(KTSG Online) – Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành song song hoạt động kiểm toán việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 và thanh tra mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch trong quí 1-2022.
Trao đổi với KTSG Online trưa 19-1, ông Vũ Văn Hoạ – Phó tổng Kiểm toán Nhà nước – cho biết cơ quan này dự kiến tiến hành kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 nhằm đánh giá việc tuân thủ pháp luật, việc ban hành các cơ chế chính sách, các khó khăn vướng mắc trong quá trình huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 của các bộ, ngành, địa phương, để kịp thời báo cáo Quốc hội, Chính phủ và thông tin tới công luận và xã hội.

Đợt kiểm toán chuyên đề sẽ được Kiểm toán Nhà nước tiến hành tại 32 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các bộ, ngành, cơ quan trung ương như Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trân Tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Thời gian thực hiện kiểm toán dự kiến từ 16-2 đến 31-3. Báo cáo kết luận kiểm toán sẽ được công bố trước 31-5 để kịp thời báo cáo Quốc hội tại kỳ họp giữa năm.
Cùng ngày, ông Trần Ngọc Liêm – Phó tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) – đã chủ trì buổi công bố Quyết định thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố Hà Nội.
Thời kỳ thanh tra từ ngày 1-1-2020 đến 31-12-2021, nếu cần thiết có thể xem xét trước và sau thời kỳ thanh tra. Thời hạn thanh tra là 30 ngày làm việc thực tế kể từ ngày công bố quyết định thanh tra, không kể ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định.
Ông Trần Ngọc Liêm cho biết đây là cuộc thanh tra đột xuất sau khi có một số sự việc xảy ra trong việc mua kít xét nghiệm.
Trước đó, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ tập trung triển khai có hiệu quả công tác thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm, kít xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế, thành phố Hà Nội và TPHCM trong năm 2022.
Để tránh trùng lặp giữa nội dung thanh tra và kiểm toán, ông Hoạ cho biết Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung vào vấn đề sử dụng nguồn lực cho hoạt động phòng, chống dịch, gồm chính sách, khoản chi của các bộ, ngành, địa phương cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch như y, bác sĩ, chiến sĩ quân đội, công an, đội ngũ tình nguyện viên; chính sách với bệnh nhân được điều trị, cách ly; chính sách hỗ trợ người lao động; chính sách an sinh xã hội; chính sách hỗ trợ sản xuất và lưu thông hàng hóa.
Cũng trong đợt kiểm toán chuyên đề lần này, cơ quan kiểm toán sẽ kiểm toán việc huy động các nguồn lực phòng, chống dịch từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, kinh phí từ các quỹ của cơ sở y tế, nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn thu từ dịch vụ xét nghiệm nhanh và PCR, việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, chính sách tín dụng giảm lãi, gia hạn nợ, khoanh nợ của các ngân hàng.
Ngoài ra, lần kiểm toán này sẽ đề cập đến những vấn đề phát sinh, gồm xây dựng, thanh quyết toán chi phí xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các cơ sở thu dung, cơ sở cách ly, cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến; vướng mắc trong tiếp nhận, bảo quản phân phối và sử dụng các khoản viện trợ, tài trợ bằng hiện vật, nhất là các phương tiện phòng chống dịch như vaccine, phương tiện vận tải, máy thở, oxy và các trang thiết bị y tế khác.
Cơ quan kiểm toán cũng kiểm tra việc xây dựng và ban hành giá các loại dịch vụ trong công tác phòng chống dịch, nhất là giá các dịch vụ xét nghiệm và các vướng mắc khi thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh thông thường và khám chữa bệnh cho người bệnh Covid-19.
Với hoạt động mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, kít xét nghiệm tại tất cả đơn vị, ông Hoạ cho biết Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra, xác minh việc này. Còn cơ quan kiểm toán chỉ tổng hợp số liệu theo báo cáo.
Về nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch, bà Nguyễn Thị Phú Hà – Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội – cho biết tổng nguồn lực bằng tiền huy động cho công tác phòng, chống dịch, mua vaccine, thuốc điều trị, nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước và các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động khoảng 150.000 tỉ đồng tính đến 15-10-2021.
Nguồn kinh phí này chưa bao gồm nguồn vận động viện trợ, tài trợ vacicne, máy móc, trang thiết bị chống dịch, xuất cấp gạo dự trữ quốc gia, theo bà Hà.
Trong tổng nguồn lực chi cho phòng, chống dịch, nguồn lực từ trung ương khoảng 51.660 tỉ đồng, nguồn lực địa phương khoảng 75.850 tỉ đồng, chi từ Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khoảng 16.600 tỉ đồng.