(KTSG Online) – Không chỉ đóng cửa cửa hàng Signature hay cắt giảm chi phí đơn thuần, chuỗi cà phê The Coffee House đang muốn định hình lại mô hình bán lẻ của mình.
Tái cấu trúc chuỗi
Chuyện đóng các mặt bằng bán lẻ không còn là điều lạ trong bối cảnh làn sóng Covid-19 lần thứ tư, nhưng với cửa hàng nằm trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3, TPHCM) của chuỗi cà phê The Coffee House (TCH) thì dường như hàm ý còn nhiều hơn thế.
Ra mắt năm 2018, quán cà phê này được định nghĩa là “signature”, tức cửa hàng mang những gì đặc trưng nhất của một thương hiệu, do nhà sáng lập TCH Nguyễn Hải Ninh xây dựng. Nay nhà sáng lập đã rời khỏi TCH, quỹ đầu tư Seedcom năm ngoái tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu tại đây.
“Doanh thu không phải là điều quan tâm duy nhất của chúng tôi. TCH cắt giảm những thứ kém hiệu quả, chưa phù hợp để dồn nguồn lực cho các đổi mới. Trong ngắn hạn, sẽ có nhiều đau thương, nhưng dài hạn, chúng tôi sẽ có nguồn tăng trưởng mới cùng với sự trở lại của nguồn thu cũ”, tân CEO Lê Bá Nam Anh đưa ra bình luận.
Từ năm ngoái đến nay, TCH đã ở trong trạng thái tái cấu trúc chuỗi để tối đa hóa hiệu quả về mặt chi phí, nhưng đại dịch Covid-19 lần này lại đem đến một bài toán khác. Đại diện TCH cũng thẳng thắn chia sẻ, chuỗi 180 cửa hàng, hơn 2.500 nhân viên là lợi thế về số lượng ở thời điểm trước dịch, nhưng nay thì lại trở thành “khoản nợ”.
“Chúng tôi vẫn tiếp tục đàm phán với chủ cho thuê mặt bằng về hỗ trợ giá thuê, đề xuất ngân hàng giảm lãi suất, giãn nợ trong mùa dịch. Các cửa hàng hiện có sẽ phải thực hiện chuyển đổi mô hình, công năng để kiểm soát chi phí và phù hợp với các yêu cầu mới như ba tại chỗ, giao hàng online là chủ yếu”, ông Nam Anh cho biết.
Tính đến thời điểm hiện tại, TCH đã mở cửa hoạt động trở lại 40% số cửa hàng thuộc các tỉnh thành lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng,… Từ nay đến cuối năm, kế hoạch là sẽ mở lại toàn bộ số cửa hàng trên toàn quốc, nhưng đồng thời cũng sẽ thực hiện chuyển đổi mô hình phù hợp với tình hình dịch Covid-19.
Hướng đến mô hình mới
Đại dịch Covid-19 khiến kế hoạch ra mắt các sản phẩm mới trong tháng 6 của TCH phải dời lại đến cuối năm. "Kế hoạch mở mới cũng sẽ được thực hiện cẩn trọng và chọn lọc hơn, không mạnh mẽ được như xưa. Vì ngân sách dành cho hoạt động đầu tư đã phải dùng để duy trì hệ thống trong giai đoạn không tạo doanh thu vừa rồi”, ông Nam Anh nói.
Tuy nhiên, đại diện TCH cũng cho rằng thời điểm hiện nay là tín hiệu để ngành F&B nói chung phải dịch chuyển. Theo đó, mô hình giao hàng, bán mang đi, phục vụ tại nhà và văn phòng sẽ lên ngôi, kèm theo đó là sản phẩm, kênh bán và chuỗi cung ứng phù hợp với mô hình mới này.
Xét về xu hướng, lãnh đạo TCH quan sát thấy rằng khách hàng hiện nay đã quen trải nghiệm số hóa ở nhiều nền tảng khác nhau. TCH cũng đã đầu tư ứng dụng và hệ thống giao nhận hàng riêng để giữ kết nối với khách hàng khi họ không đến trực tiếp.
Tương tự, hành vi và thái độ mua hàng của khách hàng cũng có sự thay đổi. Lượng khách đặt mua trong giai đoạn giãn cách vừa qua gần như không có (do khách hàng không thể đặt hàng), nhưng lượng tương tác trên các nền tảng xã hội thì lại không giảm nhiều.
Sau khi mở cửa trở lại, đã phổ biến một hành vi khác là việc gom chung đơn hàng, đặt một lần giao nhiều loại, mua theo gói định kỳ và giảm đòi hỏi về thời gian giao hàng. “Nhưng các phản hồi không nhanh như đợt năm ngoái, vẫn còn quá sớm để có thể biết khách hàng có sẵn sàng cho việc trở lại cửa hàng hay không”, ông Nam Anh cho biết thêm.
Dự kiến cuối năm 2021, đơn vị này sẽ xây dựng thêm mô hình cửa hàng mới chuyên phục vụ mua mang đi (take away) và giao tận nơi ở TPHCM, đến gần các nơi sinh sống, làm việc, mua sắm của khách hàng. Kế hoạch mở rộng sẽ diễn ra vào năm 2022 trên cả nước.
Kế hoạch phát triển các chuỗi cà phê “take away” là không mới trong bối cảnh mà Masan bắt tay cùng Phúc Long phát triển các kiosk tại các cửa hàng Vinmart+, nhiều tập đoàn khác trước đó cũng đã lần lượt công bố kế hoạch mở rộng lĩnh vực chuỗi cà phê như Kido, Novagroup (mua lại PhinDeli) hay chuỗi cà phê Ông Bầu.