Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thành lập Quỹ phát triển nhân tài quốc gia

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chính phủ sẽ thành lập Quỹ phát triển nhân tài quốc gia với mục đích là hỗ trợ và khuyến khích phát triển nhân tài Việt Nam trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Quỹ này không vì mục đích lợi nhuận cùng với đó có cơ chế hỗ trợ kinh phí để quỹ hoạt động theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 899/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, thông tin đáng chú ý là việc lập quỹ phát triển nhân tài cũng như việc thay đổi những chính sách trong tuyển dụng, bổ nhiệm…

Mục tiêu tổng quát của chiến lược là xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài (cả trong và ngoài nước) đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, khoa học xã hội, y tế; thông tin và truyền thông, chuyển đổi số...

Mục tiêu cụ thể, vào năm 2025, thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước khoảng 10% so với tổng số tuyển dụng mới. Đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, duy trì tỷ lệ nhân tài thu hút vào làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước không dưới 20% so với tổng số các trường hợp tuyển dụng mới hàng năm.

Quyết định này cũng đặt mục tiêu phấn đấu đạt 100% nhân tài (được công nhận) tiếp tục ở lại làm việc sau 5 năm được thu hút và trọng dụng làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước; tỷ lệ nhân tài được đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt 30% vào năm 2025 và đạt 60% vào năm 2030 để tiến tới đạt 100% vào năm 2050.

Để đạt mục tiêu trong chiến lược nêu trên, ngoài việc lập Quỹ phát triển nhân tài quốc gia, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách để thu hút, trọng dụng nhân tài bằng việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng… theo hướng không phụ thuộc vào thâm niên, thời gian công tác, bằng cấp, vùng miền hay độ tuổi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới