Thế giới ứng phó với dịch cúm heo
Thái Bình
Kiểm tra thân nhiệt hành khách tại các sân bay để phát hiện người bị sốt. Ảnh AFP |
(TBKTSG Online) - Các chính phủ khắp thế giới ra sức ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm heo trong khi thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực vì nhà đầu tư lo lắng kinh tế thế giới có thêm một cú sốc nữa.
Các chính phủ ra sức ứng phó
Đến chiều nay thứ Hai 27-4, đã xác định có 103 người chết tại Mexico; dịch cúm heo đã lan tới một số nơi xa xôi như Anh, Ireland. New Zealand và Israel cũng đã có những trường hợp nghi ngờ bị nhiễm cúm. Cho đến nay chưa ghi nhận ca tử vong nào ngoài Mexico, trừ 20 ca bị nhiễm ở Mỹ và 6 ca khác ở Canada.
Nhưng chính phủ của hầu hết các nước đều đẩy nhanh việc kiểm tra giám sát tại các sân bay và hải cảng, sử dụng những camera tầm nhiệt và bộ cảm ứng điện tử để phát hiện những người bị sốt.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quyết định mở “trung tâm trực chiến” hoạt động 24/24 giờ để theo dõi diễn biến của dịch và cung cấp những chỉ dẫn cần thiết cho các nước.
Chính phủ Nhật đã họp phiên bất thường, tuyên bố ưu tiên cho việc sản xuất một loại vắc-xin mới. Các chính phủ khác ở châu Á trấn an dân chúng rằng đất nước có đủ thuốc chống cúm dự trữ để đối phó nếu dịch lan rộng.
Ủy ban châu Âu đang triệu tập một cuộc họp khẩn các bộ trưởng y tế của 27 quốc gia thành viên.
Hôm qua chính phủ Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế trên toàn liên bang – một căn cứ pháp lý cho phép chính quyền xuất kho 12 triệu liều thuốc chống cúm để phân phối cho những thành phố đang cần thuốc.
Thị trường chao đảo
Trên thị trường, chứng khoán các nơi đều giảm, đồng yen Nhật tăng giá so với đô la Mỹ trong khi đồng peso Mexico xuống mạnh. Hôm nay 1 đô la Mỹ chỉ còn ăn được 96,75 yen Nhật, ít hơn mức 97,13 yen hôm cuối tuần.
Thị trường chứng khoán Wall Street chỉ mới mở cửa phiên đầu tuần đã giảm hơn 1%. Trước đó, tại châu Âu các chỉ số chứng khoán đều giảm: FTSE (Anh) giảm 1,2%, DAX (Đức) giảm 1,05% và CAC (Pháp) giảm 1,83%. Chỉ số chứng khoán Tokyo (Nhật) tăng chút ít 0,21% nhưng chỉ số Hang Seng (Hồng Kông) giảm 2,74%, Kospi (Hàn Quốc) giảm 1,05% và chỉ số STI của Singapore giảm 1,85%.
Giá cổ phiếu các doanh nghiệp hàng không và du lịch rớt thê thảm, dẫn đầu bởi cổ phiếu của hãng hàng không Lufthansa (Đức) giảm 10,6%, Air France-KLM giảm 9%, British Airways (Anh) giảm 7,26%. Tại châu Á cổ phiếu Japan Airlines giảm 5,2%.
Tai họa của người này lại là may mắn của người khác. Cổ phiếu của các hãng dược phẩm và sản xuất vắc xin lại tăng mạnh, dẫn đầu bởi hãng dược Roche (Thụy Sĩ) tăng 3,5%, của GlaxoSmithKline tăng 3,58% và AstraZeneca tăng 1,55%. Roche là hãng sản xuất loại thuốc phòng bệnh cúm nổi tiếng Tamilflu; trong hai năm 2007-08, nhờ sự lây lan của dịch cúm gia cầm mà tập đoàn này đã thu được 4 tỉ franc Thụy Sĩ (3,5 tỉ đô la Mỹ) từ thuốc Tamilflu.
Tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới
WHO tuyên bố dịch cúm “là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng”, có thể biến thành đại dịch hoặc một căn bệnh nguy hiểm lây lan trên toàn cầu. Nếu đại dịch xảy ra nền kinh tế thế giới đang bị khủng hoảng trầm trọng sẽ phải tiêu tốn thêm nhiều ngàn tỷ đô la Mỹ.
Theo các chuyên gia, chủng vi rút gây bệnh mới, H1N1, là sự kết hợp giữa vi rút cúm heo, cúm gà và cúm trên người – đe dọa gây ra dịch cúm trên diện rộng như cúm gà H5N1 bùng phát lần đầu năm 1997 làm chết vài trăm người. Năm 1968 một dịch cúm gọi là “cúm Hồng Kông” đã làm 1 triệu người chết.
Bác sĩ Guan Yi, giáo sư khoa vi rút học Đại học Hồng Kông, một chuyên gia hàng đầu về vi rút học, từng góp phần chống đỡ dịch SARS năm 2003 và dịch cúm gia cầm, tỏ ý lo ngại rằng châu Á sẽ lại bị tàn phá bởi cơn dịch cúm mới. “Tôi nghĩ rằng sự lây lan của vi rút ở người không thể bị ngăn chặn trong một thời gian ngắn. Đã có những ca bệnh ở tất cả các vùng. Bức tranh đang thay đổi từng giây từng phút”, ông nói.
Các nhà đầu tư châu Á rất thấm thía những tác hại tiềm tàng của dịch cúm sau khi họ đã chứng kiến những gì dịch SARS gây ra cho Hồng Kông và kinh tế của toàn khu vực 6 năm về trước, cũng như tai hại của dịch cúm gia cầm trong mấy năm qua.