Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tháo ‘nghẽn mạng’ cho đấu thầu trực tuyến

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Phương thức đấu thầu qua mạng đã được triển khai thí điểm từ năm 2009 và chính thức triển khai từ năm 2016. Đây được coi là phương thức đấu thầu hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, công bằng, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong đấu thầu. Tuy nhiên, hoạt động này hiện còn nhiều hạn chế và bất cập nên chưa thu hút.

Doanh nghiệp truy cập hệ thống đấu thầu qua mạng quốc gia. Ảnh: DNCC

Hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu truy cập

Từ 1-1-2023, Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia triển khai đấu thầu qua mạng đối với thuốc, vật tư y tế. Song, đại diện cho các đơn vị mời thầu tại TP.HCM đã cho biết hệ thống còn bất cập.

Tại cuộc họp báo định kỳ do UBND TPHCM tổ chức mới đây, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh văn phòng Sở Y tế cho biết nhiều bệnh viện tại thành phố đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo trang thiết bị. Sở Y tế TPHCM kiến nghị gỡ vướng bằng cách cho phép đấu thầu không qua mạng.

Nhiều ý kiến phản hồi rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu vật tư là do ảnh hưởng của việc thực hiện đấu thầu qua mạng. Theo quy định, tất cả gói thầu mua sắm hàng hóa của các cơ sở y tế phải thực hiện đấu thầu qua mạng, kể cả gói thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế với hàng trăm đến hàng nghìn mặt hàng.

Trong khi đó, hạ tầng của hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chưa đáp ứng được nhu cầu truy cập. Đơn cử khi các cơ quan, đơn vị đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo mời thầu và phát hành hồ sơ mời thầu, thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu... đối với gói thầu có danh mục hàng hóa nhiều thường bị gián đoạn. Nếu gói thầu trên 300 khoản là hệ thống gần như không đăng tải được.

Trong thời gian chờ Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia hoàn thiện, đáp ứng đấu thầu qua mạng đối với tất cả gói thầu, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị cho phép các bệnh viện thực hiện đấu thầu không qua mạng. Hình thức này sẽ thực hiện đối với các gói thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế gồm nhiều phần để đảm bảo việc cung ứng thuốc, vật tư y tế được đầy đủ, kịp thời cho công tác khám, chữa bệnh.

Chưa thực sự thu hút nhà thầu tham gia

Đấu thầu qua mạng được coi là phương tiện hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian cho cả Nhà nước, chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu; là công cụ hữu hiệu trong việc bảo đảm các tiêu chí cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và phòng, chống tham nhũng, đẩy lùi vi phạm, tiêu cực trong đấu thầu.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung cả năm 2021, đấu thầu qua mạng giúp tiết kiệm khoảng 1.974 tỉ đồng. Trong đó, với bên mời thầu, thời gian lựa chọn nhà thầu qua mạng so với đấu thầu truyền thống trung bình tiết kiệm được 8 ngày, quy đổi theo chi phí tiền lương/ngày công là trên 532 tỉ đồng.

Đối với nhà thầu, các doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu qua mạng tiết kiệm được 5 triệu đồng chi phí mua hồ sơ mời thầu, chi phí đi lại, in ấn... so với đấu thầu truyền thống. Trong năm 2021, có 115.371 gói thầu đấu thầu qua mạng, số nhà thầu trung bình tham dự là 2,5 nhà thầu/gói thầu. Như vậy, số chi phí hành chính mà nhà thầu tiết kiệm được lên tới 1.442 tỉ đồng.

Song theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021 (chưa có số liệu năm 2022) số lượng nhà thầu tham gia đấu thầu qua mạng chỉ khoảng 30%, còn kém xa so với mục tiêu 70% vào năm 2025. Có gần 130 ngàn nhà thầu đăng ký trên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia nhưng chỉ có 42 ngàn nhà thầu tham gia đấu thầu qua mạng. Vẫn còn không ít gói thầu chỉ có 1 nhà thầu dự thầu và tỉ lệ tiết kiệm thấp.

Việc đăng tải thông tin của chủ đầu tư, bên mời thầu cũng còn tồn tại, bất cập. Vẫn còn nhiều đơn vị chậm đăng tải hoặc đăng tải sai các thông tin về đấu thầu theo quy định như: đăng tải báo cáo đánh giá, kết quả lựa chọn nhà thầu của gói thầu khác, đăng tải chắp vá, sai lệch báo cáo đánh giá.

Một số bên mời thầu cố tình đăng tải chưa đúng loại gói thầu theo danh mục phân loại, đăng tải không đầy đủ, thiếu thông tin trong hồ sơ mời thầu, gây khó khăn cho nhà thầu. Một số chủ đầu tư, bên mời thầu không đăng tải hoặc đăng tải không đầy đủ nội dung thông báo mời thầu bằng tiếng Anh đối với gói thầu tổ chức đấu thầu quốc tế.

Tình trạng đấu thầu trực tuyến năm 2022 của một số địa phương như: Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình… cũng cho thấy, số lượng nhà thầu tham gia đấu thầu chưa nhiều, chậm công khai thông tin…

Năm 2022, tỉnh Hòa Bình tổ chức lựa chọn nhà thầu cho 2.884 gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước với tổng giá trị 8.136 tỉ đồng, tổng giá trúng thầu gần 8.086 tỉ đồng, giá trị tiết kiệm hơn 50 tỉ đồng; 307 gói thầu sử dụng nguồn vốn mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung với tổng giá trị hơn 113 tỉ đồng, tổng giá trúng thầu hơn 111 tỉ đồng, giá trị tiết kiệm hơn 2 tỉ đồng.

UBND tỉnh Hòa Bình đánh giá, số lượng nhà thầu tham gia các gói thầu trên địa bàn tỉnh này chưa nhiều, giá trúng thầu giảm ít so với giá gói thầu, chưa nâng cao được tính cạnh tranh, tỷ lệ tiết kiệm sau đấu thầu còn thấp. Việc áp dụng đấu thầu qua mạng đã được cải thiện và đạt hiệu quả. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng một số gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham dự, khiến cho tính cạnh tranh trong đấu thầu chưa cao.

Với Sơn La, năm 2022 tỉnh này đã tổ chức lựa chọn nhà thầu cho 4.978 gói thầu với tổng giá gói thầu hơn 7.136 tỉ đồng, tổng giá trúng thầu hơn 7.052 tỉ đồng, tiết kiệm được gần 84 tỉ đồng sau đấu thầu. UBND tỉnh Sơn La nhận xét, công tác lựa chọn nhà thầu vẫn còn hạn chế do hồ sơ mời thầu một số gói thầu xây lắp có nội dung chưa phù hợp, chưa đầy đủ theo quy định tại Thông tư số 04/2017/TT-BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Số lượng nhà thầu tham dự chưa nhiều, vẫn còn một số gói thầu phải huỷ thầu do không có nhà thầu tham dự.

Thông tin từ nhiều địa phương cho biết, vẫn còn tình trạng chậm công khai thông tin, trong đó có kết quả lựa chọn nhà thầu. Tỉnh Sơn La vừa gửi văn bản đến các chủ đầu tư/bên mời thầu cùng các đơn vị liên quan trên địa bàn yêu cầu chấn chỉnh công tác đấu thầu, trong đó có việc chậm trễ công khai thông tin về đấu thầu. UBND tỉnh Sơn La nêu rõ, việc đăng tải một số quyết định phê duyệt còn chậm, nhất là quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu thực hiện hình thức chỉ định thầu...

Tương tự, các tỉnh Hòa Bình, Lai Châu cũng thừa nhận còn một số chủ đầu tư/bên mời thầu chưa đăng tải hoặc đăng tải muộn một số loại thông tin về đấu thầu; nội dung, biểu mẫu hồ sơ mời thầu của một số gói thầu chưa phù hợp với hướng dẫn tại các thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư…

Ví dụ như ngày 2-3-2023, Ban Quản lý công trình dự án phát triển kinh tế - xã hội huyện Mường Tè (Lai Châu) mới công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 16 Xây lắp công trình thuộc Dự án Nâng cấp đường giao thông đến trung tâm các xã huyện Mường Tè. Trong khi đó kết quả này đã được phê duyệt từ ngày 10-5-2022. Như vậy, sau gần một năm, thông tin về kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu này mới được công bố.

Việc chậm công khai thông tin, chưa bảo đảm minh bạch thông tin có thể là một trong những nguyên nhân khiến số lượng nhà thầu tham gia đấu thầu trực tuyến còn hạn chế.

Từ 1-1-2023, thuốc và vật tư y tế đã được đưa vào đấu thầu qua mạng. Ảnh minh họa: DNCC

Cải thiện tình hình: cải cách thôi là chưa đủ

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động đấu thầu qua mạng, từ năm 2022 tới nay Chính phủ đã có nhiều động thái, nỗ lực khác nhau.

Nhằm hạn chế tình trạng một số gói thầu bị nhà thầu phản ánh về việc hồ sơ mời thầu cài cắm các tiêu chí để hạn chế nhà thầu, hoặc các gói thầu đấu thầu qua mạng nhưng chỉ có 1 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu và trúng thầu đang rất phổ biến... Bộ Kế Hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc Gia - có hiệu lực từ ngày 16-9-2022.

Theo đó, có các trường hợp được xác định hạn chế nhà thầu gồm: quy định về số lượng nhân sự chủ chốt và thiết bị thi công, thiết bị chủ yếu quá mức cần thiết để thực hiện gói thầu; quy định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cao hơn mức yêu cầu của gói thầu; yêu cầu về thiết bị thi công chủ yếu, thiết bị cần thiết cho gói thầu phải thuộc sở hữu của nhà thầu mà không được đi thuê...

Một quy định nữa cũng được coi là gây hạn chế nhà thầu là quy định các tiêu chí mà pháp luật chuyên ngành không yêu cầu như: giấy phép hành nghề, giấy xác nhận đối tác và các yêu cầu về chứng chỉ, chứng nhận mà pháp luật chuyên ngành không quy định.

Chẳng hạn, gói thầu chỉnh lý tài liệu yêu cầu nhân sự phải là lưu trữ viên hoặc lưu trữ viên chính, nghĩa là nhân sự phải là viên chức. Quy định này trong hồ sơ mời thầu được coi là vi phạm Khoản 2 Điều 12 NĐ63.

Ngoài các quy định nêu trên, đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, hồ sơ mời thầu được xác định là hạn chế nhà thầu khi đưa thêm các quy định về kỹ thuật mà chỉ có một sản phẩm cụ thể của một hãng sản xuất cụ thể đáp ứng trong khi trên thị trường có nhiều hãng sản xuất có thể cung cấp hàng hóa thuộc gói thầu...

Thông tư trên cũng nêu rõ, hồ sơ mời thầu gói thầu xây lắp không được yêu cầu nhà thầu phải có xác nhận khảo sát hiện trường hoặc yêu cầu chứng minh việc đã khảo sát hiện trường; việc nêu tên nhà thầu phụ đặc biệt bắt buộc nhà thầu chính phải sử dụng cũng là trường hợp hạn chế nhà thầu tham gia...

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những quy định cụ thể về các trường hợp hồ sơ mời thầu hạn chế nhà thầu được liệt kê tại thông tư trên là bảng tham chiếu để các chủ đầu tư, bên mời thầu, đơn vị tư vấn khi lập hồ sơ mời thầu lưu ý, tránh cài cắm và không đưa ra các yêu cầu thiếu minh bạch, kém cạnh tranh trong hồ sơ mời thầu. Còn nhà thầu có thể soi chiếu các quy định này với hồ sơ mời thầu để kịp thời có ý kiến với chủ đầu tư, có cơ sở để không chấp hành một số yêu cầu làm hạn chế nhà thầu.

Ngoài ban hành thông tư trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa vào vận hành Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia mới từ 16-9-2022 với nhiều tính năng được củng cố, thuận tiện cho người dùng. Hệ thống mới này sử dụng chứng thư số công cộng (chữ ký số - chữ ký điện tử được sử dụng trên môi trường mạng để thực hiện ký kết hợp đồng). Hệ thống mới được bổ sung thêm nhiều phân hệ, chức năng so với hệ thống cũ, hướng tới quản lý xuyên suốt quá trình đấu thầu, mua sắm công điện tử từ đăng tải thông tin dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu/nhà đầu tư, phát hành hồ sơ mời thầu, nộp hồ sơ đấu thầu, mở thầu, đánh giá, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu -  đến việc thương thảo, ký kết hợp đồng trực tuyến và theo dõi quản lý quá trình thực hiện hợp đồng.

Hệ thống cũng kết nối với hệ thống thông tin quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hệ thống kê khai thuế điện tử của Tổng cục Thuế… để chia sẻ và khai thác thông tin giữa các bộ, ban ngành của Chính phủ, đảm bảo thông tin chính xác, tin cậy. Hệ thống cũng được kết nối với ngân hàng, cổng thanh toán hỗ trợ thực hiện thanh toán...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới