Thứ Năm, 18/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thành lập 27 khu bảo tồn biển để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản

Nam Nguyên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) –  Đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 27 khu bảo tồn biển được thành lập và hoạt động hiệu quả với tổng diện tích vùng biển được khoanh vùng bảo tồn khoảng gần 464.000 hecta.

Cùng với đó là 149 khu vực ở vùng biển và 119 khu vực nội địa được khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống của các loài thủy sản.

Tàu cá neo bờ sau một chuyến đánh bắt biển. Ảnh: TL.

Đây là thông tin được đưa ra trong Hội nghị công bố Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 31-5, theo TTXVN.

Ngoài những nội dung nêu trên, Bộ NN&PTNT cũng đặt ra một số mục tiêu cụ thể như đối với khai thác thủy sản phấn đấu tổng số tàu cá tối đa khoảng 83.600 chiếc. Cơ cấu nghề khai thác thủy sản là nghề lưới kéo chiếm 10%; nghề lưới vây chiếm 6,1%; nghề lưới rê chiếm 40,3%; nghề câu chiếm 18,9%; nghề lưới chụp chiếm 3%; nghề lồng bẫy chiếm 2,9%…

Riêng về chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thủy sản, định hướng quy hoạch là giảm dần sản lượng thủy sản khai thác, khai thác có chọn lọc các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao; điều chỉnh số lượng tàu cá khai thác thủy sản, đặc biệt giảm tỷ trọng nghề lưới kéo trên biển; gắn phát triển sinh kế của cộng đồng ngư dân với phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái, nghề cá giải trí.

Cùng với đó là củng cố, đổi mới các tổ, đội, hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá; tổ chức sản xuất thủy sản khai thác theo chuỗi giá trị, chú trọng tăng về giá trị sản xuất.

Theo Bộ NN&PTNT, Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở quan trọng để phân bố lại không gian cho bảo tồn, bảo vệ, khai thác hải sản, khai thác thủy sản ở nội đồng phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi, của hệ sinh thái.

Quy hoạch nhằm bảo vệ, bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản trên các loại hình thủy vực và bảo tồn đa dạng sinh học biển góp phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, phát triển khai thác thủy sản bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai.

Quy hoạch góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh, trật tự và lợi ích quốc gia trên sông, trên biển của Việt Nam.

1 BÌNH LUẬN

  1. Khu bảo tồn, làm điểm, làm mẫu. Tuy có tốt, nhưng cũng chỉ là “muối bỏ biển” so với không gian sông biển bao la, gấp 3-4 lần không gian đất liền như ở nước ta. Vấn đề là môi trường chung, hệ sinh thái chung, cần phải được bảo vệ bền vững lâu dài. Một ý thức cộng đồng cao, hệ thống hành lang pháp lý nhất quán, quyết tâm tới nơi, tới chốn, mới là nhân tố quyết định. Cù lao chàm, là ví dụ sinh động. Chỉ cần người dân có ý thức chung, hai việc nhức nhối nhất ở khu vực biển này là rác thải nhựa và lạm sát tài nguyên thiên nhiên, đã bị chặn đứng. Một hình mẫu cần được nhân rộng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới