Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thế giới đang đương đầu với khủng hoảng ‘người tị nạn khí hậu’

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các hiện tượng thời tiết cực đoan có liên quan đến tình trạng nóng lên toàn cầu mỗi năm đã làm hàng chục triệu người phải bỏ nhà ra đi, tha phương cầu thực. Hiện số người tị nạn khí hậu đã nhiều gấp ba số người buộc phải rời khỏi quê hương do xung đột vũ trang.

Biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến đời sống và phát triển mọi quốc gia và từng con người. Năm ngoái, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo rằng sẽ có tới 216 triệu người có thể trở thành người tị nạn khí hậu vào năm 2050, bao gồm 86 triệu người ở châu Phi cận Sahara, 49 triệu người ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và 40 triệu ở Nam Á.

Số người phải rời bỏ quê hương do thiên tai vào năm 2050 tính theo khu vực. Nguồn: Ngân hàng Thế giới

Thảm họa thiên nhiên ngày càng nhiều

Liên hiệp quốc định nghĩa người tị nạn thường là những ai buộc phải rời khỏi nhà cửa do chiến tranh hay đàn áp chính trị. Nhưng thực tế, con số những người tị nạn khí hậu do thiên tai hay biến đổi khí hậu còn lớn hơn rất nhiều. Theo Trung tâm Giám sát dịch chuyển nội bộ, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Geneva, trong năm 2020 có 30,7 triệu người trở thành người tị nạn khí hậu, gấp ba lần so với con số bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang và bạo lực.

Yếu tố lớn nhất của đợt gia tăng người tị nạn khí hậu là số vụ thảm họa thiên nhiên ngày càng gia tăng. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), thập niên 2010 đã chứng kiến ​​hơn 3.000 trận lũ lụt, hạn hán và các thảm họa khác, tăng từ con số 711 vào những năm 1970

Sự kết hợp giữ các yếu tố theo mùa và tình trạng nóng lên của Trái đất đã dẫn đến sự gia tăng các thảm họa lớn. Tại dãy Himalaya, miền bắc Ấn Độ, tuyết lở và lũ lụt do các sông băng tan chảy ra đã làm thiệt mạng rất nhiều người trong năm 2021. Tại thành phố Durban của Nam Phi và các khu vực lân cận, hơn 13.000 gia đình đã mất nhà cửa vì lũ lụt và lở đất do những trận mưa lớn kỷ lục từ hôm 11-4.

"Đất nước này trải qua lũ lụt theo chu kỳ, nhưng cường độ và tần suất là những hiện tượng mới", Nhial Tiitmamer, nhân viên phụ trách môi trường cấp cao của Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) nói với Nikkei Asia sau khi chứng kiến hậu quả của lũ lụt ở vùng Old Fanggak, phía bắc Nam Sudan.

Bãi đáp trực thăng mà các quan chức UNHCR sử dụng đã bị nhấn chìm từ năm 2019. Nhiều người dân trong khu vực đã mất nhà cửa, trang trại và gia súc, buộc phải chuyển đi nơi khác để tìm kiếm thực phẩm.

Hơn 800.000 người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt xảy ra ở miền bắc Nam Sudan trong năm ngoái, và một nửa trong số đó trở thành người tị nạn bản địa. Người dân của khu vực nghèo khó nhất của Nam Sudan đang phải đối mặt với xung đột dân sự chồng chất lên các tác hại của thiên tai.

Các biện pháp ứng phó

Ở tây nam Bangladesh, nơi thường xuyên xảy ra các đợt triều cường và thiếu hụt thực phẩm do lốc xoáy, hàng chục nghìn người đã chuyển chỗ ở đến thành phố cảng Mongla trong 10 năm qua. Chính quyền đã mở rộng thành phố thêm 1/4 diện tích, xây dựng các bờ kè và hệ thống thoát nước để bảo vệ khu vực này khỏi các đợt tấn công của thiên tai. Người di cư vì thế có thể có nơi ở an toàn, tìm được việc làm.

Nhưng chỉ một vài nước đang phát triển đã thực hiện các biện pháp ứng phó hiệu quả trước các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

“Các nước đang phát triển xem ngăn ngừa thiên tai là ưu tiên thấp bởi họ phải đối phó với nhiều vấn đề khác nhau có thể xảy ra, chẳng hạn thiếu thực phẩm và xung đột vũ trang. Các nước phát triển có thể làm được rất nhiều điều để giúp đỡ”, bà Mami Mizutori, đại diện đặc biệt của Tổng thư ký António Guterres về giảm thiểu rủi ro thiên tai tại Văn phòng Rủi ro thiên tai trực thuộc Liên hiệp quốc.

Các nhà lãnh đạo đã thức tỉnh và nhận ra cuộc khủng hoảng tị nạn mới. Trong báo cáo hồi tháng 1, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) nhấn mạnh sự cần thiết của khuôn khổ quốc tế mới để người tị nạn do biến đổi khí hậu. Trước đó, năm 2018 Liên hiệp quốc đã thông qua một tài liệu kêu gọi các quốc gia thành viên tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái định cư xuyên biên giới dành cho các nạn nhân của biến đổi khí đổi bằng việc cấp visa và các hỗ trợ thiết yếu khác.

Nhưng thực tế thì các rào cản vẫn tồn tại. Công ước về người tị nạn của Liên hiệp quốc cung cấp sự bảo vệ cho những người chạy trốn khỏi cuộc đàn áp và các vi phạm nhân quyền khác. Nhưng người tị nạn khí hậu không là đối tượng được quan tâm. Các nước giàu có cũng miễn cưỡng chấp nhận những người tị nạn như vậy vì e ngại dòng người nhập cư từ các nước nghèo sẽ cuồn cuộn đổ về.

WMO ước tính thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra lên tới 1.400 tỉ đô la trong giai đoạn 2010-2019, tăng gấp 8 lần trong vòng 40 năm qua. Đằng sau những con số tổn thất nặng nề như vậy là hàng triệu người mất nhà cửa, công ăn việc làm và các tiện nghi sinh hoạt.

Người tị nạn khí hậu không chỉ là vấn đề của các quốc gia và khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp. Bởi thiên tai không phân biệt quốc gia và biên giới. Các chuyên gia cho rằng cộng đồng quốc tế nên cùng nhau nỗ lực để cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và tìm nơi cư trú cho những người phải di dời.

“Các quốc gia cần hợp tác trong việc cải thiện dự báo thiên tai, phát triển cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu và giáo dục về phòng chống thiên tai”, đặc sứ Mizutori phát biểu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới