Thứ Năm, 15/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thanh toán không tiền mặt có… rẽ ngang sau mùa giãn cách?

Trương Trọng Hiểu (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Có thể thấy, đại dịch Covid-19 là “thiên thời” để thanh toán không tiền mặt lên ngôi, ngay cả khi người tiêu dùng buộc phải gánh thêm nhiều khoản chi phí mới. Nhưng liệu rằng, khi chuỗi ngày dài giãn cách và buộc phải giao dịch trực tuyến qua đi, người tiêu dùng có tiếp tục chấp nhận điều đó để gắn chặt “đời” mình với phương thức tiêu dùng và thanh toán mới này?

Có lẽ, không quá sớm để các ngân hàng, đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán và ví điện tử nhìn lại mình để từ đó có thể hiểu… khách hàng của mình hơn. Điều đáng nói là, ngay cả khi ngân hàng có thể tiếp tục giữ lại khách hàng thì rủi ro pháp lý có thể xảy ra nếu ngân hàng quá tận dụng chi phí chuyển đổi để “bó chân” người tiêu dùng.

Rào cản chi phí

Để thanh toán không dùng tiền mặt, người tiêu dùng phải có tài khoản, thẻ ngân hàng, sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến hay các loại ví điện tử rất đa dạng và đang được quảng bá rầm rộ. Đương nhiên, trong điều kiện bình thường, người tiêu dùng sẽ chỉ lựa chọn phương thức “không tiền mặt” khi nào họ nhận thấy việc lựa chọn đó là có lợi. Đương nhiên, việc phải gánh quá nhiều khoản phí có thể là lý đo để họ không “mặn mà” với… không tiền mặt.

Lấy tình huống điển hình như sau: Bạn có một số tài khoản ngân hàng nhưng kết hợp dùng chung cho thẻ ATM thường và thẻ visa. Đồng thời, ngân hàng trực tuyến (Internet banking hay phổ biến hiện nay là digital bank) cũng đã được bạn lựa chọn.

Với nhiêu đó dịch vụ, mỗi tháng, bạn có thể (người viết chỉ chọn mức phí của một ngân hàng để tính toán) bị trừ khoảng 10.000 đồng cho dịch vụ ngân hàng trực tuyến, khoảng 2.000 đồng tiền phí quản lý tài khoản (thường), và khoảng 5.000 đồng tiền phí quản lý tài khoản visa. Vị chi, mỗi tháng bạn phải trả khoảng 17.000 đồng tiền phí. Đó là chưa kể, đối với một số ngân hàng, bạn còn phải trả thêm phí thanh toán trực tuyến trên từng giao dịch.

Ngược lại, hãy xem tiếp bài tính sau để cảm nhận về mức độ chia sẻ “gánh nặng” của phía ngân hàng trong cuộc vận động người dân tích cực sử dụng dịch vụ và hạn chế sử dụng tiền mặt.

Với loại tài khoản như trên, lãi suất tiền gửi nhận được sẽ ở mức 0,1%/năm. Nếu số tiền lưu tại tài khoản của bạn là 100 triệu, bằng phép tính đơn giản, thì mỗi tháng tiền lãi bạn có được là hơn 8.000 đồng. Để có được mức tiền bù đắp cho khoản phí phải nộp, bạn cần lưu trong tài khoản 230 triệu đồng. Đáng nói hơn, đã là tài khoản thanh toán thì số tiền trên khó có thể… đứng yên để nhận tiền tiết kiệm mỗi tháng. Bằng không, số tiền lưu trong tài khoản của bạn phải nhiều hơn con số đó.

Chi phí chuyển đổi trong hầu hết các tình huống được đánh giá như một loại rào cản. Trước hết, đó là rào cản cản trở sự thay đổi lựa chọn của người tiêu dùng. Tiếp đến, nó còn là rào cản đối với quá trình tiếp cận thị trường và khách hàng của các đối thủ cạnh tranh khác.

Với các phép tính đó, liệu sẽ có bao nhiêu phần trăm công nhân, người lao động và người dân Việt Nam nói chung có thể sử dụng thẻ thanh toán để cân bằng ngân quỹ cá nhân?

Nhưng rõ ràng, kêu gọi ngân hàng từ bỏ lợi ích cũng là một lựa chọn khó có kết cục như mong muốn. Thực tế, sau làn sóng bủa vây bởi muôn vàn loại phí thời kỳ phát triển nóng của ngành ngân hàng ở Việt Nam những năm 2010, các loại phí lại lần lượt xuất hiện và được các ngân hàng duy trì.

Rủi ro tiềm ẩn với đơn vị cung ứng dịch vụ

Dễ nhận thấy, các ngân hàng và các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán tương tự thường triển khai chính sách… rải mật để chiêu dụ khách hàng. Sau một thời gian gắn bó và đặc biệt là khi người tiêu dùng đã có thói quen sử dụng sản phẩm, ngân hàng và doanh nghiệp mới bắt đầu tung chiêu tiếp theo: thu phí.

Có thể là không nhiều, nhưng cũng không ít người tiêu dùng thông minh nhìn ra cung cách kinh doanh này, nói không với các chương trình khuyến mại và… bỏ chạy ngay từ đầu. Đương nhiên, cũng sẽ có người không thấy phiền hà và sẵn sàng chấp nhận mức phí. Ít ra thì cuộc vận động thanh toán không dùng tiền mặt cũng có thể được xem là thành công đối với nhóm khách hàng đó ngay cả khi chưa tính tới bối cảnh “thiên thời” của Covid-19 như đã nói.

Nhưng đối với những khách hàng đang sử dụng dịch vụ, và không hài lòng với cách tính phí mới của ngân hàng hay bên cung cấp dịch vụ thanh toán, họ bắt đầu có sự phân vân. Trong tình huống đó, có hai hướng lựa chọn: tìm kiếm phương án thay thế hoặc chịu đựng tiếp tục gắn bó. Với lựa chọn thứ nhất, bối cảnh thị trường cạnh tranh có thể không để cho cuộc vận động về một xã hội không tiền mặt thất bại nhưng sẽ là một bước lùi khá thảm hại của ngân hàng… bị từ bỏ.

Còn lại, lựa chọn thứ hai sẽ xảy ra nếu chi phí cho việc thay đổi (switching cost) là quá lớn, đặc biệt là lớn hơn phương án ở lại. Trong ví dụ trên, phí tổn cho việc chuyển sang một phương án khác (giả dụ từ bỏ dịch vụ để dùng tiền mặt trở lại, chuyển sang ngân hàng và dịch vụ thanh toán khác như các loại ví điện tử…) cao hơn mức chi trả cho các khoản phí như đã ước tính.

Phí tổn này có thể dưới dạng những bất tiện xảy ra khi chuyển sang một lựa chọn mới, như phải chuyển tải thông tin điều chỉnh về số tài khoản, ngân hàng thanh toán mới cho khách hàng, đối tác… Nên nhớ, chi phí cho sự chuyển đổi không nhất thiết phải là… tiền.

Với tình huống đó, người tiêu dùng đành lòng gắn bó tiếp tục, nhưng đó là quyết định miễn cưỡng khi phải tiếp tục trả phí rất cao, thậm chí là phi lý. Lúc này, ngân hàng hay đơn vị cung ứng dịch vụ có thể mặc sức đưa ra các tuyên bố đại loại “Không thích thì anh dừng sử dụng!”.

Thực chất, pháp luật không có quy định cản trở việc thu phí và tính phí của bên cung ứng dịch vụ thanh toán. Hay nói cách khác, đó là cách làm không trái luật, và việc quy định ấy có phù hợp với bối cảnh chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt hay không là nội dung chưa bàn tới.

Nhưng, rủi ro pháp lý có thể vẫn xảy ra, nếu chiến lược “khóa khách hàng” bằng chi phí chuyển đổi đó bị xem là một cung cách hành xử… quá đáng, gây tổn hại đến cạnh tranh. Báo cáo của OECD về thị trường tài chính và sử dụng tài khoản thanh toán cá nhân từng nhấn mạnh điều này và cho rằng, cắt giảm chi phí chuyển đổi là phương cách để trả lại môi trường cạnh tranh cần có cho ngành này.

Bối cảnh thực tiễn

Thực tế, đã có không ít trường hợp sử dụng gánh nặng chi phí chuyển đổi bị xem là… quá đáng. Đó là khi pháp luật cạnh tranh được vận dụng, khi xảy ra thường xuyên các vụ việc về lạm dụng sức mạnh thị trường. Tại nhiều nước, việc xem xét và đánh giá chi phí chuyển đổi và khả năng thay đổi lựa chọn của người tiêu dùng là một yếu tố quan trọng. Cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh sẽ căn cứ vào từng tình huống cụ thể của vụ việc để đánh giá mức “quá đáng” của loại chi phí này.

Đơn cử như trường hợp Google từng bị cáo buộc về các hành vi phản cạnh tranh thông qua hoạt động quảng cáo qua giao diện tìm kiếm vào năm 2015. Ủy ban cạnh tranh châu Âu ở thời điểm đó nhận định rằng: Sự gắn bó của người dùng với nguồn lực tìm kiếm trên Google đã khiến người dùng không quay mặt trước áp lực phải nhận và xem quảng cáo dù chi phí chuyển đổi bằng tiền bằng không (hoặc rất thấp). Phán quyết sau đó đã nhận ra loại chi phí chuyển đổi “vô hình” và đó là một rào cản vô cùng lớn.

Tương tự, hàng loạt vụ việc khác cũng thường xuyên diễn ra từ năm 2010 cho đến nay với Rambus, Microsoft, IBM, Apple E-books hay Samsung và gần đây là với Facebook hay Amazon… cả ở Mỹ, châu Âu và các nước khác. Các hướng dẫn về chính sách cạnh tranh của OECD hay UNCTAD cũng nhấn mạnh điều này trong các tình huống giải quyết xung đột giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Có thể hiện tại, quá trình xử lý chưa… chạm đến ngân hàng, nhưng ngân hàng cũng từng là một bên liên quan, hoặc thậm chí là… nạn nhân. Cụ thể, khi đã làm thành viên của một mạng lưới thanh toán thì thường phải cân nhắc vấn đề chi phí chuyển đổi khi chuyển sang tham gia một hệ thống thanh toán khác.

Thực ra, các hệ thống thanh toán trong thị trường hiện tại cho phép các ngân hàng phát hành thẻ tích hợp nhiều mạng lưới thanh toán mà mình là thành viên trên thẻ phát hành cho khách hàng, và quyết định mạng lưới thanh toán ưu tiên. Lúc này, việc tính toán chi phí chuyển đổi có thể là không còn cần thiết. Nhưng ngược lại, cũng có hệ thống thanh toán không cho phép thành viên của mình, là ngân hàng phát hành thẻ, được lựa chọn mạng lưới thanh toán ưu tiên như vậy.

Một vụ việc tương tự đã xảy ra ở Mỹ vào năm 2003 khi First Data Corporation mua lại Concord EFS (đó là hai ông chủ của hai hệ thống thẻ ghi nợ lớn thứ nhất và thứ ba nước Mỹ là NYCE và STAR). Phán quyết cuối cùng của tòa án nước này vào năm 2004 khẳng định rằng vụ việc có khả năng làm giảm cạnh tranh.

Nội dung phân tích đã chỉ ra rằng, khi thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) diễn ra, các nhà bán lẻ sẽ mất đi cơ hội lựa chọn mạng lưới thanh toán hoặc là NYCE hoặc là STAR. Nhưng quan trọng hơn, khi cả hai hệ thống này nhập một thì mức độ chi phối của họ đối với thị trường là rất lớn, có khả năng các nhà bán lẻ sẽ mất phí tổn cao nếu muốn chuyển sang các hệ thống thanh toán khác, ngoài NYCE và STAR.

Vì vậy, khả năng thay thế của một nhà cung ứng tiềm năng và các ngân hàng phát hành thẻ tiềm năng, ngoài NYCE và STAR, là rất khó. Điều đó ảnh hưởng đến thị trường. Phán quyết đã yêu cầu các bên liên quan thực hiện các biện pháp khắc phục nếu muốn được phê chuẩn.

Các vụ việc điển hình như vậy đều cho thấy, chi phí chuyển đổi trong hầu hết các tình huống được đánh giá như một loại rào cản. Trước hết, đó là rào cản cản trở sự thay đổi lựa chọn của người tiêu dùng. Tiếp đến, nó còn là rào cản đối với quá trình tiếp cận thị trường và khách hàng của các đối thủ cạnh tranh khác.

Điều gì sẽ diễn ra ở Việt Nam?

Việt Nam hiện chưa có vụ nào liên quan đến việc xem xét yếu tố này, nhưng xu thế vận động của nền pháp luật cho thấy nó có thể sẽ xảy ra sớm. Việc cho phép người sử dụng mạng di động được tự do chuyển đổi nhà mạng mà vẫn được giữ nguyên số là một ví dụ điển hình. Bởi lẽ, khi quy định này chưa có, người sử dụng dịch vụ di động ở Việt Nam trước đây phải cam tâm gắn bó với nhà mạng mà mình lỡ chọn vì chi phí chuyển đổi sang nhà mạng khác, như mất số, là quá lớn.

Nhưng cần phải nói đến mức độ pháp điển hóa của pháp luật cạnh tranh Việt Nam, vì đây thực sự là công cụ pháp lý của thị trường, và là lĩnh vực pháp lý để tâm nhiều đến những phí tổn khi người tiêu dùng thay đổi lựa chọn, theo kinh nghiệm của các nước.

Luật Cạnh tranh Việt Nam ở thời điểm hiện tại cũng đã tiếp nhận mô thức phổ biến trong kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh. Cụ thể, cơ quan sẽ tiến hành đánh giá mức độ tác động cạnh tranh của hành vi/vụ việc (để có cơ sở) trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Một trong những yếu tố làm căn cứ cho quá trình đánh giá chính là rào cản thị trường (điều 13, điều 26), và yếu tố này có thể mang hàm ý về các loại chi phí chuyển đổi mà người tiêu dùng phải gánh chịu như vừa đề cập ở trên. Đặc biệt, không chỉ dừng lại ở phương thức tiếp cận chung chung, Nghị định 35/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành cũng đã bổ sung các quy định chi tiết để xem xét yếu tố này khi đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh trong quá trình xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật cạnh tranh.

Tóm lại, có thể thấy, chính sách khuyến khích sử dụng phương tiện và phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cần tiếp tục được thúc đẩy. Ngân hàng phải thu phí để bù đắp chi phí vận hành và hoạt động kinh doanh. Nhưng ngược lại, khi nào quyền lợi của người tiêu dùng còn chưa được đảm bảo thì chừng đó sự tồn tại của chính sách cũng khó vững bền.

(*) Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM.

1 BÌNH LUẬN

  1. Tôi không dùng các dịch vụ ngân hàng, con cái cũng thế. Lý do thì muôn ngàn, nhưng ai dùng dịch vụ ngân hàng nhiều hầu như không tích lũy được, thời tôi số người trẻ nợ rất thấp nhưng bây giờ giới trẻ chưa có gia đình đã nợ tứ giăng chỉ vì ham… “quẹt”, càng “quẹt” nhiều càng nợ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới