Thứ bảy, 26/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thế chấp BĐS hình thành trong tương lai để vay vốn: người mừng, kẻ lo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thế chấp BĐS hình thành trong tương lai để vay vốn: người mừng, kẻ lo

Mạnh Tùng

Thế chấp BĐS hình thành trong tương lai để vay vốn: người mừng, kẻ lo
Thông tư liên tịch 01/2014 hướng dẫn thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai. Ảnh: Mạnh Tùng

(TBKTSG Online) - Thông tư liên tịch số 01/2014 của Ngân hàng Nhà nước và một số bộ, ngành có hiệu lực từ 16-6, hướng dẫn thủ tục thế chấp bất động sản (BĐS) hình thành trong tương lai theo quy định của Chính phủ, khiến các chủ đầu tư và ngân hàng vừa mừng, vừa lo.

Theo đó, thông tư này hướng dẫn thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai của tổ chức, cá nhân để vay vốn tại tổ chức tín dụng khi  mua nhà ở trong dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản theo quy định tại khoản 2, điều 61, Nghị định số 71 của Chính phủ.

Một số ngân hàng cho rằng tác động của thông tư này đối với hoạt động cho vay BĐS là không đáng kể.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), cho rằng trước khi thông tư này ra đời thì các ngân hàng cũng đã cho khách hàng vay vốn bằng việc thế chấp BĐS hình thành trong tương lai vì điều này đã được quy định trong các văn bản luật trước đó.

Tuy nhiên, thông tư này sẽ có tác dụng hướng dẫn chi tiết cho các ngân hàng cách tiến hành các thủ tục trên thay vì từ trước đến nay họ phải tự đưa ra quy trình này. Đồng thời, có thông tư này thì các ngân hàng sẽ thêm vững tin hơn khi cho khách hàng vay vốn theo hình thức này.

Ông Tùng khẳng định, đối với hình thức thế chấp BĐS hình thành trong tương lai, ngân hàng sẽ phải căn cứ vào kế hoạch đầu tư, kinh doanh cụ thể của các chủ dự án. Đồng thời, ngân hàng sẽ giải ngân đồng vốn tương ứng với các hạn mức hoàn thành của dự án.

“Nếu chủ đầu tư xây xong móng hay lên được lầu 1, lầu 2... thì ngân hàng sẽ được giải ngân vốn vay cho khách hàng theo tỷ lệ tương ứng”, ông Tùng nói.

Một phó Tổng giám đốc một ngân hàng tại TPHCM lại cho biết, ngân hàng này sẵn sàng cho khách hàng vay vốn theo quy định tại thông tư này nhưng vẫn có sự e ngại nhất định.

Do đó, việc thẩm định năng lực, uy tín, khả năng trả nợ của chủ đầu tư sẽ được các ngân hàng xem xét cẩn trọng hơn so với các lĩnh vực khác để tránh những rủi ro.

Trong khi đó, với thông tư này, một số nhà đầu tư BĐS tỏ ra hồ hởi vì cho rằng, đây là một tín hiệu tốt cho những năm tới.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), cho biết đây là một trong những đề xuất của HoREA với Chính phủ từ những năm trước đây. Theo ông Châu, thông tư này ra đời sẽ giúp khách hàng có thể tiếp cận nguồn vốn vay mua nhà dễ hơn. Ngoài ra, việc này cũng góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, cũng có không ít chủ đầu tư e ngại, liệu việc cho vay vốn theo hình thức trên có biến thành “cuộc chơi” của một nhóm ngân hàng và doanh nghiệp BĐS nào đó hay không.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới