Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thế giới thiếu lương thực: nguy cơ tăng cao từ khủng hoảng tài chính

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thế giới thiếu lương thực: nguy cơ tăng cao từ khủng hoảng tài chính

Theo FAO, 89% số người chịu đói sống ở châu Phi và châu Á. Hai mươi hai quốc gia, đa số là châu Phi, bị ảnh hưởng mạnh bởi giá lương thực tăng cao do gặp tình trạng thiếu lương thực kinh niên và quá lệ thuộc vào nhập khẩu các sản phẩm từ dầu hỏa và ngũ cốc.

(TBKTSG Online) – Hiện trên thế giới có 923 triệu người bị đói, trong đó riêng năm 2008 có thêm 75 triệu người, do giá nông sản và dầu hỏa tăng cao. Đó là bảng tổng kết của Tổ chức lương thực thế giới (FAO) nhân Ngày lương thực thế giới 16-10 hàng năm.

Tình trạng thiếu lương thực đăng tăng mạnh có thể chỉ là khởi đầu. “Những gì thế giới đã trải qua trong năm nay, với những vụ bạo động do thiếu ăn, không phải là khủng hoảng mà chỉ mới báo động. Nếu có một cuộc khủng hoảng lương thực tầm mức thế giới thì nó đang xuất hiện trước mắt chúng ta”, nhà kinh tế học Abdolreza Abbassian thuộc FAO nhận định căn cứ vào tình hình các thị trường nông nghiệp có khả năng căng thẳng hơn do khủng hoảng tài chính.

Tuy nhiên, cũng có những dấu hiệu cải thiện nhận biết được. Vụ mùa 2008-2009 sẽ phá các kỷ lục. Theo FAO, sản lượng ngũ cốc thế giới sẽ tăng 2,8%, chủ yếu nhờ tăng diện tích trồng lúa mì. Nhờ đó mà giá lương thực trên thị trường thế giới giảm trong 6 tháng qua, sau khi tăng tột đỉnh hồi đầu năm.

Nhưng cũng chẳng có gì đảm bảo cho tình hình sắp tới. “Chỉ cần một vụ mùa thất thu là giá sẽ tăng vọt ngay. Do bấy lâu nay chúng ta không có phản ứng nào cả nên khó tránh khỏi một diễn tiến liên tục các cuộc khủng hoảng lương thực”, nhà kinh tế học Hervé Guyomard thuộc Viện quốc gia nghiên cứu nông học Pháp (INRA) nói. Về phần mình, ông Abbassian cho rằng thế giới không được chuẩn bị để đối đầu với khả năng giá lương thực tăng trong tương lai, trong khi tác động của nó chắc chắn sẽ mạnh hơn tại các nước nghèo.

Lập chính sách đầu cơ và tồn trữ   

Cuộc khủng hoảng hồi đầu năm 2008 đã cho phép thế giới ý thức được những sai lầm của quá khứ và thống nhất bốn biện pháp khẩn thiết: đầu tư vào nông nghiệp; khuyến khích chính sách tự túc lương thực của từng quốc gia (trong đó có canh tác lương thực); nhấn mạnh đến canh tác gia đình để đảm bảo lương thực cho người nghèo, đa số là nông dân; và cuối cùng là phát triển các phương pháp sản xuất bền vững.

Nhưng các nước vẫn còn tranh luận về vai trò của nhiên liệu sản xuất từ lương thực hoặc việc đầu cơ và những thay đổi trong hình thức canh tác lương thực tại các quốc gia mới nổi. Hệ quả là cộng đồng quốc tế chẳng đưa ra quyết định nào và như vậy đã không tôn trọng những cam kết tài chính của mình. “Dù sản xuất có tăng, vấn đề thực sự là thu nhập và khả năng tiếp cận sản xuất của người nghèo”, Francois Danel, tổng giám đốc tổ chức phi chính phủ Action contre la faim (Hành động chống đói) nhận xét.

Với cuộc khủng hoàng tài chính hiện nay, nguy cơ càng lớn hơn vì để đảm bảo an ninh lương thực cho toàn thế giới với dân số đang tăng, cần phải đầu tư. Trong khi đó, các quỹ nhà nước có nguy cơ thiếu tiền để tài trợ cho hoạt động cứu trợ lương thực và, về mặt dài hạn, phát triển nông nghiệp ở châu Phi. Do vậy, về mặt ngắn hạn, cần phải dựa vào nông dân các nước phát triển để gia tăng sản xuất lương thực. Nhưng không có gì đảm bảo rằng lực lượng này sẽ vượt qua được thử thách nếu tín dụng đang hiếm dần và việc mua hạt giống cũng như phân bón trở nên ngày càng khó khăn. Hơn nữa, do thiếu tín dụng, “các nước nghèo sẽ khó tài trợ cho hoạt động nhập khẩu lương thực”, ông Abbassian lo ngại.

Theo nhiều chuyên gia, để tránh cuộc khủng khoảng lương thực sắp tới, cần phải hạn chế tính bất ổn của giá cả nông sản, điều đáng lo ngại hơn là giá cao đối với người tiêu dùng ở các nước nghèo cũng như đối với nhà sản xuất. Giải pháp khả dĩ là sử dụng kho dự trữ trong vùng để bình ổn giá cả trên thị trường trong trường hợp có chênh lệch cung cầu. Cho đến nay, các kho dự trữ ở châu Âu và Mỹ đã phát huy tốt vai trò này.

Cuộc khủng hoảng tài chính có thể có mặt tích cực của nó. Trong những tuần qua, dù khủng hoảng tài chính đe dọa khủng hoảng lương thực, nhưng nó cũng làm xuất hiện ý tưởng về việc điều tiết ở tầm thế giới. Cuộc tranh luận về đề tài này đã có từ hồi đầu năm. Viện quốc tế nghiên cứu các chính sách lương thực (Ifri) đặt tại Washington cho rằng cần thiết phải có sự phối hợp của cả thế giới và đã kêu gọi giảm và bình ổn giá cả nhờ việc thành lập một chính sách về đầu cơ và tồn trữ ngũ cốc. Nhưng cho đến nay, nhiều người vẫn làm ngơ trước đề xuất này.

Minh Trường (Theo Le Monde)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới