Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tháng 7, khả năng có 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo Phòng Dự báo khí hậu, trong tháng 7 này, khả năng xuất hiện từ 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ.

Trong tháng 7 này, khả năng sẽ có 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, ảnh hưởng đến hoạt động của tàu, thuyền. Ảnh: Baochinhphu.vn

Theo TTXVN, Phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) cho biết, trong tháng 7 này, khả năng sẽ có 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ.

Khu vực trung du, đồng bằng Bắc bộ và Trung bộ có khả năng xuất hiện nhiều ngày nắng nóng hơn so với trung bình nhiều năm, trong đó, tập trung vào 10-15 ngày đầu tháng. Riêng khu vực Bắc và Trung Trung bộ sẽ có nắng nóng kéo dài hơn.

Bên cạnh đó, khu vực Tây Nguyên và Nam bộ sẽ có mưa rào, mưa dông nhiều ngày, cục bộ có mưa lớn do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam. Các địa phương ở khu vực Bắc bộ, Tây Nguyên và Nam bộ cần đề phòng các hiện tượng như dông, lốc, sét hoặc mưa đá.

Về nhiệt độ, nhiệt độ trung bình tháng 7-2023 phổ biến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C. Riêng khu vực Bắc bộ, Bắc và Trung Trung bộ cao hơn từ 0,5-1 độ C, có nơi cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Trong tháng 7, lượng mưa tại Bắc bộ và Bắc Trung bộ phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 5-15%. Ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ, lượng mưa phổ biến cao hơn từ 5-10%.

Ngày 1-7, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện về chủ động phòng, chống sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân trong mùa mưa lũ, theo TTXVN.

Trong đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiến hành công tác kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại ven sông, suối, kênh, rạch, ven biển, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện, xử lý khu vực có nguy cơ xảy sạt lở; có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xảy ra, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và cơ sở hạ tầng; lên phương án hỗ trợ tái định cư, ổn định đời sống cho các hộ dân phải di dời.

Đơn vị chức năng tiến hành quản lý, giám sát việc cấp phép, khai thác cát, sỏi trên sông, suối, kênh, rạch để hạn chế xảy ra sạt lở; đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng; xử lý các trường hợp khai thác, tập kết cát, sỏi, vật liệu xây dựng trái phép.

Ngoài ra, các địa phương cần kiểm tra các công trường đang xây dựng, đặc biệt là các công trình xây dựng ở khu dân cư ven sông, suối, kênh rạch, sườn dốc; đình chỉ việc xây dựng công trình nếu không bảo đảm an toàn hoặc có nguy cơ gây sạt lở, ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ.

Về lâu dài, cơ quan chức năng kiểm tra công tác quy hoạch, xây dựng nhà cửa, công trình ven sông, suối, kênh rạch, ven biển nhằm khắc phục tình trạng nhà cửa, công trình lấn chiếm dòng chảy; đồng thời, sắp xếp lại dân cư tại các khu vực không bảo đảm an toàn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới