Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thế giới chuyển sang ăn tôm nhỏ, tôm lớn bị… ‘thất sủng’!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thế giới chuyển sang ăn tôm nhỏ, tôm lớn bị… ‘thất sủng’!

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Thị trường nhập khẩu tôm đang dịch chuyển mạnh sang tiêu thụ các loại có kích cỡ nhỏ, thay vì là tôm cỡ lớn như trước đây. Điều này, khiến việc tiêu thụ tôm cỡ lớn ở trong nước đang rất khó khăn, thậm chí giá bán còn thấp hơn cả tôm nhỏ.

Ngành tôm Việt Nam có cơ hội bứt phá hậu đại dịch

Thế giới chuyển sang ăn tôm nhỏ, tôm lớn bị... ‘thất sủng’!
Thế giới đang chuyển sang ăn tôm nhỏ khiến tôm lớn trong nước tiêu thụ khó khăn. Trong ảnh là nhân công chế biến tôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh

Hiện nay, chưa có những dữ liệu thống kê chính thức nào được công bố về sự dịch chuyển trong tiêu thụ tôm của thị trường nhập khẩu. Thế nhưng, thông tin từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cho biết, thị trường đang dịch chuyển sang tiêu thụ mạnh các loại tôm có kích cỡ (size) nhỏ, thay vì là tôm cỡ lớn.

Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn thủy sản Việt Úc cho biết, hiện nguồn tôm “size” nhỏ, khoảng 50-60 con/kg đang thiếu hụt. Bởi lẽ, khi tình hình dịch bệnh bùng phát ở nhiều quốc gia trên thế giới (đầu tiên là ở Trung Quốc), thì hoạt động sản xuất ở trong nước cũng sụt giảm vì cho rằng thị trường hạn chế tiêu thụ tôm.

Thế nhưng, trên thực tế, người tiêu dùng chỉ không ăn tôm cỡ lớn vì các dịch vụ như nhà hàng, khách sạn ngưng hoạt động. “Nhưng, ngược lại họ cần tôm nhỏ”, ông Tuấn nói và cho biết nguồn cung tôm nhỏ đang thiếu hụt.

Theo ông Tuấn, Tập đoàn Việt Úc đang lên kế hoạch thả nuôi tôm ở khu nông nghiệp công nghệ cao của đơn vị này ở tỉnh Bạc Liêu để đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu thời gian sắp tới.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn thủy sản Minh Phú với tư cách là đơn vị chế biến và cũng là người liên hệ trực tiếp với thị trường tiêu thụ cho biết, thị trường đang có nhu cầu tiêu thụ tôm kích cỡ nhỏ, từ 60-150 con/kg, nhất là với thị trường Liên minh châu Âu (EU).

Theo ông Quang, các hệ thống bán lẻ lớn như Walmart tiêu thụ rất lớn nguồn tôm cỡ nhỏ, trong khi hệ thống nhà hàng là nơi tiêu thụ tôm cỡ lớn lại ngưng hoạt động. “Năm nay, do Covid-19 cho nên hệ thống nhà hàng gần như đóng cửa hết, không có nhu cầu tiêu thụ nữa”, ông Quang giải thích.

Việc tiêu thụ tôm cỡ lớn gặp khó, theo ông Quang, dẫn đến tôm 30-35 con/kg (tôm lớn) hiện có giá ngang bằng tôm cỡ nhỏ hơn (40 con/kg), thậm chí có lúc giá tôm lớn 30-35 con/kg thấp hơn cả tôm nhỏ 40-50 con/kg. “Nhưng, nhiều khi doanh nghiệp còn không muốn mua nữa”, ông nói.

Trong bối cảnh tôm cỡ lớn tiêu thụ khó khăn, ông Tuấn của Việt Úc cho rằng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp chế biến để thực hiện thu mua tôm cỡ lớn nhằm phục vụ cho tiêu thụ khi thị trường ổn định trở lại, dự báo trong 3-6 tháng tới.

Trong khi đó, ông Quang của Minh Phú cho biết, để đáp ứng sự thay đổi trong tiêu dùng của thị trường, tôm nuôi của đơn vị này được thực hiện thu tỉa 3 lần/vụ nuôi. “Chúng tôi đang thử nghiệm thu tỉa 5, 7, thậm chí 9 lần/vụ khi kích cỡ tôm đạt theo nhu cầu thị trường”, ông cho biết và nói rằng đây là vấn đề cần phải thông báo cho người dân nuôi tôm hiểu nhằm nuôi nuôi có hiệu quả và tiêu thụ tốt.

Liên quan đến việc tiêu thụ tôm, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu ngành tôm năm 2020 sẽ đạt 3,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 300 triệu đô la so với con số dự báo được đưa ra hồi tháng 3-2020.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới