Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thấy tranh là thấy Tết

Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nói đến Tết là nói đến tranh dân gian. Trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán, người dân mua tranh về dán trên cửa, bàn thờ, tường, xà nhà... hết năm lại bóc bỏ, dán tranh mới. Nay, thú chơi tranh dân gian có xu hướng quay trở lại trong đời thường, không chỉ vào dịp Tết cổ truyền.

Tranh nghỉ ngơi sau buổi cày, gợi lên cảnh thiên hạ thái bình, nhân dân an lạc (tranh Đông Hồ). Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

“Tranh dân gian Việt Nam được làm và bán lẻ vào mỗi dịp Tết, các dịp lễ trọng đại hoặc dành cho nghi thức tôn giáo hay đơn giản chỉ là thú tiêu khiển trong gia đình. Là loại tranh thủ công, tranh dân gian vừa phụ thuộc các mẫu tranh thịnh hành nhưng đồng thời cũng để lại dấu ấn sâu sắc do tính độc đáo của những nghệ nhân sáng tạo ra chúng”, Maurice Durand trong cuốn sách Tranh dân gian Việt Nam (L’Imagerie populaire Vietnamienne) do École franςaise d’Extrême-Orient xuất bản tại Paris năm 1960 đã viết như vậy.

Một phần hồn Việt trong lành

Theo ghi chép của Maurice Durand, sau mùa gặt tháng Mười Âm lịch, các gia đình ở làng Đông Hồ bắt đầu lấy ván in ra làm tranh cho đến khoảng ngày 20 tháng Giêng Âm lịch năm sau.

Ông cho biết: “Vào dịp Tết, tranh dân gian được bày bán khắp các phố phường, dán trong nhà hoặc triển lãm nơi công cộng dù chúng không hẳn là những tác phẩm hội họa có giá trị to lớn. Đó là những sản phẩm thủ công được tạo ra từ kỹ thuật lưu truyền từ đời này qua đời khác với nguồn cảm hứng gần như bất di bất dịch”.

Năm 1957, ông thực hiện cuộc khảo sát ở Hà Nội về việc làm tranh Tết, “cho ra con số 300.000 tranh trên giấy thường và 2.000 bộ tranh, mỗi bộ thể hiện một chủ đề khác nhau trên loại giấy đã được bồi. Số liệu này chỉ chiếm một phần sáu số tranh được làm trước những năm 1940-1945”. Đủ biết nhu cầu chơi tranh Tết của người dân Bắc bộ lớn đến thế nào.

Ở Việt Nam có bốn làng tranh dân gian nổi tiếng là Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng và Sình.

Nếu như các làng tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Sình sản xuất theo từng hộ gia đình, khép kín thì việc tổ chức làm tranh ở Kim Hoàng mang tính cộng đồng, thành phường hội, gắn kết chặt chẽ với nhau. Người có uy tín trong làng được cử ra làm trưởng phường; trưởng phường gần nhất là ông Trần Bá Sơ. Giỗ tổ phường là ngày rằm tháng Một (tháng 11 Âm lịch). Mỗi năm một gia đình trong phường luân phiên đứng ra làm lễ giỗ tổ, dù không rõ tổ nghề là ai.

Ngày giỗ tổ cũng là ngày mọi người chia nhau ván in tranh phục vụ Tết. Trong quá trình in, các gia đình có thể trao đổi ván in cho nhau. Tổng số mẫu tranh cổ của làng Kim Hoàng là 93, trong đó có 21 tranh vẽ tay. Sau một tháng làm tranh tất bật cả ngày rồi tối đến lại chong đèn ba dây mà chấm phẩm (vẽ màu), đến ngày rằm tháng Chạp (tháng 12 Âm lịch) thì phường làm lễ thánh sư. Đó cũng là lúc các gia đình tỏa đi bán tranh ở khắp các chợ làng trong vùng như chợ Canh, Diễn, Sấu Giá, Phùng, Tây Tựu, Sơn Đồng, Diễn, Vạng, chùa Thầy… nhưng cũng chỉ dồn dập vào một tuần cận Tết Nguyên đán.

Tranh Múa rồng (tranh Hàng Trống). Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Một phiên chợ Tết ở các nơi trong vùng thường đặt 10-15 chiếc chiếu bày tranh Kim Hoàng. Nông dân ở vùng quê xứ Đoài rất thích mua các tờ tranh đỏ in vẽ hình con lợn bột, lợn nái đen, cặp gà đối nhau… Các cụ già kể rằng những năm phát đạt, đi chợ bán tranh về phải được một gánh nặng tiền Tự Đức.

Theo họa sĩ Phan Ngọc Khuê, tác giả cuốn sách Tranh dân gian Hàng Trống Hà Nội (NXB Hà Nội, 2018), tranh Hàng Trống có những điểm độc đáo mà nhiều dòng tranh khác không có. Kỹ thuật độc đáo cũng khiến khổ tranh Hàng Trống thường lớn hơn các dòng tranh dân gian khác. Điều này liên quan trực tiếp đến thú chơi tranh của người xưa và nhu cầu trang trí nhà cửa. Đối với dân thành thị, treo tranh, chơi tranh không đơn giản là cho có không khí Tết, mà bức tranh còn đồng thời là vật trang trí để kiến tạo một không gian sang trọng và quý phái, chứng tỏ được nề nếp gia phong.

Bố cục của tranh Hàng Trống cũng khác. “Chẳng hạn, bộ tranh Tố nữ đã thoát khỏi cảm quan thẩm mỹ cũ, với đường nét mới mẻ, thanh thoát, nhẹ nhàng. Bề rộng của bức tranh gần bằng một phần năm chiều cao, tạo nên một sự khác lạ cho bố cục. Trọng điểm của tranh vẽ hình người, đặt vào phần nửa dưới của bức tranh, khoảng trống “mênh mông” ở phía trên như muốn kéo vút lên cao dư cảm thẩm mỹ của nghệ thuật hội họa và dư âm của nghệ thuật nhạc”.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trang Thanh Hiền cho biết: “Tranh Tết từ lâu đã trở thành một tập quán, một thú chơi của người dân Việt Nam. Tranh Tết là một phần hồn Việt trong lành, nhân hậu và đồng thời cũng là nơi lưu giữ những giá trị tâm linh sâu sắc. Những màu sắc rực rỡ như khơi gợi nên cảm giác mới mẻ ấm cúng rộn rã sắc xuân trong mỗi gia đình của người Việt. Người ta cho rằng tập quán chơi tranh lâu đời này xuất phát điểm từ thời Lý (1010-1225) và Trần (1225-1400), nhưng thực tế lại không có một bằng chứng xác thực nào cả”.

Đề tài trong tranh dân gian vô cùng phong phú và đa dạng. Nhưng đã là tranh treo Tết thì bao giờ cũng mang một nội dung là cầu chúc những điều tốt đẹp.

Những bức tranh chính là những câu chúc cho gia chủ một năm phát tài phát lộc. Tiến tài, Tiến lộc, là những bức tranh luôn được người dán ở cổng như muốn mời gọi thần tài đến nhà. Hay bộ tranh Phúc - Thọ với câu chúc Phúc như Đông hải và Thọ tỉ Nam sơn, là những chữ được viết lấy hình sau đó trong các chữ lại được minh họa cho nội dung câu chúc. Đây cũng là cách chơi thư họa đồng nguyên.

Nhiều bức chữ phúc được khắc vẽ một cách rất cầu kỳ có tới 24 hình ảnh về lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, hay trong chữ thọ có vẽ tới 28 chòm sao; phần lớn thuộc về dòng tranh Hàng Trống, bởi thẩm mỹ của giới thị dân bao giờ cũng trọng cái tinh tế, tỉ mỉ và cầu kỳ. Các bức tranh này bao giờ cũng được gia chủ treo ngay ở gian giữa và đăng đối sang hai bên. Ngoài ra trong dòng tranh Hàng Trống còn có một số tranh đơn cũng được treo vào dịp tết như Lý ngư vọng nguyệt hay Múa rồng. Một bức thì nói lên triết lý của người phương Đông về âm dương giao hòa, một bức là lời cầu chúc cho một năm phồn thịnh, đem không khí xuân sắc tưng bừng đến nhà.

Ngày xưa, các cụ sáng tác tranh thường có đôi như đôi câu đối. Có bốn kiểu đối tranh.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, làng tranh dân gian Đông Hồ, giải thích: Kiểu thứ nhất: Hai tranh hoàn toàn đối xứng nhau (đối xứng trục), chẳng hạn hai con lợn châu đầu vào nhau. Kiểu thứ hai: Hai tranh cũng đối xứng trục nhưng trên mỗi tranh có chữ khác nhau. Chẳng hạn tranh Tiến tài có đôi của nó là Tiến lộc. (Hai vị thần đối xứng nhau nhưng chữ trên mỗi tranh khác nhau). Kiểu thứ ba: Sự đối xứng không còn thực hiện nghiêm ngặt nữa, đối ý là chính. Chẳng hạn, em bé ôm gà và em bé ôm vịt (Vinh hoa, Phú quý), hay em bé cầm quả đào và em bé cầm quả phật thủ. Kiểu thứ tư: Chỉ đối ý, loại này nhiều tranh nhất: Hứng dừa - Đánh ghen, Đu đôi - Bắt chạch, Trưng vương khởi nghĩa - Triệu ẩu xuất quân, Trai tứ khoái - Gái bảy nghề… Đôi khi hai tranh đối xứng được vẽ thành một như Phúc lộc song toàn hay Lý ngư vọng nguyệt...

Đầu năm mới cũng là dịp người ta quét tước nhà cửa, sửa soạn lại bàn thờ, do vậy các tranh mang đề tài tín ngưỡng cũng được bày bán khá nhiều trong dịp Tết như tranh ông công, ông táo. Trong các đền phủ thì là các tranh như tam tòa thánh mẫu, tứ phủ, tranh vẽ về các ông hoàng... Các tranh ngũ quả cũng được nhiều người treo để thay thế cho những bức tranh của năm ngoái. Loại tranh mười hai con giáp cũng không thể thiếu được trong thú chơi tranh Tết, năm con giáp nào thì treo tranh con ấy. Rồi tranh các trò chơi dân gian, tranh phong cảnh làng quê… cũng góp phần mang không khí Tết vào mỗi nhà.

Phả hồn đương đại

Thú chơi tranh Tết dân gian có xu hướng quay trở lại. Việc đóng khung tre cho những bức tranh dân gian Đông Hồ là một cách thức mới để họ có thể tìm được sự hòa hợp giữa truyền thống và khung cảnh của một phòng khách hiện đại. Còn các tranh Hàng Trống với dạng trục cuốn lại tạo nên vẻ sang trọng và quý phái.

Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội và là nhà nghiên cứu tranh dân gian với sáu cuốn sách về loại tranh này được xuất bản. Theo bà, tranh dân gian hiện diện ở mọi nơi, mọi lúc trong cuộc sống hàng ngày mà nhiều khi nhiều người không để ý. Đó có thể là tranh đá, tranh phù điêu ở đình, chùa. Đó có thể là tranh đồ thế, vàng mã đốt vào ngày lễ... Đến Tết lại là thời điểm bán tranh dân gian sôi động nhất, người ta mua về trang trí trong nhà, cầu may mắn, tài lộc…

Hiện nay tranh dân gian lại được chuyển thể vào các vật dụng hàng ngày: in vào áo, sổ tay, giấy gói quà, kẹp sách, áo dài, vẽ lên tranh đương đại… Bằng cách này hay cách khác, tranh dân gian luôn len lỏi, tồn tại và phát triển trong cuộc sống đời thường.

Bảo tồn tranh dân gian không có nghĩa là chỉ khư khư giữ nguyên di sản của tiền nhân, mà trong cuộc sống đương đại, mỗi người cần nỗ lực tìm ra hướng đi riêng để góp phần giúp chúng lan tỏa theo những dạng thức khác.

Ứng dụng họa tiết truyền thống trong thiết kế sản phẩm và thiết kế bao bì là một trong chuỗi hoạt động tiếp nối dự án sách Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống. Dự án đã nhận được sự hợp tác của nhiều doanh nghiệp tâm huyết và mong muốn kể những câu chuyện tự hào về sản phẩm bằng những hình ảnh, thiết kế mang đậm bản sắc dân tộc. Đó là các sản phẩm thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, sản phẩm thủ công - mỹ nghệ như khăn lụa Nha Xá, vỏ hộp xà bông thơm Cỏ Mềm, sổ tay chỉ khâu châu Á và túi tote của Monosketch, bao bì trà xanh của Dreamfarm, áo thời trang của nhà thiết kế Trần Thảo Miên...

Được truyền cảm hứng từ tranh Kim Hoàng, thương hiệu thời trang áo dài La Sen Vũ thì đưa hình ảnh con lợn vào bộ sưu tập Phú quý niên hoa. Nghệ nhân đậu bạc Quách Tuấn Anh lấy hình ảnh tranh Kim Hoàng để sáng tác các sản phẩm đậu bạc. Công ty La Sonmai đưa hình ảnh tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống lên ốp lưng điện thoại thông minh làm bằng sơn mài.

Cũng có nhiều người thành công khi đưa tranh dân gian vào tác phẩm hội họa. Chẳng hạn, họa sĩ Bùi Thanh Tâm đưa họa tiết tranh dân gian vào tranh, tạo ra một cách tiếp cận tranh dân gian theo kiểu khác. Từ tranh của Bùi Thanh Tâm, công chúng sẽ tìm hiểu tranh dân gian Việt Nam. Họa sĩ Nguyễn Tiến Ngọc, họa sĩ Kim Mỹ đưa đề tài tranh Kim Hoàng vào các tác phẩm sơn mài. Họa sĩ Xuân Lam thì chung thủy với các họa tiết dân gian từ lúc bắt đầu sáng tác, thiết kế đến nay. Ngũ hổ là tranh thờ, nhưng khi đưa lên trang phục thì không còn cảm giác thờ phụng nữa. Cộng với việc phối màu, trang phục trở nên có chất đương đại...

Mỗi người một vẻ, họ đã góp phần lan tỏa giá trị độc đáo của tranh dân gian Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới