Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thế giới còn bất ổn khi Covid-19 chưa có dấu hiệu đạt đỉnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thế giới còn bất ổn khi Covid-19 chưa có dấu hiệu đạt đỉnh

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Hôm 21-6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận có thêm 183.020 ca nhiễm Covid-19 trong vòng 24 giờ trên toàn cầu, mức cao kỷ lục trong đại dịch Covid-19.

Câu hỏi ngày qua ngày: Bao giờ đại dịch mới kết thúc?

Thế giới còn bất ổn khi Covid-19 chưa có dấu hiệu đạt đỉnh
Cảnh sát kiểm tra giấy tờ thông hành của người đi đường sau khi lệnh phong tỏa được tái áp đặt ở TP. Chennai, Ấn Độ. Hôm qua, Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới hàng ngày tăng lên mức kỷ lục hơn 15.400 ca. Ảnh: Getty

Đại dịch Covid-19 đã kéo dài 6 tháng và tin tốt là nhiều nước đã nới lỏng lệnh phong tỏa, cho phép người dân dần quay trở lại nhịp sống thường ngày, giúp hồi phục kinh tế. Tuy nhiên tin xấu là dịch bệnh chưa có dấu hiệu đạt đỉnh khi số ca nhiễm Covid-19 đang tăng vọt.

Diễn biến của dịch Covid-19 cho thấy thế giới vẫn đối mặt với một tương lai bất ổn.

Số ca nhiễm mới tăng nhanh ở nhiều nước

WHO cho biết hôm qua, có thêm 183.020 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng ca nhiễm trên toàn cầu lên 8.708.008 ca, gồm 461.715 ca tử vong.

Trong số ca nhiễm mới, Brazil dẫn đầu với 54.771 ca, kế đến  là Mỹ với 36.617 ca và Ấn Độ với hơn 15.400 ca.

WHO lưu ý trong 2 tháng đầu tiên của dịch Covid-19, chỉ xuất hiện 85.000 ca nhiễm nhưng trong 2 tháng vừa qua, số ca nhiễm là 6 triệu.

Tây Ban Nha vừa chấm dứt tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng, cho phép 47 triệu người dân tự do di chuyển khắp đất nước. Nước này cũng bỏ quy định bắt buộc cách ly 14 ngày đối với du khách từ Anh và 26 nước châu Âu khác nằm trong diện được miễn thị thực nhập cảnh vào Tây Ban Nha.

Tuy vậy, Thủ tướng Tây Ban Nha, Pedro Sánchez, kêu gọi người dân phải thận trọng cao độ. Ông nói: “Covid-19 có thể quay trở lại và có thể tác động đến chúng ta một lần nữa trong làn sống lây nhiễm thứ hai. Chúng ta phải làm bất cứ điều gì chúng ta có thể tránh”.

Tại cuộc gặp gỡ cử tri ở Tulsa, bang Oklahoma hôm 20-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Mỹ đã xét nghiệm 25 triệu người dân nhưng tin xấu là càng mở rộng xét nghiệm, càng phát hiện thêm nhiều ca nhiễm.

Ông nói: “Khi bạn xét nghiệm ở quy mô lớn như vậy, bạn sẽ phát hiện thêm nhiều ca nhiễm. Nên tôi nói với người của tôi là: Làm ơn xét nghiệm chậm lại”.

Sau đó, cố vấn thương mại Nhà Trắng, Peter Navarro, nói rằng tổng thống chỉ nói đùa.

Số ca nhiễm mới không chỉ tăng nhanh ở Mỹ mà còn ở Brazil, Nam Phi và nhiều nước khác, đặc biệt là ở khu vực Mỹ-Latin.

Hôm qua, Nam Phi ghi nhận số ca nhiễm trong một ngày là gần 5.000 ca, cao nhất từ trước đến nay. Dù số ca nhiễm tăng, Tổng thống Nam Phi, Cyril Ramaphosa, vẫn thông báo nới lỏng thêm lệnh phong tỏa, cho phép các sòng bài, nhà hàng và thẩm mỹ viện tái mở cửa.

Tại châu Á, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận thêm ca nhiễm mới ở các ổ dịch mới bùng lên trong thời gian gần đây, đe dọa đẩy lùi tiến trình hồi phục kinh tế của họ.

Hôm qua, Trung Quốc có thêm 25 ca nhiễm mới, gồm 22 ca ở Bắc Kinh, nơi phát hiện ổ dịch mới ở chợ Tân Phát Địa hôm 11-6, khiến nhà chức trách cấm 20 triệu người dân rời khỏi thành phố này nếu không có giấy xét nghiệm có kết quả âm tính.

Hôm 21-6, Hàn Quốc ghi nhận 48 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 12.421 ca. Tuy vậy, giới chức Hàn Quốc không muốn siết chặt các quy định giãn cách xã hội trở lại để tránh gây tổn thương thêm cho nền kinh tế.

Chưa chắc chắn dịch đã đạt đỉnh

WHO cho biết tính đến hôm qua, tổng ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu là 8.708.008 ca, gồm 461.715 ca tử vong. Ảnh: who.int

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, các nhà dịch tễ học và các chuyên gia kiểm soát dịch bệnh cho biết họ không chắc liệu dịch Covid-19 đã đạt đỉnh hay chưa, hay liệu có xuất hiện làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai hay không?

John Mathews, giáo sư giảng dạy ở Trường Dân số và Sức khỏe toàn cầu thuộc Đại học Melbourne (Úc), nói: “Trong 6 tháng tới, chúng ta có thể chứng kiến số ca nhiễm tăng thêm ngang bằng với con số trong 6 tháng qua hoặc trong trường hợp nghiệm trọng, có thể còn tăng cao hơn”.

Ông cho rằng diễn biến dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tới tùy thuộc vào phản ứng của người dân và các chính phủ.

Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm ở Đại học Minnesota (Mỹ),  lưu ý mọi người cần nhận ra rằng, dịch Covid-19 chỉ mới ở các giai đoạn đầu và còn rất lâu mới có thể đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng (60-70% dân số toàn cầu được miễn dịch sau khi bị nhiễm bệnh hoặc được tiêm vắc-xin) để giúp chặn đứng đà lây lan của dịch bệnh Covid-19.

Ông cảnh báo: “Thế giới cần thức tỉnh và hiểu rằng các đại dịch trước đây thường kéo dài nhiều năm để hoàn tất chu kỳ của chúng”.

Thời gian có vắc-xin phòng dịch Covid-19 vẫn chưa rõ lúc nào, trong khi đó, các cuộc xét nghiệm kháng thể virus SARS-CoV-2 ngay cả ở những vùng bị dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề nhất cho thấy ngưỡng miễn dịch cộng đồng vẫn còn xa vời.

Tuy vậy, khắp nơi trên thế giới, các lệnh phong tỏa và các biện pháp giãn cách xã hội đã được nới lỏng.

“Một số quyết định tái mở cửa là chỉ hoàn toàn vì mục đích kinh tế và điều này tác động đến sức khỏe của người dân”, Hannah Clapham, Phó giáo sư ở Trường Y tế cộng đồng Saw Swee Hock thuộc Đại học quốc gia Singapore, nói.

Bà cảnh báo các nỗ lực  tái mở cửa kinh tế có thể dẫn đến số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng thêm, do đó, cần phải xem xét thận trọng.

Bắc Kinh là một minh chứng. Thành phố này không xuất hiện ca nhiễm mới nào trong cộng đồng trong suốt 55 ngày và đã nới lỏng các đi lại, quy định cách ly, tái mở cửa trường học. Nhưng tình hình đảo ngược hôm 11-6, khi một ca nhiễm xuất hiện tại chợ Tân Phát Địa và con số này nhanh chóng tăng lên 158 ca chỉ trong một tuần.

Trung Quốc không phải là trường hợp duy nhất chứng kiến ổ dịch mới bùng lên sau khi tưởng chừng như đã khống chế được dịch bệnh.

Tại Ý, số ca nhiễm giảm mạnh khi dịch Covid-19 được kiểm soát nhưng gần đây, 2 ổ dịch mới bùng lên ở TP. Rome, khiến hàng trăm người bị lây nhiễm

Marion Koopmans, chủ nhiệm Khoa Khoa học nghiên cứu virus ở Trung tâm Y khoa – Đại học Erasmus ở Rotterdam (Hà Lan) cho rằng, các nước nên lường trước nguy cơ các đợt bùng phát dịch tái diễn như ở Bắc Kinh.

Tuần trước, trong bài viết đăng trên tạp chí Nature Medicine, các quan chức của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, cảnh báo châu Phi có thể trở thành tâm dịch Covid-19 tiếp theo.

Họ cho rằng các yếu tố rủi ro ở châu Phi bao gồm các hệ thống chăm sóc y tế yếu kém, thiếu thốn nhân lực y tế trầm trọng, mật độ dân cư đông đúc ở các khu vực đô thị. Dù vậy, một số nước châu Phi bắt đầu dỡ bỏ các lệnh phong tỏa vì lo ngại các tác động kinh tế và xã hội giữa lúc số ca nhiễm vẫn đang tăng mạnh.

Theo AP, South China Morning Post

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới