theo dữ liệu chia sẻ từ Công ty Chứng khoán VNDirect, đã có 11 ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng lần này, với dải tăng trưởng chỉ tiêu từ 8-10%.

Nếu so với kết quả tăng trưởng tín dụng năm ngoái cao nhất là 28,3% của VPBank, hầu hết các ngân hàng từ 12-14% và một số ngân hàng từ 18 đến trên 20%, bức tranh chỉ tiêu tín dụng sơ bộ đầu năm nay cho thấy sự thận trọng vẫn là chính sách chủ đạo trong phát triển tín dụng cho năm 2023. Cụ thể, những ngân hàng được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cao trong năm ngoái thì năm nay, trong lần này, được giao thấp hơn nhiều, như VPBank hạn mức chỉ còn 9%, MBBank cũng ở mức 9% trong khi kết quả năm ngoái đạt 25,4%, VCB là 9,6% từ mức 18,9% năm ngoái, hay như TPBank, ACB, VIB từ mức trên 14% năm ngoái về chỉ còn 9-9,8%.

Ngoại trừ các ngân hàng có nhiệm vụ hỗ trợ ngân hàng yếu kém được giao chỉ tiêu giảm đáng kể so với năm trước, có lẽ vì chưa xác định được chỉ tiêu tăng trưởng của những ngân hàng được hỗ trợ, mẫu số chung rõ ràng cho thấy các ngân hàng đều nhận được chỉ tiêu khá thấp so với kỳ vọng trước đó, dù mục tiêu toàn ngành trong năm nay được dự báo tiếp tục ở mức cao 14-15%.

Nhìn lại những năm gần đây, nhà điều hành thường cũng giao chỉ tiêu khá khiêm tốn trong đợt phân bổ lần đầu, thường diễn ra trong quí 1. Có lẽ do cơ quan này đang phải vừa nhìn lạm phát và xu thế lãi suất để phân bổ dần, chứ không vội mạnh tay giao chỉ tiêu cao ngay từ đầu năm, vì khi đó các ngân hàng sẽ chạy đua tín dụng quyết liệt ngay từ đầu, gây áp lực thêm lên lãi suất, nhất là khi tỷ lệ LDR của nhiều ngân hàng đang gần chạm ngưỡng quy định, theo báo cáo tài chính năm 2022.

Tăng trưởng tín dụng toàn ngành hai tháng đầu năm nay là 0,77%, thấp hơn nhiều so với mức 1,82% của cùng kỳ năm 2022. Tại đầu tàu kinh tế TPHCM, dư nợ tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 2-2023 là 3.238.000 tỉ đồng, giảm nhẹ 0,12% so với cuối năm 2022, theo dữ liệu từ Cục Thống kê thành phố.

Còn theo dữ liệu cập nhật gần nhất trên trang web của NHNN đến thời điểm tháng 11-2022, với dư nợ tín dụng toàn ngành hơn 11.697.616 tỉ đồng, trong khi tiền gửi của khách hàng là 11.553.571 tỉ đồng, tỷ lệ dư nợ tín dụng/tiền gửi đã vược mức 100%. Phần thiếu vốn còn lại đang được tài trợ bởi lượng giấy tờ có giá mà các ngân hàng liên tục phát hành trong những năm qua, vốn vay từ các tổ chức tín dụng, định chế tài chính quốc tế.

Ngoài ra, việc để dành dư địa tín dụng cho những tháng sau có thể còn nhằm phục vụ cho công tác quản trị điều hành và đánh giá đối với các ngân hàng. Theo đó những ngân hàng nào tiếp tục nâng cao được nội lực tài chính, tuân thủ tốt các chính sách, phát triển theo định hướng của NHNN, tín dụng rót vào các lĩnh vực khuyến khích của Chính phủ,... có thể được nhận hạn mức còn lại cao hơn so với bình quân như là một phần khen thưởng cho sự nỗ lực.

Khó ở đầu ra

Thực tế với kết quả tăng trưởng tín dụng khá chậm từ đầu năm đến nay, trái với diễn biến tăng mạnh cùng kỳ năm ngoái, việc đẩy vốn ra cũng đang là bài toán nan giải với nhiều ngân hàng. Số liệu được công bố gần nhất cho thấy tăng trưởng tín dụng toàn ngành hai tháng đầu năm nay là 0,77%, thấp hơn nhiều so với mức 1,82% của cùng kỳ năm ngoái. Đơn cử như tại đầu tàu kinh tế TPHCM, dư nợ tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 2-2023 là 3.238.000 tỉ đồng, giảm nhẹ 0,12% so với cuối năm 2022, theo dữ liệu từ Cục Thống kê thành phố.

Đây được xem là diễn biến bất thường so với giai đoạn trước, khi nền kinh tế được cho là vẫn đang trong quá trình phục hồi đi lên. Tuy nhiên, nhìn vào các điều kiện kinh tế có dấu hiệu thu hẹp từ cuối năm ngoái, thể hiện qua chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam suy giảm liên tiếp trong ba tháng trước khi tăng trở lại lên 51,2 điểm trong tháng 2-2023, có thể thấy nhu cầu vay vốn đang ở mức thấp như thế nào.

Còn dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết trong hai tháng đầu năm 2023, cả nước có 37.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm đến 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 51.400 doanh nghiệp, tăng 14,5% so với cùng kỳ.

Thực tế với đơn hàng giảm sút từ cuối năm ngoái và tình trạng này vẫn đang tiếp diễn, nhiều doanh nghiệp phải liên tục thu hẹp sản xuất, sa thải bớt nhân công, giảm giờ làm, nên càng không còn động lực vay vốn để đầu tư, mở rộng hoạt động như trước. Có lẽ môi trường lãi suất cao và lạm phát leo thang đã bắt đầu ngấm dần vào nền kinh tế của các nước/khu vực phát triển, trong đó nhiều nước/khu vực là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Mỹ hay Liên minh châu Âu, làm giảm chi tiêu các hộ gia đình và ảnh hưởng đến cầu hàng hóa của những nước này.

Trong nước, mặt bằng lãi suất vay tăng cao, thị trường bất động sản trầm lắng và rủi ro hơn, cũng ảnh hưởng đến cầu vay vốn ở cả khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân, trong đó không loại trừ khả năng nhiều khách hàng đã và đang tìm cách trả nợ trước hạn nhằm giảm bớt áp lực lãi vay đang ngày càng tăng cao, cũng ảnh hưởng lên quy mô dư nợ hiện có của nhiều ngân hàng.

Trong bối cảnh này, có lẽ các ngân hàng cũng chưa cần thiết phải nhận chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng quá cao ngay từ đầu năm. Ngoài ra, trước những rủi ro tiềm ẩn của nền kinh tế, đặc biệt là lạm phát, nhà điều hành càng có cơ sở để tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Cần lưu ý tăng trưởng cung tiền trong hai tháng đầu năm nay tăng rất chậm 0,05%, cho thấy nhà điều hành tiếp tục thận trọng trong công tác điều hành. Với cung tiền tăng thấp, thanh khoản hệ thống hạn hẹp, tín dụng cũng khó có thể tăng nhanh.

Đầu năm nay, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14-15%, cao hơn năm ngoái và có điều chỉnh tùy theo diễn biến thị trường. Mục tiêu này tương đối cao so với các năm trong vòng năm năm trở lại đây. Tuy nhiên, trước tình hình này, giới phân tích dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm nay có thể chỉ đạt 11-12%, giảm so với kết quả 14,8% đã đạt được trong năm ngoái và cũng thấp hơn mục tiêu định hướng.

Cuối cùng, với chính sách tài khóa đang được thúc đẩy mở rộng nhanh hơn, trong đó nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đang được đẩy nhanh tiến độ, sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng, chia lửa phần nào với chính sách tiền tệ, vì vậy NHNN có lẽ cũng không còn chịu quá nhiều áp lực phải mở rộng tín dụng quá mức để hỗ trợ tăng trưởng như giai đoạn trước. Thay vào đó, mục tiêu quan trọng hơn cho năm nay là phải kiềm chế và giữ lãi suất ổn định để tránh gây bất ổn cho nền kinh tế và tác động xấu đến hoạt động của các doanh nghiệp và chi tiêu của hộ gia đình.

1 BÌNH LUẬN

  1. Giai đoạn này không dễ dàng tăng trưởng tín dụng. Thị trường đang trong bối cảnh bị thử thách, hoặc tiềm ẩn rủi ro nặng nề, cả trong và ngoài nước. Bốn biến số chủ yếu (Lạm phát/ lãi suất/ tỷ giá/ an toàn hệ thống) đang ở vào thế bất lợi dây chuyền. Mọi ứng xử của hệ thống ngân hàng lúc này đều cần phải cân nhắc cẩn trọng, cả vĩ mô/ vi mô. Tất cả mọi phương án phòng thủ đều cần phải đặt trên bàn (on the table) để chủ động ứng biến với mọi sự cố bất ngờ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới