Thứ Tư, 17/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thay cho ‘dám nghĩ, dám làm’ là ‘phải nghĩ, phải làm’

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Một trong những trở ngại lớn hiện nay là không ít cán bộ trong bộ máy nhà nước đang chùn tay, không dám đưa ra quyết định, cứ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp cao hơn. Tình trạng đánh mất sự chủ động, tâm lý “làm ít, sai ít; không làm, không sai” đang tạo ra những điểm nghẽn cho hoạt động bình thường của nền kinh tế.

Chính vì vậy, Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo những quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Những quy định này có thể được ban hành dưới dạng một nghị định của Chính phủ hay một nghị quyết của Quốc hội để mở rộng thẩm quyền và bảo đảm tính pháp lý.

Tuy nhiên, cho dù là nghị định hay nghị quyết, các quy định chung chung như thế rất khó lòng mở đường cho cán bộ “dám làm” khi đi vào các vấn đề cụ thể, các quyết định cụ thể; người công chức luôn bị ràng buộc bởi các luật lệ, quy định, không tuân thủ sẽ dễ bị kỷ luật hay thậm chí chịu trách nhiệm hình sự.

Thiết nghĩ cách tốt nhất để giải quyết tình trạng cán bộ không dám chịu trách nhiệm, làm ngưng trệ bộ máy hành chính là rà soát lại bảng miêu tả công việc của từng vị trí cụ thể trong bộ máy hành chính. Sau rà soát là biên soạn lại bảng miêu tả này để sao cho nhiệm vụ của người công chức không phải là “dám nghĩ, dám làm”; nhiệm vụ của họ rõ ràng đến mức “phải nghĩ, phải làm” mới gọi là hoàn thành nhiệm vụ; “không nghĩ, không làm” sẽ dẫn tới kỷ luật hành chính. Một cán bộ chịu trách nhiệm duy tu hệ thống đường sá trong một khu vực nào đó mà vẫn để tồn tại các ổ gà, ổ trâu sẽ bị kỷ luật ngay tức khắc; các biện minh như không có kinh phí, bị trói tay vì thiếu quy định sẽ không được chấp nhận vì miêu tả công việc bao gồm cả trách nhiệm đi tìm kinh phí bằng mọi giá. Người công chức sẽ phải chứng minh họ đã nỗ lực hết sức mình như thế nào, văn bản, trao đổi nào thể hiện điều đó.

Một biện pháp nữa là thiết lập cơ chế phản ánh, khiếu nại, buộc giải trình như một cách ràng buộc trách nhiệm “phải nghĩ, phải làm” cho cán bộ, công chức. Bộ máy hành chính luôn có đối tượng phục vụ, có thể là người dân nói chung hay từng thành phần cụ thể trong xã hội như cộng đồng doanh nghiệp. Làm sao để đối tượng được phục vụ này phản ánh chất lượng họ được phục vụ, khiếu nại khi nhu cầu của họ không được đáp ứng, buộc cán bộ phải giải trình nếu gây ra thiệt hại cho đối tượng được phục vụ… tức là một cách gián tiếp để thúc đẩy cán bộ luôn luôn cải tiến công việc, làm hài hòng những người mình phải phục vụ theo nhiệm vụ được giao.

Ở các nước, trong bộ máy hành chính có đặt ra vị trí một người đại diện cho quyền lợi của cộng đồng để lắng nghe các khiếu nại về hành vi lạm quyền của công chức hoặc lơ là trách nhiệm nên xâm phạm đến quyền lợi của người dân, gọi là ombudsman. Với sự giám sát của các ombudsman như thế, người công chức sẽ phải từ bỏ tâm lý “làm ít, sai ít” để làm đúng lương tâm chức nghiệp của mình vì lúc đó, “không làm” sẽ đồng nghĩa với một bản án kỷ luật nặng. Lúc đó vai trò của người lãnh đạo là rà soát, đề xuất sửa đổi luật lệ, quy định nào còn trói tay bộ máy hành chính trong nhiệm vụ phục vụ lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

2 BÌNH LUẬN

  1. Ở một đơn vị tư nhân, người chịu trách nhiệm cao nhất là giám đốc, người này có quyền điều hành và thi hành kỷ luật trong đơn vị, kể cả trong một tập đoàn cổ phần người tổng giám đốc là làm thuê thì vẫn có quyền quyết định kỷ luật hay đuổi việc nhân viên dưới quyền. Khi một cán bộ nhân viên không làm được việc hoặc làm không hiệu quả thì giám đốc sẽ cho nhân viên đó nghỉ việc mà không cần sự chấp thuận của bất cứ ai đó hay ban nào đó, nên khi được giao việc nhân viên đó bắt buộc phải làm hết sức mình để có hiệu quả cao. Nhờ vậy công việc được vận hành thuận lợi, không có vấn đề nhân viên không thèm làm cũng không sao.

  2. Thu phí không dừng, là một ví dụ. Nói mãi, đôn đốc mãi, mất mấy năm trời, vẫn cứ ì ạch. Đến khi đích thân thủ tướng ra tối hậu thư thì mọi việc gần như mới đâu vào đấy. Hiện nay, hầu như mọi tuyến cao tốc đều tự động hóa khâu thu phí. Tuy nhiên, ở nhiều sân bay, kể cả sân bay quốc tế ở các thành phố lớn, hiện vẫn còn thu phí vào – ra theo kiểu “thò tay qua quầy”. Vậy nên, dám nghĩ dám làm, hoặc phải nghĩ phải làm, chưa chắc đã đúng. Đã là công chức thì trước hết phải có trách nhiệm làm đúng phận sự của mình. Nếu không, phải gọi đúng tên, phải biết xấu hổ trước bàn dân thiên hạ!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới