Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thành phố 15 phút

Huỳnh Thế Du

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Thành phố 15 phút (15-minute city) được xem là một cách tiếp cận mới đang thịnh hành trong quy hoạch và phát triển đô thị trên thế giới hiện nay. Cách tiếp cận này có thể giúp tìm được những giải pháp cho bài toán đô thị hết sức hóc búa mà Việt Nam vẫn đang loay hoay.

Khái niệm và xuất xứ

Thành phố 15 phút là mọi người sống trong các đô thị nên được tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu như việc làm, mua sắm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và giải trí trong vòng 15 phút đi bộ hoặc đi xe đạp. Mục đích là để giảm sự phụ thuộc vào các phương tiện cơ giới, thúc đẩy cuộc sống lành mạnh, bền vững và hạnh phúc hơn cho mỗi cá nhân và cả xã hội.

Ý tưởng này được đề xướng bởi Carlos Moreno, giáo sư Đại học Sorbonne ở Paris, Pháp vào năm 2016. Năm 2021 ông đã được trao giải thưởng Obel – giải thưởng có giá trị 100.000 euro dành cho các ý tưởng kiến trúc đóng góp vào sự phát triển của nhân loại trên toàn thế giới.

Trên thực tế, đây không phải là một cách tiếp cận hoàn toàn mới mà nó bắt nguồn từ thời cổ xưa. Thành quốc (state-city) ngày xưa là một hình thức của mô hình này. Hầu hết hoạt động của các cư dân được giới hạn trong một diện tích nhỏ (trong thành). Thời đó không có xe cơ giới và cuộc sống của con người hết sức lành mạnh và thân thiện với môi trường.

Việc tạo ra các hình thái đô thị mà các hoạt động thiết yếu hàng ngày của cư dân được tập trung trong bán kính 15 phút đi bộ nên là một trọng tâm chính sách phát triển đô thị của Việt Nam.

Từ khi xe cơ giới xuất hiện, cuộc sống loài người trở nên tiện nghi hơn, nhưng các thành phố ngày một rộng mở, con người phải đi lại dài hơn và gây ra các vấn nạn về môi trường và phát triển bền vững. Do vậy, tạo ra các đô thị phát triển bền vững, thân thiện với môi trường là nỗ lực chung của nhân loại.

Trước khi Thành phố 15 phút gây được chú ý vào năm 2020, đã có nhiều ý tưởng tương tự và một số cách tiếp cận được triển khai trên thực tế. Kent Larson đưa ra khái niệm về một thành phố kéo dài 20 phút năm 2012; D’Acci với thành phố T* phút đưa ra khái niệm thiết kế mọi thứ trong bán kính 1 dặm vào năm 2013; Weng và các đồng sự sử dụng Thượng Hải, Trung Quốc làm nghiên cứu điển hình đề xuất khu phố có thể đi bộ trong 15 phút vào năm 2019; Da Silva và cộng sự đã lấy Tempe, Arizona, Mỹ như một trường hợp nghiên cứu về không gian đô thị nơi mọi nhu cầu có thể được đáp ứng trong vòng 20 phút bằng cách đi bộ, đi xe đạp hoặc phương tiện công cộng. Thêm vào đó, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (Transit-Oriented Development – TOD) và sử dụng đất hỗn hợp (mixed use) là hai tiếp cận được sử dụng phổ biến trên thế giới.

TOD là ý tưởng có những nét tương đồng với Thành phố 15 phút. Đô thị nên được thiết kế để phần lớn các hoạt động của nhiều người dọc theo các tuyến giao thông công cộng nên không có nhu cầu sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân thường xuyên. Ví dụ, tại TPHCM, những người có nhà ở khu vực Suối Tiên, thường xuyên đi chợ ở khu vực Thảo Điền và làm việc ở khu vực Bến Thành (trong khoảng cách dưới 10 phút đi bộ đến các trạm giao thông công cộng) thì sẽ rất ít khi cần đến xe cơ giới khi tuyến metro số 1 hoàn thành. Các đô thị thành công ở châu Á như Tokyo, Singapore, Seoul đã rất thành công với TOD và phần lớn người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng trong cuộc sống hàng ngày.

Sử dụng đất hỗn hợp để các hoạt động kinh tế và đời sống cùng được tổ chức trên những khu đất là một tiếp cận trong phát triển đô thị trở nên phổ biến trong thời gian gần đây. Cách tiếp cận chia ô các hoạt động theo chức năng, nhất là nơi ở khác nơi làm việc đã một thời thịnh hành. Tuy nhiên, cấu trúc đô thị như vậy làm con người phải đi lại nhiều hơn và tạo ra nhiều khu đô thị “chết” về đêm như các trung tâm văn phòng hoặc khu sản xuất công nghiệp. Ví dụ, ở Việt Nam quy định không cho xây dựng nhà ở trong các khu công nghiệp dẫn đến những bất tiện cho người làm việc ở những nơi như vậy do phải đi lại nhiều hơn. Sử dụng đất hỗn hợp sẽ giải quyết được các vấn đề nêu trên. Sử dụng đất hỗn hợp là tiếp cận trong việc tái phát triển đô thị ở các nước phát triển trong những năm gần đây.

Cách thức hoạt động

Hình 1 mô phỏng một Thành phố 15 phút với trung tâm là nhà ở. Trong vòng 15 phút đi bộ hoặc đi xe đạp (một cách dễ dàng và tiện lợi), mỗi người có thể đến nơi làm việc, chỗ học, ăn uống lành mạnh, tập thể dục, đi dạo, chăm sóc sức khỏe, tham gia các hoạt động cộng đồng, sinh hoạt ngoài trời, đi chợ, chia sẻ và tái sử dụng.

Việc triển khai Thành phố 15 phút đòi hỏi một cách tiếp cận đa ngành, bao gồm quy hoạch giao thông, thiết kế đô thị và hoạch định chính sách, để tạo ra các không gian công cộng được thiết kế tốt, đường phố thân thiện với người đi bộ và các khu phát triển sử dụng hỗn hợp. Sự thay đổi trong lối sống này có thể làm việc từ xa, giúp giảm bớt việc đi lại hàng ngày và được hỗ trợ bởi sự phổ biến rộng rãi gần đây của công nghệ thông tin và truyền thông. Khái niệm này đã được mô tả là sự trở lại với lối sống địa phương hay ngày xưa đã trở lại.

Triển khai trên thực tế

Thành phố 15 phút đã có sức lan tỏa và đang được áp dụng ở rất nhiều nơi trên thế giới. Danh sách những nơi đang áp dụng ý tưởng này vào thực tế ngày một dài hơn.

Năm 2012, Portland, bang Oregon, Mỹ đã đưa ra kế hoạch cho các khu dân cư hoàn chỉnh trong thành phố, nhằm mục đích hỗ trợ thanh niên, cung cấp nhà ở giá cả phải chăng và thúc đẩy phát triển và thương mại dựa vào cộng đồng trong các khu dân cư lâu đời chưa được phục vụ.

Quy hoạch tổng thể năm 2016 cho Thượng Hải, Trung Quốc, với “vòng tròn cuộc sống cộng đồng 15 phút”, nơi cư dân có thể có tất cả hoạt động hàng ngày trong vòng 15 phút đi bộ. Thành Đô, để chống lại sự mở rộng đô thị, đã đưa ra kế hoạch “Thành phố vĩ đại”, trong đó sự phát triển ở rìa thành phố sẽ đủ dày đặc để hỗ trợ tất cả các dịch vụ cần thiết trong vòng 15 phút đi bộ. Vòng tròn cuộc sống cộng đồng đã được thực hiện ở các thành phố khác của Trung Quốc như Bảo Định và Quảng Châu.

Melbourne của Úc đã đưa ra Quy hoạch Melbourne 2017-2050 để thích ứng với sự phát triển và chống lại sự mở rộng. Quy hoạch bao gồm nhiều yếu tố của khái niệm Thành phố 15 phút với làn đường dành cho xe đạp mới và xây dựng khu phố 20 phút.

Singapore là một trong những thành phố tiên phong trong việc ứng dụng các ý tưởng và tiến bộ khoa học tiên tiến. Thành quốc này đã phát triển dựa trên triết lý thành phố vườn (garden city) của nhà quy hoạch người Anh Ebenezer Howard từ cuối thế kỷ 19. Năm 2019, Cơ quan Giao thông Singapore đã đề xuất một kế hoạch tổng thể bao gồm các mục tiêu về “thị trấn 20 phút” và “thành phố 45 phút” vào năm 2040.

Ở Paris của Pháp, thị trưởng Anne Hidalgo đã giới thiệu khái niệm Thành phố 15 phút trong chiến dịch tái tranh cử năm 2020 của bà và bắt đầu thực hiện nó trong đại dịch Covid-19. Giáo sư Carlos Moreno là người cố vấn trực tiếp cho bà Anne Hidalgo.

Tháng 3-2021, Bogota, Colombia, đã triển khai 84 ki lô mét làn đường dành cho xe đạp để khuyến khích giãn cách xã hội trong đại dịch Covid-19. Đây là thành phố có mạng lưới đường dành cho xe đạp thuộc nhóm dài nhất thế giới.

Giới hạn và những tranh cãi

Thành phố 15 phút là một ý tưởng rất lý tưởng vì nó không chỉ mang lại hiệu quả mà rất công bằng, đặc biệt là giúp nâng cao đời sống của những đối tượng yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai chúng có những giới hạn. Thứ nhất, việc triển khai ý tưởng này sẽ gặp khó khăn ở những nơi mà đô thị đã định hình, hình thái sử dụng đất đã được xác định và khó thay đổi. Thứ hai, ý tưởng này khó khả thi ở những nơi có mật độ thấp hoặc khu vực thu nhập thấp, ít các hoạt động kinh tế. Cuối cùng, việc triển khai ý tưởng này cũng gặp những khó khăn về mặt kỹ thuật.

Thành phố 15 phút cũng đang gây ra những tranh cãi. Những người theo thuyết âm mưu ở các nước phát triển cho rằng đây là một tư tưởng hay một âm mưu xã hội chủ nghĩa nhằm kiểm soát và hạn chế quyền tự do của con người, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh. Đỉnh điểm là cuộc biểu tình với hàng ngàn người tham gia tại Oxford, Anh vào ngày 20-2-2023 vừa qua. Trái lại, một số quan điểm khác cho rằng, Thành phố 15 phút có thể làm hại những người thuộc nhóm yếu thế vì mật độ đô thị thấp giá nhà sẽ tăng. Thêm vào đó, khái niệm này bắt nguồn từ châu Âu, mang tư tưởng thực dân, sẽ gây ảnh hưởng cho các cộng đồng yếu thế hơn.

Khuyến nghị cho Việt Nam

Việt Nam đang loay hoay trong việc tìm kiếm lời giải cho bài toán giao thông đô thị. Xét về các hoạt động kinh tế và không gian chiếm dụng của các phương tiện giao thông (xe máy là chủ yếu) thì các đô thị Việt Nam khá gần với tiếp cận thành phố xe đạp. Tuy nhiên, khí hậu nắng nóng nên việc sử dụng xe đạp bằng sức người sẽ ít khả thi, nếu xe máy tiếp tục sử dụng nhiên liệu gây ô nhiễm sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Điều không may là việc phát triển hệ thống giao thông công cộng công suất lớn đang gặp khó khăn cả về vốn và khả năng triển khai. Khả năng không bao giờ các đô thị trung tâm như Hà Nội và TPHCM xây được hệ thống giao thông công cộng công suất lớn có thể phủ khắp cho mục tiêu TOD là rất có thể xảy ra.

Trong bối cảnh như vậy, nếu công nghệ phát triển, xe máy chạy xăng được thay bằng xe máy chạy điện thân thiện với môi trường và các hoạt động kinh tế hỗn hợp gắn với các hoạt động xã hội ở nhiều nơi như hiện nay trở nên dày đặc hơn thì Việt Nam có thể xây dựng hình thái đô thị dựa vào xe đạp/xe máy điện gắn với các ý tưởng của Thành phố 15 phút. Do vậy, việc tạo ra các hình thái đô thị mà các hoạt động thiết yếu hàng ngày của cư dân được tập trung trong bán kính 15 phút đi bộ nên là một trọng tâm chính sách phát triển đô thị của Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới