Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thế giới có thể đối mặt hậu quả tài chính vì lãi suất cao kéo dài

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, thế giới sẽ đối mặt với hậu quả tài chính lớn vì các nền kinh tế phát triển có thể duy trì lãi suất cao trong thời gian dài để chống lạm phát dai dẳng.

IMF dự báo lạm phát ở các nền kinh tế phát triển kéo dài dai dẳng, buộc các ngân hàng trung ương phải duy trì mức lãi suất cao trong thời gian dài

IMF lưu ý, lạm phát giá cả hàng hóa đã hạ nhiệt nhưng lạm phát giá dịch vụ và tiền lương đang nổi lên là mối lo ngại lớn đối với các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở các nước giàu.

Duy trì dự báo kinh tế toàn cầu năm 2024 tăng trưởng 3,2%

Báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế thế giới của IMF, công bố hôm 17-7, giữ nguyên dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 3,2% trong năm 2024. Tuy nhiên, tổ chức này nâng dự báo tăng trưởng toàn lên 3,3% vào năm tới, cao hơn mức dự báo 3,2% đưa ra hồi tháng Tư.

IMF ghi nhận, tăng trưởng ở các nền kinh tế phát triển đã đồng bộ hơn. Kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu hạ nhiệt, đặc biệt là thị trường lao động. Theo IMF, nền kinh tế lớn nhất thế giới dự kiến tăng trưởng 2,6% trong năm 2024, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với mức dự báo trong báo cáo trước đây của IMF. Trong khi đó, tăng trưởng của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) sẽ cải thiện sau khi gần như đứng im hồi năm ngoái. Tăng trưởng của khu vực này dự kiến đạt 0,9% trong năm nay, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng Tư.

Báo cáo của IMF cho biết, các nền kinh tế mới nổi của châu Á vẫn là động lực tăng trưởng chính cho kinh tế toàn cầu. Tổ chức này nâng dự báo tăng trưởng của Ấn Độ và Trung Quốc lên lần lượt 7% và 5% trong năm 2024.

Dù vậy, báo cáo đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu trong 5 năm tới vẫn ảm đạm, chủ yếu vì xung lực tăng trưởng suy yếu dần ở khu vực châu Á mới nổi. Đến năm 2029, tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến chỉ đạt 3,3%.

Hồi tháng Tư, IMF dự báo lạm phát toàn cầu sẽ chậm lại còn 5,9% trong năm 2024 từ 6,7% vào năm ngoái. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của IMF lưu ý ở một số nền kinh tế phát triển, đặc biệt là Mỹ, tiến bộ về lạm phát đang đình trệ và vẫn có nguy cơ giá cả tăng trở lại.

Tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, khu vực kinh tế phát triển và khu vực kinh tế mới nổi và đang phát triển trong năm 2023 (ước tính), 2024 và 2025 (dự báo). Ảnh: imf.org

Lạm phát dự kiến kéo dài vì giá dịch vụ và tiền lương tăng

Báo cáo của IMF chỉ ra hai rủi ro đáng chú ý trong ngắn hạn đối với kinh tế toàn cầu.

Đầu tiên, những thách thức tiếp theo trong chặng cuối của cuộc chiến chống lạm phát ở các nền kinh tế phát triển có thể buộc các ngân hàng trung ương, bao gồm cả Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn nữa. Điều đó sẽ khiến tăng trưởng của toàn cầu gặp rủi ro. Lãi suất cao dẫn tới áp lực tăng giá đối với đồng đô la Mỹ, gây tác động tiêu cực đến các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Theo IMF, điều tích cực là khi các cú sốc giá cả giảm dần, lạm phát toàn cầu suy yếu mà không dẫn đến suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, tin xấu là lạm phát tổng thể của nhiều nước vẫn còn tương đối cao, dù giá cả thực phẩm và năng lượng đã quay về sát mức của trước đại địch Covid-19.

Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của IMF giải thích, giá cả hàng hóa ở nhiều nước vẫn còn mức cao so với dịch vụ. Điều này làm tăng nhu cầu dịch vụ, nói rộng hơn là tăng nhu cầu lao động trong ngành dịch vụ. Từ đó, gây áp lực lên giá dịch vụ và tiền lương.

Thực tế, giá dịch vụ và lạm phát tiền lương là hai vấn đề được các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đặc biệt chú ý nhiều hơn khi họ nỗ lực kiểm soát lạm phát trong giai đoạn cuối. Tuy nhiên, tiền lương thực tế ở nhiều nước đã  phục hồi về mức trước đại dịch.

“Trừ khi giá cả hàng hóa giảm hơn nữa, đà tăng của giá dịch vụ và tiền lương có thể khiến lạm phát tổng thể cao hơn mức mong muốn”, Pierre-Olivier Gourinchas nói và lưu ý thêm, đây là một rủi ro đáng kể đối với kịch bản “hạ cánh mềm” của kinh tế toàn cầu.

IMF cảnh báo, lạm phát dai dẳng sẽ buộc các nền kinh tế duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn, làm tăng rủi ro về hậu quả tài chính lớn trên toàn cầu.

Rủi ro lớn nhất là lãi suất cao của Mỹ làm gián đoạn dòng vốn và cản trở việc nới lỏng chính sách tiền tệ theo kế hoạch của các nước khác, có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng. Tệ hơn nữa, lãi suất cao liên tục có thể làm tăng chi phí vay, ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính của các chính phủ.

Tài khóa suy yếu có thể gây bất ổn kinh tế toàn cầu

Các thách thức tài khóa bao gồm nợ công tăng cao đang đe dọa sự ổn kinh tế kinh tế toàn cầu . Sự suy yếu về tài chính công khiến nhiều nước dễ bị tổn thương hơn so với dự đoán trước đại dịch. Việc xây dựng lại vùng đệm tài khóa dần dần và đáng tin cậy là một ưu tiên quan trọng. Theo IMF, điều này cho phép giải phóng nguồn lực để giải quyết các nhu cầu chi tiêu mới nổi như bảo vệ khí hậu hoặc an ninh quốc gia và năng lượng.

Vùng đệm tài khóa mạnh mẽ hơn cũng sẽ cung cấp nguồn lực tài chính cần thiết để giải quyết những cú sốc bất ngờ. Nhưng theo IMF, các nước vẫn chưa đạt được nhiều tiến bộ trong vấn đề này.

Nỗ lực củng cố tài khóa dự kiến vẫn không đầy đủ ở nhiều nước. Điều đáng lo ngại là Mỹ vẫn duy trì lập trường nới lỏng tài khóa, khiến tỷ lệ nợ công trên GDP của nước này liên tục tăng, gây rủi ro cho cả nền kinh tế trong nước và toàn cầu. Theo IMF, nợ cao hơn, tăng trưởng chậm hơn và thâm hụt tài khóa lớn hơn, nhiều nước sẽ sớm chứng kiến tỷ lệ nợ công trên GDP tăng lên các mức bất ổn, dẫn đến rủi ro cho sự ổn định tài chính.

Ngoài ra, xu hướng thế giới rời xa hệ thống thương mại đa phương là mối lo ngại khác. Nhiều nước đang đơn phương áp đặt thuế quan nhập khẩu hoặc các biện pháp bảo hộ công nghiệp, có thể trái với các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Xu hướng này có nguy cơ làm méo mó thương mại và phân bổ nguồn lực, thúc đẩy sự trả đũa, làm suy yếu tăng trưởng. Ngoài ra, việc điều phối các chính sách nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, cũng sẽ trở nên khó khăn hơn.

IMF cảnh báo, căng thẳng thương mại gia tăng “có thể làm tăng thêm rủi ro lạm phát trong ngắn hạn do chi phí hàng hóa nhập khẩu tăng”.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) những tháng gần đây đã tăng thuế đối với ô tô điện sản xuất tại Trung Quốc. Mỹ cũng đã tăng thuế đối với một loạt sản phẩm khác từ Trung Quốc như thép, pin, thiết bị bán dẫn, các khoáng sản quan trọng.

Theo Imf.org, Abc.net.au

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới