(KTSG) - Động thái tăng vốn chủ sở hữu được nhận định sẽ giúp các công ty chứng khoán sẵn sàng cho các hoạt động kinh doanh bởi lẽ vốn chủ sở hữu có liên quan mật thiết tới các nghiệp vụ cốt lõi như cho vay ký quỹ hay tự doanh.
- Phía sau cuộc đua miễn, giảm phí của các công ty chứng khoán
- Nhiều công ty chứng khoán báo lỗ trong quí 4
Cuộc đua “nóng” trở lại
Sau một giai đoạn có phần chững lại, câu chuyện tăng vốn của các công ty chứng khoán đang dần “nóng” trở lại sau mùa họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Đến thời điểm hiện tại, thị trường đã ghi nhận một số kế hoạch tăng vốn trong năm nay, tuy không quá ồ ạt song vẫn xuất hiện những kế hoạch tăng vốn bằng lần thông qua phát hành thêm cổ phiếu.
Điển hình như Công ty cổ phần (CTCP) Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) trong tờ trình đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 đã đưa ra mục tiêu trọng tâm là phát hành cổ phiếu riêng lẻ trị giá hơn 10.000 tỉ đồng, qua đó nâng vốn chủ sở hữu lên mức 21.000 tỉ đồng, thực hiện vào cuối quí 2 đến đầu quí 3-2023. Với mức vốn chủ sở hữu mới này, TCBS sẽ nằm trong tốp những công ty chứng khoán có vốn chủ sở hữu cao nhất ngành.
Theo TCBS, đây là bước đi chiến lược nhằm đưa công ty trở thành công ty công nghệ quản lý gia sản (Wealthtech) có quy mô lớn nhất Việt Nam về vốn chủ sở hữu, lợi nhuận cũng như hiệu quả hoạt động các mảng cốt lõi.
CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS, mã ORS) cũng lên phương án phát hành thêm 200 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỉ đồng lên 4.000 tỉ đồng thông qua hai phương án: Thứ nhất, phát hành quyền mua cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1 hoặc 2:1. Giá phát hành dự kiến không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Thứ hai là chào bán riêng lẻ tối đa 200 triệu cổ phiếu, giá không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Tổng giá trị đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của một công ty chứng khoán không được vượt quá 70% vốn chủ sở hữu. Nếu các công ty chứng khoán muốn tăng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp sẽ cần tăng vốn điều lệ, qua đó tăng vốn chủ sở hữu lên. Hiện không ít công ty có khoản mục đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp lớn, đặc biệt là công ty thuộc hệ sinh thái của ngân hàng.
Trước đó, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC, mã VCI) đã thông qua kế hoạch phát hành hơn 100 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, với tỷ lệ 30%, để nâng vốn điều lệ lên hơn 4.350 tỉ đồng.
Đồng thời, VCSC cũng phát hành 2 triệu cổ phiếu ESOP với giá 12.000 đồng/cổ phiếu (trong khi giá đóng cửa phiên ngày 22-5-2023 quanh mốc 34.000 đồng/cổ phiếu).
Tương tự, CTCP Chứng khoán MB (MBS) dự kiến tăng vốn điều lệ từ 3.806 tỉ đồng lên 4.377 tỉ đồng, thông qua phát hành cổ phiếu để chia cổ tức (tỷ lệ 12%) và phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu (tỷ lệ 3%).
Hay CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) dự kiến phát hành gần 15 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 1.878 tỉ đồng lên gần 2.028 tỉ đồng, trong đó 9,4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 5% và hơn 5,6 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 3%.
Không công bố con số cụ thể song CTCP Chứng khoán VPBank (VPBank Securities) dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu ESOP thông qua hình thức chào bán riêng lẻ trong năm 2023 này. VPBank Securities gây chú ý khi hoàn tất nâng vốn điều lệ từ 8.920 tỉ đồng lên 15.000 tỉ đồng vào cuối năm 2022, qua đó trở thành công ty có vốn điều lệ lớn nhất trong ngành.
Tăng vốn nhằm hỗ trợ các mảng kinh doanh
Trong giai đoạn thị trường chứng khoán trầm lắng, thanh khoản ở mức khá thấp như hiện tại, phương án phát hành gọi vốn mới từ cổ đông hiện hữu nhìn chung có phần khó khả thi. Bên cạnh đó, thủ tục xin phát hành tăng vốn cũng rất phức tạp. Vì vậy, phần lớn các công ty chứng khoán chọn phương án phát hành riêng lẻ hay phát hành cổ phiếu trả cổ tức để tăng vốn.
Trên thực tế, động thái chào bán cổ phiếu qua đó tăng vốn chủ sở hữu được nhận định sẽ giúp các công ty chứng khoán sẵn sàng cho các hoạt động kinh doanh bởi lẽ vốn chủ sở hữu có liên quan mật thiết tới các nghiệp vụ cốt lõi như cho vay ký quỹ hay tự doanh.
Theo quy định hiện hành, dư nợ cho vay margin tối đa không được vượt quá 2 lần vốn chủ sở hữu; với một khách hàng không được vượt quá 3% vốn chủ sở hữu hay dư nợ một mã cổ phiếu không được quá 10% vốn chủ sở hữu của một công ty chứng khoán.
Đáng chú ý, những phương án phát hành thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc chia cổ phiếu thưởng chỉ giúp tăng vốn điều lệ chứ không tăng vốn chủ sở hữu.
Do đó, việc tăng vốn bằng cách này sẽ không có tác dụng nâng cao nguồn lực tài chính của công ty chứng khoán, tăng dư địa cho các nghiệp vụ.
Ở khía cạnh khác, làn sóng tăng vốn của các công ty chứng khoán không chỉ đơn thuần bổ sung vốn hoạt động cốt lõi như cho vay, tự doanh mà thực tế còn liên quan tới việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Hiện tại, luật quy định tổng giá trị đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của một công ty chứng khoán không được vượt quá 70% vốn chủ sở hữu. Do đó, nếu các công ty chứng khoán muốn tăng đầu tư vào kênh trái phiếu sẽ cần tăng vốn điều lệ, qua đó tăng vốn chủ sở hữu lên.
Theo thống kê, không ít công ty chứng khoán có khoản mục đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp lớn, đặc biệt là một số công ty chứng khoán thuộc hệ sinh thái của ngân hàng. Các ví dụ nổi bật có thể kể ra như VPBank Securities- công ty con của Ngân hàng VPBank tại thời điểm cuối quí 1-2023 nắm giữ 10.300 tỉ đồng trái phiếu chưa niêm yết; TCBS với 100% vốn thuộc Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng đang sở hữu lượng trái phiếu khoảng 7.300 tỉ đồng.
Đây đều là những công ty dự kiến sẽ tăng vốn mạnh nhất nhóm công ty chứng khoán.
Hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định dòng tiền lớn đã trở lại nhưng rõ ràng những nhịp tăng của thị trường thời gian gần đây cộng thêm thanh khoản đang dần cải thiện là một tín hiệu tốt cho thị trường chứng khoán.
Điều này cũng được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến tình hình kinh doanh cũng như các mảng hoạt động của công ty chứng khoán thời gian tới. Về dài hạn, quy mô thị trường và số lượng nhà đầu tư tại Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng mạnh. Do vậy, khi thị trường phục hồi trở lại, cuộc đua tăng vốn chắc sẽ còn “nóng” hơn nữa.