(KTSG Online) - New Zealand đã thực hiện thí điểm chương trình Global Impact Visa (GIV) từ năm 2017 nhằm thu hút những tài năng mang lại những ảnh hưởng tích cực và rộng lớn trên toàn cầu. Giờ đây, Nhật Bản và nhiều nền kinh tế khác đang xem chương trình thị thực làm việc này như một mô hình mới thu hút các nhà sáng tạo và doanh nhân.
Các sáng kiến như GIV này hoàn toàn khác biệt với chương trình đầu tư định cư hay đầu tư để có quốc tịch mà New Zealand, Úc cùng nhiều nước châu Âu và châu Mỹ đang thực hiện. Với đầu tư định cư, doanh nhân phải bỏ tiền từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đô la Mỹ để mua bất động sản, hay doanh nghiệp thuê mướn nhân công địa phương hay trái phiếu chính phủ. Trong khi đó, GIV thu hút chất xám từ những doanh nhân sáng tạo đến New Zealand để khởi nghiệp trong những lĩnh vực mà nước này đang cần mà không đòi hỏi từ họ những khoản vốn đầu tư lớn.
Chương trình thí điểm 5 năm
Mọi chuyện khởi đầu năm 2015 khi chính phủ New Zealand tìm cách biến lĩnh vực công nghệ trở thành nền tảng kinh tế, bên cạnh xuất khẩu nông sản và du lịch. Các nhà hoạch định chính sách đã đơn giản hóa thủ tục giấy tờ trong việc gây quỹ và khai thuế để thu hút “các doanh nhân, nhà đầu tư, người mang lại sự thay đổi và các nhóm khởi nghiệp mang lại những ảnh hưởng lớn trên toàn cầu” – theo trang web của cơ quan di trú Immigration New Zealand.
New Zealand đã giành được những thành tựu đáng kể và Ngân hàng Thế giới (WB) đã vinh danh hòn đảo nhỏ ở phía nam bán cầu là quốc gia hàng đầu về khởi nghiệp năm 2020. Các quan chức ngành công nghiệp và nhập cư đã hợp tác với nhau để kêu gọi giới doanh nhân quan tâm giải quyết các vấn nạn xã hội.
Trong chương trình thí điểm, Global Impact Visa thu hút các doanh nhân trong tám lĩnh vực, bao gồm nông nghiệp tái tạo, ngành công nghiệp vũ trụ, an sinh phúc lợi và giải quyết bất bình đẳng giáo dục. Thị thực ba năm được cấp cho tối đa 400 doanh nhân và nhà đầu tư vượt qua quá trình sàng lọc của vườn ươm doanh nghiệp Edmund Hillary Fellowship.
Để được cấp visa, ứng viên phải đáp ứng một số yêu cầu, chẳng hạn như chứng minh khả năng nói tiếng Anh thành thạo và cung cấp bằng chứng tiết kiệm 36.000 đô la New Zealand (23.475 đô la Mỹ). Khuôn khổ này dành cho các nhóm và những người có thị thực sẽ đủ điều kiện đăng ký thường trú nhân sau ba năm.
Người nhận thị thực có thể tham gia vào chương trình nghiên cứu sinh để được tư vấn, hợp tác đất đai với các tổ chức tài chính và trường đại học địa phương, đồng thời được trợ cấp tài chính để phát triển công nghệ.
Đến nay, hơn 150 người đã được cấp visa loại này. Trong đó có Yoshitomo Watanabe, CEO startup máy học Shiroyagi có trụ sở tại Tokyo và nhà đầu tư người Nhật Mamoru Taniya.
Watanabe chuyển đến New Zealand vào năm 2020 và hiện đang thực hiện một dự án nghiên cứu về việc sử dụng AI trong an toàn giao thông.
"Tôi có thể tập trung vào công việc của mình mà không phải lo lắng đủ thứ chuyện, đặc biệt là bảo hiểm y tế và phúc lợi xã hội. Tôi cảm thấy rằng chính phủ New Zealand quan tâm mạnh mẽ đến việc xây dựng các doanh nghiệp và sản phẩm đẳng cấp thế giới khi tôi đang trải qua quá trình sàng lọc hồ sơ”.
Chương trình thí điểm kết thúc trong năm nay và không nhận thêm đơn của các ứng viên mới. Chính phủ sau đó sẽ quyết định có chính thức áp dụng loại thị thực mới hay không.
GIV cho phép New Zealand tích lũy công nghệ và mạng lưới tài năng mà nước này không thể phát triển được trong khi vẫn tạo ra việc làm mới - đại diện của quỹ Edmund Hillary Fellowship cho biết. Vị này nói rằng: “Đó là một sự thúc đẩy chiến lược cho những ý tưởng có thể thay đổi xã hội”.
Tập trung đổi mới sáng tạo
New Zealand không đơn độc trong việc thu hút các tdoanh nhân triển vọng và tài năng toàn cầu. Khoảng 20 quốc gia, bao gồm cả ở châu Âu và Nam Mỹ, cung cấp loại visa tương tự.
Hiroki Oi đang làm việc tại chi nhánh Kyoto của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) nói rằng các quốc gia đã tập trung vào đổi mới sáng tạo và tác động đến thị trường toàn cầu hơn là chăm chăm vào quá trình sàng lọc kể từ năm 2017 khi nước Pháp nổi tiếng bảo thủ khởi động chương trình thị thực công nghệ dưới thời Tổng thống Emmanuel Macron. “Sẽ có một cuộc tranh giành các doanh nhân tài năng giữa các nước phát triển đang đối mặt với tỷ lệ sinh giảm”, Oi nói.
Sự thay đổi này đang diễn ra mạnh mẽ ở Mỹ và Trung Quốc, khi hai cường quốc kinh tế tranh giành vị thế thống trị về công nghệ. Hồi tháng 5 năm ngoái, Tổng thống Joe Biden đã khôi phục chương trình nhập cư cho các doanh nhân nước ngoài được xem là có tiềm năng tạo việc làm và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Hệ thống này về cơ bản đã bị đóng băng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Và khi tập trung vào việc bồi dưỡng nhân tài trong nước, Trung Quốc đã khởi động một chương trình thí điểm cấp thị thực doanh nhân ở các thành phố bao gồm Thượng Hải, và tiến tới mở cửa thị trường khởi nghiệp.
Khả năng thu hút nhân tài sáng tạo trong kinh doanh từ nước ngoài của Nhật Bản đang gặp trở ngại bởi tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” của các bộ ngành ở Nhật Bản. Bên cạnh đó là thiếu vắng sự hỗ trợ để các doanh nghiệp khởi nghiệp mới thành công. Trong khi chính phủ tìm cách hồi sinh thị trường khởi nghiệp, có rất ít dấu hiệu cho thấy nhà chức trách giữ lập trường nhất quán và chủ động trong vấn đề này - Nikkei Asia nhận định.
Nhật Bản có ba chương trình thị thực khác nhau dành cho doanh nhân: một chương trình liên quan đến chính quyền địa phương do Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại (MEIT) quản lý, một thuộc Văn phòng Nội các giới hạn ở một số "đặc khu chiến lược", và cuối cùng là chương trình của Cơ quan Dịch vụ nhập cư dành riêng cho sinh viên nước ngoài.
Mỗi bộ hay cơ quan có những yêu cầu khác nhau và tất cả các chi tiết đều nằm trên các trang web riêng biệt mà không có liên kết với nhau, khiến người nộp đơn khó có thể hiểu được toàn cảnh. Ngoài ra, nhiều chính quyền địa phương đã không đưa ra các tiêu chuẩn sàng lọc rõ ràng.
Cả ba chương trình trên đều không cấp thị thực cho phép lưu trú lâu hơn một năm. Khi hết hạn, người nhận phải chuyển đổi sang thị thực quản lý doanh nghiệp, yêu cầu phải có nhân viên và 5 triệu yen (40.000 đô la Mỹ) tiền vốn.
Thủ tướng Fumio Kishida đã chỉ định năm 2022 là "năm đầu tiên" đối với chương trình khởi nghiệp của đất nước, nỗ lực thúc đẩy hình thức chủ nghĩa tư bản mới. Một chiến lược rõ ràng để thu hút nhân tài nhằm tạo ra các công ty khởi nghiệp cạnh tranh toàn cầu, kể cả từ nước ngoài, sẽ rất quan trọng đối với chiến dịch của Thủ tướng Kishida.
Nhiều nước khác đều có chương trình thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp thành công. Pháp, Canada và Singapore yêu cầu người nộp đơn phải đảm bảo có sự hỗ trợ từ một tổ chức khu vực tư nhân địa phương, chẳng hạn như quỹ đầu tư mạo hiểm. Chile hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp đã được phê duyệt, đồng thời ngăn chặn “làn sóng nộp đơn” bằng cách để các đối tác khu vực tư nhân xem xét tính khả thi của các dự án mà doanh nhân nước ngoài nộp.