Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thế giới dư thừa rượu vang, nông dân Pháp, Úc đua nhau chặt bỏ vườn nho

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nông dân ở Pháp và Úc đang chặt bỏ các vườn nho do không còn đạt hiệu quả kinh tế trong bối cảnh nguồn cung rượu vang dư thừa trên toàn cầu, khiến giá giảm.

Nông dân sử dụng máy xúc để phá bỏ một vườn nho ở thị trấn Griffith, bang New South Wales, Úc. Ảnh: Reuters

Nông dân Úc phá bỏ vườn nho vì thua lỗ

Năm ngoái, Tony Townsend, một nông dân trồng nho ở vùng Riverland, miền nam nước Úc, chặt bỏ một nửa vườn nho có diện tích 14 hecta. Các cánh đồng nho của Townsend vẫn tươi tốt nhưng Townsend ước tính ông sẽ thua lỗ 35.000 đô la Úc (23.000 đô la Mỹ) nếu thu hoạch chúng. Thời tiết nắng nóng cản trở ông chặt bỏ nửa vườn nho còn lại. Nhưng Townsend dự định, khi thời tiết dịu, ông sẽ chặt hết những cây nho mà ông đã dày công chăm sóc trong 10 năm qua.

“Tôi rất thích kinh doanh trong ngành rượu vang, nhưng việc tiếp tục trồng nho theo cách hiện tại sẽ không khả thi về mặt kinh tế”, Townsend chia sẻ.

Riverland chiếm khoảng 1/3 sản lượng nước nho ép của cả nước. Kể từ năm 2020, sự kết hợp của chi phí sản xuất tăng do tác động của đại dịch Covid-19 và mức thuế trừng phạt của Trung Quốc nhằm vào rượu vang của Úc khiến nguồn cung loại rượu này ở trong nước tăng mạnh, trong khi giá giảm.

“Rất nhiều người không nhìn thấy tương lai trong ngành rượu vang”, Lyndall Rowe, CEO của Riverland Wine, tổ chức đại diện cho những người trồng nho và sản xuất rượu vang ở vùng Riverland, nói.

Không chỉ Townsend, nhiều nông dân khác ở các vùng trồng nho của Úc cũng đang chặt bỏ vườn nho của họ. Hàng triệu cây nho đã bị chặt bỏ ở Úc nhưng hàng chục triệu cây nho khác cần chặt bỏ thêm để kiểm soát tình trạng sản xuất quá mức khiến giá nước nho ép sụt giảm, đe dọa sinh kế của người trồng nho và nhà sản xuất rượu vang.

Ở những khu vực như Griffith thuộc bang New South Wales, giá nho giảm xuống mức trung bình 304 đô la Úc (200 đô la Mỹ)/tấn vào năm ngoái. Đây là mức thấp nhất trong nhiều thập niên và giảm từ 659 đô la Úc/kg vào năm 2020.

Vật lộn với tình trạng dư thừa rượu vang

Nông dân trồng nho và sản xuất rượu vang ở nhiều nơi trên thế giới cũng đang đối mặt với thách thức tương tự. Dù sản lượng rượu vang toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong 60 năm vào năm 2023, tình trạng dư thừa vẫn tiếp diễn. Điều này chỉ ra rằng nhu cầu thậm chí còn giảm nhanh hơn.

Theo dữ liệu của Tổ chức Rượu vang và nho quốc tế (IOVW), mức tăng trưởng tiêu thụ toàn cầu tụt hậu so với sản lượng rượu vang ít nhất kể từ năm 1995. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn, ngành công nghiệp rượu vang có dấu hiệu đạt đỉnh giữa lúc thói quen uống rượu của người tiêu đang thay đổi và các điều kiện kinh tế mờ nhạt kéo dài.

Chile, Pháp và Mỹ nằm trong số những nhà sản xuất rượu vang lớn khác cũng đang vật lộn với tình trạng dư cung. Ngành rượu nho của California ở Mỹ cũng đang trải qua “một trong những tình trạng mất cân bằng cung và cầu tồi tệ nhất trong 30 năm qua”, theo Stuart Spencer, lãnh đạo của một hiệp hội sản xuất rượu vang ở Central Valley, khu thung lũng rộng lớn ở trung tâm bang California.

Tại Úc, sản lượng rượu vang trong niên vụ 2022-2023 rơi xuống mức thấp nhất trong 15 năm, theo báo cáo của Wine Australia, cơ quan quản lý ngành rượu vang của Úc. Dù vậy, ngành này vẫn tiếp tục phải vật lộn với mức tồn kho cao kỷ lục.

Các số liệu gần đây nhất cho thấy, vào giữa năm 2023, Úc, nhà xuất khẩu rượu vang lớn thứ 5 thế giới còn tồn kho hơn 2 tỉ lít, tương đương sản lượng khoảng hai năm. Một số rượu vang tồn kho đang bị hư hỏng, khiến các chủ sở hữu vội vàng bán tháo với bất cứ giá nào.

Ngoài tác động của đại dịch Covid, người trồng nho ở Úc còn chịu sức ép khi chi phí đầu vào như nhiên liệu và phân bón tăng lên do chiến tranh ở Ukraine và phí bảo hiểm ngày càng tăng do biến đổi khí hậu.

“Đợt tăng vọt chi phí đầu vào gần đây làm lung lay mô hình kinh tế mong manh của ngành rượu vang”,  Richard Halstead, giám đốc hoạt động của hãng nghiên cứu đồ uống có cồn IWSR, nói.

Trong khi đó, những thay đổi trong thói quen uống rượu đã tác động nghiêm trọng đến nhu cầu vang đỏ. Christophe Chateau, người phát ngôn của Hội đồng Rượu vang Bordeaux ở Pháp, cho biết ngày càng có nhiều người uống vang sủi, vang hồng hoặc vang trắng có nồng độ cồn thấp hơn vang đỏ. Người tiêu dùng trẻ cũng tiêu thụ ít rượu hơn, thúc đẩy cơn bùng nổ nhu cầu đồ uống không cồn.

Ví dụ, ở Riverland, Lyndall Rowe, CEO của Riverland Wine, dự đoán rất ít nhà sản xuất rượu vang đỏ có thể bán với giá có lãi trong niên vụ kinh doanh hiện tại. Một số nông dân ở khu vực này đang thay thế cây nho bằng các loại cây khác như hạnh nhân hoặc dưa hấu.

Theo José Luis Benítez, Tổng giám đốc Hiệp hội rượu vang Tây Ban Nha, nước này đang chứng kiến tình trạng dư cung rượu vang đỏ Rioja, trong khi nhu cầu rượu vang trắng lại cao. “Nông dân sản xuất rượu vang đỏ ở vùng Rioja sẽ gặp khó khăn trong vòng 1-2 năm tới vì họ không thể chuyển đổi vang đỏ thành vang trắng”, ông nói.

Pháp chi hàng trăm triệu euro để khuyến khích chặt bỏ vườn nho

Tại Pháp, năm ngoái, chính phủ phân bổ ngân sách ban đầu 200 triệu euro (216 triệu đô la Mỹ) để giúp nông dân trên toàn quốc chặt bỏ các vườn nho và gửi rượu vang đến các cơ sở sản xuất nhiên liệu ethanol. Mỗi nông dân sẽ được hỗ trợ 75 euro cho 100 lít rượu chuyển thành ethanol. Số lượng đăng ký tham gia chương trình ethanol quá lớn đến mức mỗi nông dân chỉ có thể bán được một nửa khối lượng rượu vang mà họ muốn. Bordeaux, vùng sản xuất vang đỏ lớn ở Pháp, đã nhận được thêm chi phí hỗ trợ để phá bỏ 9.500 hecta nho.

Đầu năm nay, nông dân trồng nho ở Pháp được chính phủ cam kết hỗ trợ thêm 150 triệu euro để nhổ bỏ cây nho và trồng các cây thay thế. Nhưng cho đến nay, nỗ lực giảm diện tích trồng nho không có tác động lớn. Pháp đã vượt qua Ý để trở thành nhà sản xuất rượu vang lớn nhất thế giới vào năm 2023. Theo Ủy ban châu Âu (EC), trong năm 2023, tính đến tháng 6, mức tiêu thụ rượu vang giảm 7% ở Ý, 10% ở Tây Ban Nha, 15% ở Pháp, 22% ở Đức và 34% ở Bồ Đào Nha. Trong khi sản lượng rượu vang trên toàn khối tăng 4%.

Nhưng cơn biến động của thị trường gây khó khăn lớn đối với ngành công nghiệp rượu vang. Nhiều nhà sản xuất rượu vang phát triển qua nhiều thế hệ trước và thấm nhuần truyền thống. Đối với họ, khi thị trường thay đổi, việc phản ứng nhanh chóng có thể cực kỳ khó khăn.

Spiros Malandrakis, giám đốc ngành đồ uống có cồn của Euromonitor International, cho biết các thương hiệu vang cũng chưa làm đủ để phản ứng trước những thay đổi mới. Ví dụ, họ tập trung phát triển các thương hiệu cao cấp vào thời điểm ngân sách của người tiêu dùng đang bị siết chặt. Điều này có nghĩa là ngành rượu vang không nuôi dưỡng được một thế hệ người uống rượu mới.

Nhiều nông dân trồng nho không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời bỏ ngành này. Một cuộc khảo sát do Riverland Wine thực hiện vào năm 2022 cho thấy 25% người trồng nho Riverland có kế hoạch bỏ nghề trong ba năm tới. Đối với nông dân Townsend, sau khi hoàn thành việc chặt bỏ vườn nho, ông có kế hoạch thay thế bằng các loại cây bản địa.

 Theo Bloomberg, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới