Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thay vì nhắc nhở, hãy yêu cầu “sao kê”

Đức Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – “Sao kê” có lẽ là một trong những từ khóa được quan tâm nhất trên cộng đồng mạng trong mấy tuần qua, sau khi có một số thông tin nêu nghi vấn về khả năng có khuất tất trong việc sử dụng tiền quyên góp làm từ thiện của một số cá nhân trong giới show biz.

Khi các cơn bão liên tiếp ập vào các tỉnh miền Trung vào năm ngoái, khiến hàng chục ngàn người rơi vào cảnh màn trời chiếu nước, đói ăn, thì hàng chục ngàn tấm lòng hảo tâm trên khắp cả nước đã không suy nghĩ đắn đo, lập tức hưởng ứng lời kêu gọi quyên góp của giới văn nghệ sĩ. Hàng chục, hàng trăm tỉ đồng đã được trao gửi thông qua những người nổi tiếng này với niềm tin tấm lòng của họ sẽ nhanh chóng đến được tay các nạn nhân của bão lũ một cách kịp thời và không bị suy suyển.

Nhưng khi công chúng cảm thấy niềm tin đã bị lung lay thì họ cũng ngay lập tức có cách để tìm kiếm sự minh bạch, đó là tạo ra sức ép buộc những nhà trung gian từ thiện phải công khai sao kê tài khoản ngân hàng được dùng để tiếp nhận tiền quyên góp từ thiện, công khai toàn bộ đến từng chi tiết các khoản tiền đã tiếp nhận cũng như các khoản đã chi ra. Tất nhiên, việc này chỉ khó với những người có tâm không trong sáng.

Một tình huống tương tự cũng đang diễn ra trên đất nước Việt Nam, nhưng với quy mô và sự tàn khốc lớn hơn rất nhiều so với thiên tai ở miền Trung vào năm ngoái – đợt bùng phát thứ 4 của đại dịch Covid-19. Trong đợt bùng phát dịch này, ngân sách nhà nước đã phải chi ra hàng chục ngàn tỉ đồng để các địa phương mua sắm thuốc men, vật tư và trang thiết bị y tế để phục vụ cho công tác phòng chống dịch. Và cũng giống như khi những người hảo tâm gửi tiền vào tài khoản từ thiện của một số cá nhân trong giới show biz để cứu trợ khẩn cấp nạn nhân bão lũ ở miền Trung năm ngoái, hàng ngàn tỉ đồng tiền ngân sách đã được chi qua các địa phương để mua sắm, chi tiêu ngay lập tức và không một chút đắn đo.

Khi việc mua sắm, do tính khẩn cấp của hoạt động phòng chống dịch, nên không được tiến hành theo quy trình thông thường, thì khả năng xảy ra khuất tất như bớt xén, nâng giá hay lãng phí là rất dễ xảy ra, như tình trạng nâng giá mua máy xét nghiệm PCR ở nhiều nơi hồi năm ngoái. Và lần này, người nêu lên mối lo ngại trên chính là Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 22-9-2021, Văn phòng Chính phủ đã gửi công điện truyền đạt ý kiến của Thủ tướng đến các địa phương, trong đó nhắc nhở ban chỉ đạo các cấp phải thực hiện việc mua sắm, sử dụng trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc… một cách khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí, lợi ích nhóm…

Không khó để nhận ra công điện này của Thủ tướng chủ yếu là để nhắc nhở, còn việc có tuân thủ hay không thì lại phụ thuộc ý thức cũng như từ tâm của những người có trách nhiệm ở cấp cơ sở.

Từ trước đến nay, mua sắm công luôn là miếng mồi béo bở của những cán bộ biến chất. Việc mua sắm thuốc men, trang thiết bị và vật tư y tế để phòng chống dịch chắc chắn là không ngoại lệ. Nhất là khi hoạt động mua sắm lại được thực hiện trong tình huống nước sôi lửa bỏng, với yêu cầu cấp bách và không theo các quy trình thông thường thì lại càng dễ vin vào cớ do tình hình cấp bách nên có sai sót để che giấu những khuất tất bên trong.

Mối lo này không phải là không có cơ sở khi mà 14 hiệp hội doanh nghiệp gần đây đã lên tiếng, kiến nghị Chính phủ đưa kít xét nghiệm virus SARS-CoV-2 vào diện bình ổn giá và cho phép tất cả các cơ sở y tế được bán kít xét nghiệm theo giá cạnh tranh. Phải chăng lý do dẫn đến kiến nghị này là cái gì đó bất thường, là có nhóm lợi ích nào đó đang “thừa nước đục thả câu” trên “sinh mạng” của các doanh nghiệp?

Nhưng căn bệnh nào cũng có phương thuốc để phòng ngừa và chữa trị. Với nạn tham nhũng và nhóm lợi ích thì phương thuốc đó chính là sự công khai. Trong trường hợp này, thay vì chỉ nhắc nhở, Chính phủ hãy yêu cầu các ban chỉ đạo ở cấp cơ sở phải “sao kê” toàn bộ các hợp đồng mua sắm, bao gồm mua sắm cái gì, mua của ai, số lượng và giá cả bao nhiêu để người dân soi hoặc “bóc phốt” (nếu có phốt), thì ắt sẽ ngăn ngừa được khuất tất.

Từ tháng 9 năm ngoái, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp trực thuộc bộ đăng tải kết quả đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Như vậy, cổng thông tin đã có, giờ chỉ cần Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương phải đăng toàn bộ kết quả mua sắm thuốc men, trang thiết bị và vật tư y tế phục vụ cho công tác phòng chống dịch lên Cổng này nữa mà thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới