Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt mức kỷ lục nhờ xuất khẩu tăng tốc

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục nhờ xuất khẩu tăng nhanh hơn dự kiến. Dữ liệu này làm dịu bớt một số lo ngại về nhu cầu toàn cầu suy giảm và hỗ trợ cho nền kinh tế đông dân nhất thế giới, vốn đang chống chọi với khủng hoảng bất động sản và các đợt bùng phát Covid-19.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố hôm 7-8, trong tháng trước, kim ngạch xuất khẩu tính theo đô la của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt 332,9 tỉ đô la, tăng 18% so với một năm trước đó và cao hơn mức tăng ước tính 14,1% của nhà phân tích kinh tế.

Xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, lần lượt tăng 23,1% và 11% trong tháng 7 so với một năm trước đó. Các lô hàng đến Nga cũng tăng 22% trong tháng trước.

Tuy nhiên, nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 7 vẫn yếu ớt, chỉ tăng 2,3% so với một năm trước đó, lên mức 231,69 tỉ đô la. Các số liệu thương mại đó đã nâng cao thặng dư thương mại của Trung Quốc lên con số 101,26 tỉ đô la trong tháng 7, mức thặng dư hàng tháng cao nhất trong lịch sử kể từ dữ liệu được thống kê.

Zhang Zhiwei, Chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng của Công ty Pinpoint Asset Management nhận định: “Tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ tiếp tục giúp nền kinh tế Trung Quốc trong một năm đầy khó khăn khi nhu cầu trong nước vẫn ảm đạm”. Zhiwei cho rằng tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ sẽ tạo ra niềm tin cho tỷ giá của đồng nhân dân tệ, giúp ngăn chặn dòng vốn nước ngoài tháo chạy.

Có những dấu hiệu cho tình trạng sự gián đoạn trong hoạt động vận tải hàng hóa và chuỗi cung ứng do tác động của các lệnh phong tỏa kiểm soát Covid-19 tiếp tục giảm bớt, đúng lúc các chủ hàng chuẩn bị cho nhu cầu mua sắm cao điểm vào cuối năm.

Theo Hiệp hội cảng biển Trung Quốc, khối lượng container hàng hóa xuất khẩu được xử lý thông qua 8 cảng lớn của Trung Quốc đã tăng 14,5% trong tháng 7, nhanh hơn so với mức tăng 8,4% trong tháng 6. Khối lượng container được xử lý ở Thượng Hải đạt mức cao kỷ lục trong tháng 7.

Trong tháng trước, xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ nhưng nhập khẩu vẫn yếu ớt, cho thấy đà phục hồi kinh tế của nước này không đồng đều. Ảnh: Bloomberg

Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng và Giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Công ty Jones Lang Lasalle lý giải rằng tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ của Trung Quốc trong tháng trước được thúc đẩy bởi nhu cầu dồn nén được giải tỏa từ Đông Nam Á khi tình trạng gián đoạn nguồn cung dịu lại, giúp các nhà máy ở khu vực này đẩy mạnh hoạt động sản xuất.

Hơn nữa, trong bối cảnh lãi suất thực âm và lạm phát tăng mạnh, một số khách hàng châu Âu và Mỹ có thể đặt trước các đơn đặt hàng để đảm bảo họ có hàng trong tay với chi phí thấp hơn, Pang cho biết thêm

Chang Ran, nhà phân tích cấp cao tại Viện nghiên cứu đầu tư Zhixin nói rằng tăng trưởng xuất khẩu vẫn ở mức cao, chủ yếu được hỗ trợ bởi yếu tố giá cả, còn trên thực tế, khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc giảm trong tháng 7, “Nhìn về phía trước, trong nửa cuối năm này, xuất khẩu của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ phục hồi trong ngắn hạn, nhưng nhu cầu bên ngoài suy yếu có thể gây áp lực cho nước này trong quí 4”, Chang Ran nói.

“Tôi rất lo lắng về tác động của lạm phát ở Mỹ và căng thẳng Trung-Mỹ đối với các đơn hàng xuất khẩu của chúng tôi”, Jin Chaofeng, Giám đốc Nicesoul, một trong những nhà cung cấp đồ nội thất ngoài trời bằng mây tre hàng đầu của Amazon, nói với Reuters.

Ông nói thệm: “Nếu các mức thuế trả đũa như thời Tổng thống Donald Trump xảy ra một lần nữa, đó sẽ đòn giánh mạnh vào các doanh nghiệp của chúng tôi”.

Xuất khẩu là một động lực quan trọng trong tăng trưởng của Trung Quốc trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Nhưng với các bất ổn bên ngoài đang gia tăng, bao gồm kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và lạm phát tăng mạnh ở các nước phát triển, đóng góp của xuất khẩu cho nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ suy yếu trong năm nay.

Các hoạt động kinh tế nói chung ở Trung Quốc tiếp tục phục hồi trong tháng 7. Tuy nhiên, sự phục hồi vẫn còn mong manh và chịu sức ép bởi cơn suy thoái trong lĩnh vực bất động sản, nhu cầu trong nước yếu và các đợt bùng phát Covid-19 mới.

Tại một cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc hồi tháng trước, giới chức trách cho biết sẽ nỗ lực đạt được “kết quả tốt nhất” có thể cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 và không đề cập đến mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5,5%”, mà các nhà kinh tế cho rằng đã nằm ngoài tầm với của Trung Quốc.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế thế giới công bố cuối tháng 7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc xuống 3,3% từ mức 4,4% dự báo hồi tháng 4, do tác động của các đợt phong tỏa kiểm soát Covid-19 và cơn khủng hoảng ngày càng trầm trọng trong lĩnh vực bất động sản của nước này.

Theo Bloomberg, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới