Chủ Nhật, 29/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thập niên giá gạo ổn định trên toàn cầu có thể đã kết thúc

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) -  Thời kỳ giá gạo ổn định trên toàn cầu kéo dài suốt một thập niên qua có thể đã kết thúc sau khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo đúng vào lúc sản lượng gạo của các nhà sản xuất lớn khác giảm và nhu cầu toàn cầu tăng. Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã hạ dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 xuống còn 508 triệu tấn, mức thấp nhất trong 4 năm.

Xuất khẩu gạo của Ấn Độ dự kiến sẽ giảm khoảng 25% trong năm nay do các hạn chế xuất khẩu. Ảnh: Business Recorder

Lượng mưa không đồng đều trong mùa mưa đã ảnh hưởng đến việc trồng lúa ở Ấn Độ, khiến nước này áp đặt các hạn chế xuất khẩu gạo hồi tháng 9. Và đợt lũ lụt nghiêm trọng gần đây cũng đã cắt giảm sản lượng gạo ở Pakistan ngay khi nhu cầu tiêu thụ gạo đang tăng lên ở các nước nhập khẩu hàng đầu như Bangladesh và Philippines. Đó là lý do tại sao các nhà phân tích dự báo nhu cầu toàn cầu sẽ vượt xa sản lượng gạo trong niên vụ 2022-2023.

Kể từ khi Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, cấm xuất khẩu gạo tấm 100% và đánh thuế xuất khẩu 20% đối với một số loại gạo không phải là gạo thơm basmati, giá gạo toàn cầu đã tăng hơn 10%. Tháng trước, chỉ số giá gạo toàn cầu của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tăng 2,2%, lên mức cao nhất trong 18 tháng.

Nitin Gupta, Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh gạo của Công ty Olam Ấn Độ, nói: “Thị trường gạo quốc tế đang tăng giá và sẽ còn tăng nữa”.

Các chính phủ trên toàn thế giới đã phải chật vật kiềm chế lạm phát lương thực do đại dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi sản xuất và cung ứng, rồi sau đó, cuộc chiến Nga-Ukraine loại bỏ hàng triệu tấn lượng thực ra khỏi thị trường toàn cầu, đẩy lạm phát lương thực lên mức kỷ lục vào đầu năm nay.

Trước khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu, các quan chức chính phủ và ngành kinh doanh gạo ở châu Á đã  tự tin rằng giá gạo sẽ ổn định nhờ lượng dự trữ dồi dào.

Gạo, không giống như lúa mì, không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine vì cả hai nước đều không phải là nhà sản xuất gạo lớn.

Tuy nhiên, hiện nay các nhà xuất khẩu gạo hàng đầu gồm Thái Lan và Việt Nam không đủ tồn kho để bù đắp cho việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu cũng như sản lượng gạo suy giảm ở nhiều nơi khác. Ba nhà giao dịch gạo toàn cầu trích dẫn các đánh giá nội bộ cho biết lượng gạo dự trữ trên thế giới có thể giảm xuống mức thấp nhất trong ít nhất 5 năm trong năm 2023.

Ông Gupta nói: “Vì Ấn Độ chiếm 40% tổng thương mại gạo toàn cầu, nên không dễ để các nước khác thay thế lượng gạo xuất khẩu đang giảm của Ấn Độ giữa lúc nhu cầu của các nước nhập khẩu hàng đầu đang tăng lên”.

Hồi đầu tháng 10, USDA đã giảm dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 xuống còn 508 triệu tấn, mức thấp nhất trong 4 năm. Chỉ một tháng trước, USDA còn kỳ vọng con số này ở mức 512 triệu tấn.

Tuy nhiên, một số công ty kinh doanh ngũ cốc hàng đầu toàn cầu dự báo mức giảm sản lượng gạo có thể sẽ còn mạnh hơn, xuống khoảng 500 triệu tấn trong niên vụ này do các điều kiện thời tiết khắc nghiệt đe dọa năng suất các vụ lúa ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan.

Ở Ấn Độ, điều kiện thời tiết khô hạn đã làm trì hoãn việc gieo sạ lúa, nhiều nông dân không trồng trọt gì cả, và sau đó, những trận mưa xối xả đã làm hư hại những cánh đồng lúa chín, làm dấy lên lo ngại về lạm phát lương thực.

Hồi tháng 9, Bộ Nông nghiệp Ấn Độ cho biết sản lượng lúa gieo sạ của Ấn Độ có thể giảm xuống còn 105 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023, giảm 6% so với niên vụ trước. Trong khi đó, con số theo ước tính của các công ty kinh doanh lúa gạo tư nhân là dưới mức 100 triệu tấn.

Sản lượng gạo ở Trung Quốc, nước tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới,  có thể giảm 2,9% so với một năm trước, xuống còn 206 triệu tấn do nhiệt độ cao hơn và hạn hán ở một số vùng trồng lúa, theo Công ty tư vấn Shanghai JC Intelligence.

Tình hình hiện nay là một sự thay đổi lớn so với năm ngoái, khi lượng gạo xuất khẩu kỷ lục 21,2 triệu tấn của Ấn Độ, với giá  rẻ hơn 30% so với các đối thủ, đã giúp ổn định giá gạo toàn cầu dù giá các mặt hàng lương thực khác tăng vọt do nguồn cung bị gián đoạn.

Xuất khẩu gạo của Ấn Độ dự kiến sẽ giảm khoảng 25% trong năm nay do các hạn chế xuất khẩu.

Theo B.V. Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo toàn Ấn Độ (AIREA), hầu như tất cả các nhà sản xuất hàng đầu đều đối mặt với triển vọng sản lượng gạo thấp hơn, vì vậy, nhu cầu toàn cầu có thể sẽ vượt xa nguồn cung.

Ông cho biết các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ đã giúp các nhà cung cấp đối thủ là Việt Nam, Thái Lan và Myanmar tăng doanh số bán hàng, nhưng họ không có lượng gạo tồn kho dồi dào để xuất khẩu.

Dự báo sản lượng lúa của Việt Nam trong năm 2023 là sẽ giữ nguyên ở mức 43 triệu tấn của năm ngoái.

Nước láng giềng Thái Lan đang đặt mục tiêu xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo trong năm nay, tăng khoảng 7% so với mục tiêu trước đó là 7 triệu tấn, Anucha Burapachaisri, người phát ngôn chính phủ Thái Lan, cho hay.

Các thương nhân cho biết Việt Nam và Thái Lan chỉ có thể bổ sung tổng cộng không quá 2 triệu tấn gạo để lấp vào khoảng trống mà Ấn Độ để lại trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, Pakistan không thể tận dụng các hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ sau khi lũ lụt nghiêm trọng tàn phá các cánh đồng lúa của nước này. Theo USDA, sản lượng gạo của Pakistan có thể giảm 18%, xuống 7,4 triệu tấn trong niên vụ hiện tại.

Các nhà sản xuất châu Á khác như Trung Quốc, Bangladesh và Philippines, cũng như Ấn Độ, bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết bất lợi, bao gồm hạn hán, lũ lụt, bão và lốc xoáy.

Himanshu Agarwal, Giám đốc điều hành Satyam Balajee, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất Ấn Độ, nói: “Sự kết hợp đặc biệt của các sự kiện ở châu Á sẽ ảnh hưởng nặng nề đến người tiêu dùng ở nhiều nơi trên thế giới. Nhiều người tiêu dùng ở các nước nghèo sẽ phải mua loại gạo đắt tiền hơn, cao cấp hơn, nếu không sẽ không có gạo để ăn”.

Theo Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới