Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thế giới sẽ thay đổi cách tiếp cận với những vấn nạn cũ trong năm Covid thứ ba

Song Hảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Trừ Trung Quốc, phần còn lại của thế giới sẽ sống chung với dịch bệnh trong năm Covid thứ ba. Giải quyết các tồn tại của hai năm cũ như đứt gãy chuỗi cung ứng, tắc nghẽn chuỗi vận tải, giá cả và lạm phát tăng vọt… buộc phải thay đổi trong năm 2022 và những năm tới.

Hành khách làm thủ tục ở sân bay vắng lặng La Guardia, thành phố New York hôm 24-12. Hàng ngàn chuyến bay bị hủy trong dịp cao điểm đi lại mùa Giáng sinh và năm mới khiến triển vọng hồi phục của hàng không trong năm mới rất ảm đạm. Ảnh: AFP

Lạm phát là mối bận tâm lớn nhất

Trong hai năm Covid đầu tiên, các ngân hàng trung ương tập trung sự chú ý vào các lệnh phong tỏa, xem đây là một yếu tố kìm hãm nhu cầu tiêu dùng, điều mà chính sách tiền tệ nới lỏng có thể giúp thúc đẩy. Nhưng hiện giới chức ngân hàng lại lo ngại rằng phong tỏa và các biện pháp giãn cách xã hội đang kìm hãm, gây đứt gãy chuỗi cung ứng và vận chuyển hàng hóa, từ đó khiến giá cả tăng.

Bước sang năm Covid thứ ba, lạm phát mới là mối nguy lớn nhất đối với ngân hàng trung ương các nước – trừ Nhật Bản được dự báo có lạm phát là 0% trong tài khóa 2021 (kết thúc vào tháng 3-2022).

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh ở các nền kinh tế phát triển trong những tháng cuối năm 2021, nhưng sẽ giảm leo thang và sẽ đạt mục tiêu khoảng 2% trong nửa đầu năm 2022. Trong khi đó, lạm phát dự kiến sẽ giảm xuống còn 4% ở các nền kinh tế mới nổi trong năm 2022, sau khi cũng đạt đỉnh vào cuối năm 2021.

Tuy nhiên, những dự báo này hoàn toàn không chắc chắn bởi các biến số khó lường, trong đó có chủng Omicron và các chủng mới có thể xuất hiện. Giá nhà tăng cao, tình trạng thiếu hụt kéo dài các sản phẩm thiết yếu, giá nguyên liệu hàng hóa và thực phẩm gia tăng, tình hình bất ổn địa chính trị, đồng tiền phá giá ở các nước đang phát triển… sẽ khiến tỷ lệ lạm phát được duy trì ở mức cao và trong một thời gian dài hơn dự định.

Bước sang năm Covid thứ ba, lạm phát mới là mối nguy lớn nhất đối với ngân hàng trung ương các nước – trừ Nhật Bản.

Trong các cuộc họp cuối cùng của năm 2021, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và ngân hàng trung ương nhiều nước châu Âu đã hướng đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Các ngân hàng trung ương đang xem việc kiềm chế giá cả là ưu tiên cao hơn so với việc bảo vệ việc làm và GDP trước các đợt bùng phát mới của dịch trong năm 2022 tới.

Chủng Omicron và khả năng hồi phục của kinh tế toàn cầu

Gần 8.000 chuyến bay trên toàn thế giới đã bị hủy trong tuần lễ Giáng sinh do số ca nhiễm gia tăng và do thiếu hụt nhân viên mặt đất và hãng bay. Số chuyến bay bị hủy có thể sẽ tiếp tục cao hơn nữa trong dịp đón mừng năm mới.

Dường như, Omicron đã cướp đi niềm vui hồi phục của ngành hàng không và du lịch châu Á vừa chớm xuất hiện khi nhiều nước châu Á theo bước Mỹ và châu Âu mở cửa lại bầu trời. Thái Lan đã tạm dừng chương trình nhập cảnh không cách ly đối với khách đã tiêm đầy đủ trong hai tuần đến ngày 4-1-2022. Không tuyên bố đóng cửa, nhưng Singapore đã yêu cầu các hãng hàng không ngừng bán vé đến nước này trong vòng một tháng. Úc tuyên bố sẽ xem xét thận trọng việc hạn chế các chuyến bay từ các nước có số ca Omicron cao. Nhật Bản nói sẽ tìm hiểu các tác động của chủng mới trước khi quyết định mở cửa.

Mỹ, châu Âu và một số nước châu Á đã gỡ bỏ lệnh cấm đối với các chuyến bay từ 10 nước khu vực Nam Phi. Bác sĩ Anthony Fauci, Cố vấn y tế trưởng của Tổng thống Joe Biden, nói rằng “dường như Omicron khó gây những ca nặng như Delta”… Nhưng khả năng là du khách sẽ không sẵn lòng bỏ tiền để du lịch trong thời gian tới. Có nghĩa là khả năng hồi phục của ngành hàng không và du lịch, kế đến là nền kinh tế nói chung, sẽ không như mong đợi.

Tom Orlik, nhà kinh tế trưởng của Bloomberg Economics, phát biểu: “Khi năm 2021 kết thúc, sự phục hồi kinh tế toàn cầu có nguy cơ bị chệch hướng bởi biến thể Omicron”. Ông Orlik nhấn mạnh rằng châu Âu là khu vực dễ bị tổn thương nhất bởi các đợt bùng phát trong mùa đông đang diễn ra. Ông cũng cho rằng các nền kinh tế trụ cột của EU như Đức, Pháp và Ý đang gặp áp lực khi số ca bệnh do chủng Omicron ngày càng gia tăng.

Nút thắt chuỗi cung ứng và chuỗi vận tải

Không có quốc gia nào trong năm 2021 thoát khỏi vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng.

Đợt bùng phát do chủng Delta tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á trong quí 3-2021 đã khiến các kệ hàng giày dép, thời trang và cả iPhone ở Mỹ và nhiều nước châu Âu bị trống vắng dịp Black Friday và Giáng sinh vừa rồi. Tại Anh, nguồn cung nhiên liệu cạn kiệt vì không đủ tài xế chở hàng sau Brexit. Các hãng điện tử và xe hơi toàn cầu thiếu chip nhớ – sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Đài Loan và Hàn Quốc. Các công ty từ châu Âu đến châu Phi và Nam Mỹ phải vật lộn với thiếu nguyên liệu thô và cảnh báo tình trạng giá cao kéo dài.

Giới quan sát cho rằng chuỗi cung ứng khó có thể được gỡ nút sớm. Các chuyên gia logistics từ Los Angeles đến Rotterdam gần đây cảnh báo việc tắc nghẽn sẽ khó dịu bớt cho đến năm 2023. Doanh nghiệp và chính phủ các nước buộc phải ngồi lại để đánh giá tác động của chuỗi cung ứng và chuỗi vận tải.

Mỹ là quốc gia đầu tiên thành lập tổ công tác đặc biệt từ tháng 10 để giải quyết tắc nghẽn của các cảng Los Angeles và Long Beach ở Bờ Tây nước Mỹ. Chỉ đến ngày Giáng sinh, Tổng thống Joe Biden mới thở phào tuyên bố “thắng lợi” của nỗ lực giải phóng tắc nghẽn ở hai cảng Bờ Tây. Hãng AP ghi nhận doanh số mùa Giáng sinh 2021 đã tăng 8,5% – mức gia tăng cao nhất trong 17 năm qua dù giá hàng hóa cao hơn, hàng hóa thiếu thốn và số ca nhiễm tăng vọt.

Hồi tháng 11, Hàn Quốc cũng lập tổ công tác tương tự nhằm giải quyết các vấn đề của chuỗi cung ứng, đặc biệt là nguồn cung urê công nghiệp – nguyên liệu chế tạo dung dịch làm mát động cơ xe chạy bằng diesel. Việc Trung Quốc tạm dừng xuất khẩu urê đã gây khủng hoảng chuỗi vận tải và phân phối tại Hàn Quốc. Nước này phải tìm nguồn nhập tạm thời từ Việt Nam và Indonesia.

Khi dịch bùng phát ở Vũ Hán đầu năm 2020, thế giới đặt câu hỏi liệu phương Tây sẽ dời bớt nhà xưởng từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á hay Ấn Độ hay trở về quê hương. Khi các đợt dịch do chủng Delta bùng lên vào giữa năm 2021, câu hỏi này một lần nữa lại được đặt ra nhưng chỉ khác “nhà đầu tư sẽ dọn đi đâu”.

Korea Times nói rằng Việt Nam và Hàn Quốc tiếp tục sẽ là hai nước hưởng lợi nhiều nhất trong làn sóng dịch chuyển mới. Còn các hãng bán lẻ Nam Phi tìm cách giảm bớt phụ thuộc vào nguồn cung thời trang, giày dép và đồ nội thất của Trung Quốc lại chỉ ra Ấn Độ – theo Reuters.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp châu Âu và Mỹ đang tìm cách đưa hãng xưởng may mặc và giày dép về địa điểm gần thị trường tiêu thụ nhất để cắt giảm chi phí vận tải. Các dự báo cho thấy ít nhất đến năm 2023 các tắc nghẽn chuỗi vận tải mới có thể giải quyết. Và cước tàu biển cũng không xuống nhanh như lúc lên phi tiễn.

Chẳng hạn, hồi tháng 11 vừa rồi, nhà bán lẻ thời trang Mango của Tây Ban Nha đang chọn các điểm sản xuất mới ở Thổ Nhĩ Kỳ, Morrocco và Bồ Đào Nha. Các điểm này sẽ hoạt động trong năm 2022. Từ năm 2019 về trước, Mango phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung Việt Nam và Trung Quốc.

Tương tự, hãng bán lẻ giày Steve Madden của Mỹ đã rời Việt Nam, chuyển 50% năng lực ở các xưởng gia công Trung Quốc sang Brazil và Mexico. Còn hãng giày dép nhựa Crocs thì chuyển nhà xưởng qua Indonesia và Bosnia.

Bước sang năm Covid thứ ba, toàn cầu sẽ trở nên tự tin khi học cách sống chung với Covid. Các loại vaccine ngừa Covid-19 thế hệ mới sẽ tiếp tục ra đời, trong đó các loại vaccine dạng viên nén hay viên nhộng hoặc dạng xịt mũi hiện đang được thử nghiệm. Các hãng dược Mỹ, châu Âu và Nhật Bản sẽ công bố các loại thuốc đặc trị Covid-19 mới sau khi thuốc viên Paxlovid của Pfizer và Molnupiravir của Merck được Cục Dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) chuẩn thuận.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới