Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thế lưỡng nan hàng giả – hàng thật

NGUYỄN LƯƠNG SỸ(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Khi nhắc đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, phần lớn sẽ nghĩ đến hai biện pháp chủ yếu là khởi kiện dân sự hoặc yêu cầu xử lý hành chính nếu như không thể thương lượng, hòa giải thành công. Tuy nhiên, chủ thể quyền còn có một giải pháp nghiêm khắc, mang tính răn đe hơn đó là yêu cầu xử lý hình sự trong trường hợp hành vi xâm phạm quá nghiêm trọng. Xử lý hình sự, theo tác giả là cần thiết, nhưng phải cẩn trọng.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chỉ trong quí 1-2023 cơ quan chức năng đã xử lý trên 28.000 vụ việc vi phạm (trong đó có hơn 1.000 vụ hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ), thu nộp ngân sách hơn 3.000 tỉ đồng và khởi tố hàng trăm vụ án hình sự.

“Tôn Hành Giả, Giả Hành Tôn”

Nếu là một người mến mộ tuyệt tác Tây Du Ký, bạn đọc hẳn chưa quên trận chiến Tôn Ngộ Không đối đầu với bản sao của chính mình, thượng thừa đến mức chỉ có Phật tổ Như Lai mới nhìn ra chân tướng. Trớ trêu thay, tích truyện này lại vận vào chính nạn hàng giả. Mặc dù hàng giả thường được mặc định với chất lượng kém, định kiến này không phải luôn luôn đúng. Đôi khi, hàng giả được sản xuất tinh vi đến mức người tiêu dùng hiểu biết cũng khó tài nào phân biệt được.

Hoặc ví dụ, một cơ sở gia công sản phẩm (được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ) cho thương hiệu lớn, nhưng cố tình sản xuất vượt quá số lượng thỏa thuận. Như vậy, những sản phẩm nằm ngoài hợp đồng nói trên vẫn bị xem là đối tượng xâm phạm, hay tên gọi dân dã là “hàng giả - hàng nhái”, dù chất lượng hoàn toàn tương đồng với sản phẩm chính hãng.

Dưới góc độ lý luận, pháp luật tạm phân chia hàng giả thành hai nhóm:

Một là, hàng giả về nội dung - hàng hóa không đảm bảo điều kiện tối thiểu để lưu thông (chỉ tiêu chất lượng chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố, ghi trên nhãn hàng hóa(1), ảnh hưởng đến giá trị sử dụng hay sức khỏe của người tiêu dùng;

Hai là, hàng giả về hình thức - hàng hóa đảm bảo điều kiện tối thiểu để lưu thông, không ảnh hưởng đến giá trị sử dụng hay sức khỏe của người tiêu dùng; tuy nhiên, lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, thường thông qua việc đánh tráo nhãn mác.

Mặc dù hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có hướng dẫn cụ thể, thực tiễn áp dụng cho thấy cơ quan chức năng thường truy cứu tội sản xuất, buôn bán hàng giả dành cho hàng giả về nội dung, và tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp dành cho hàng giả về hình thức (nếu đối tượng bị làm giả là nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ).

Chẳng hạn, trong vụ án về làm giả bút viết, thước kẻ được Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Ninh thụ lý, hàng hóa làm giả “So với tiêu chuẩn cơ sở của Bút và Thước chính hãng đều đạt thấp nhất là 72,5%, cao nhất là 100%. […] Vì vậy, đại diện Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã thay đổi tội danh truy tố từ tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” […] sang tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”(2). Quan điểm này sau đó cũng được Hội đồng xét xử chấp thuận; qua đấy, phần nào làm rõ hướng tiếp cận của cơ quan xét xử đối với hai loại tội danh nêu trên.

Hàng giả, nhưng trách nhiệm thật

Việc xử lý hình sự đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả vốn đã quá phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là khi liên quan đến những mặt hàng gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng như lương thực, thực phẩm, hay thuốc chữa bệnh… Nhiều vụ việc nổi cộm bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp cũng đã diễn ra trong những năm gần đây.

Nổi bật như, ngày 17-3-2023, Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra phán quyết sơ thẩm về vụ án hình sự xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “Bia Saigon” thuộc sở hữu của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Trong vụ việc này, các bị cáo gồm một cá nhân và một pháp nhân là Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam đã bị tuyên phạt tổng số tiền 3,7 tỉ đồng. Hay gần đây nhất, ngày 22-6-2023, Tòa án Nhân dân quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã tuyên phạt một bị cáo án cải tạo không giam giữ và bồi thường số tiền 356 triệu đồng cho bị hại cũng với tội danh xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp liên quan đến thức quà dân gian là kẹo Sìu Châu (kẹo lạc).

Có thể thấy, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và nhãn hiệu nói riêng đôi khi không còn chỉ dừng lại ở lời xin lỗi, cải chính, bồi thường vật chất mà còn khiến cho các chủ thể phải vướng vào vòng lao lý. Chính vì thế, các doanh nghiệp bắt tay vào chuyện làm ăn cần hết sức cẩn trọng trong việc tra cứu bảo hộ, và nhất là cần từ bỏ ngay bất kỳ dụng ý xấu nào ảnh hưởng đến thị trường kinh doanh lành mạnh.

Xử lý hình sự: cần thiết, nhưng phải cẩn trọng

Mặc dù bản chất quyền sở hữu trí tuệ là một quan hệ dân sự, việc xử lý bằng con đường hành chính hay hình sự là vô cùng cần thiết, đặt trong bối cảnh kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Do các biện pháp dân sự thường kéo dài, tạo ra gánh nặng chứng minh cho chủ thể quyền, họ đôi khi phải nhờ vào các chế tài mang tính răn đe hơn để bảo vệ quyền lợi chính đáng.

Nếu như các biện pháp xử phạt hành chính đang được sử dụng khá phổ biến, thì truy cứu trách nhiệm hình sự cần phải được tiếp cận hết sức dè dặt và cẩn trọng. Bởi lẽ, hoạt động này không chỉ sử dụng nguồn lực công để giải quyết quan hệ tư hữu, mà đồng thời khiến nhiều chủ thể lao đao do hình phạt nghiêm khắc.

Xác định chính xác tội danh giữa hàng giả hình thức và hàng giả nội dung chưa bao giờ là điều dễ dàng. Tuy hướng tiếp cận phần nào đã được làm rõ ở trên, có những vụ việc phức tạp hơn rất nhiều. Vụ VN Pharma buôn bán thuốc ung thư H-Capita đã bị Tòa án Nhân dân cấp cao tại TPHCM áp dụng tội danh “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”, nhưng những tranh luận trong quá trình xét xử vẫn đặt ra nhiều câu hỏi đến tận bây giờ.

Đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) trình bày chứng cứ và ý kiến cho rằng: “Qua xác minh của đoàn công tác của Bộ Y tế đã xác định được lô thuốc H-Capita là thuốc được sản xuất tại nhà máy tại Ấn Độ, đạt đầy đủ điều kiện về chất lượng khi xuất xưởng. Nhưng khi giám định thì thời điểm giám định là sau khi lô thuốc đã được sản xuất hơn 01 năm và lô thuốc cũng chỉ có thời hạn sử dụng là 02 năm nên khi giám định chất lượng của thuốc có sự thay đổi”(3). Giả sử lập luận trên là đúng sự thật, lúc này H-Capita là hàng giả về hình thức (giả mạo xuất xứ Canada để đấu thầu giá cao hơn), nhưng vẫn đáp ứng điều kiện làm thuốc chữa bệnh cho người; từ đó, có thể ảnh hưởng đến vấn đề xác định tội danh. Tuy nhiên, ý kiến của Cục Quản lý dược chưa đủ khách quan để thuyết phục được hội đồng xét xử trong vụ việc này.

Trở lại với vụ án Bia Sài Gòn hay kẹo Sìu Châu Toàn Mỹ, ranh giới nào giữa khởi kiện dân sự và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp? Người viết không có cơ hội tiếp cận hồ sơ vụ việc nên không dám đưa ra kết luận, mà cũng chỉ chia sẻ nỗi niềm băn khoăn. Áp dụng con đường hình sự một cách đúng đắn là vô cùng hữu hiệu để thiết lập trật tự trên thị trường, nhưng ngược lại, nếu lạm dụng sẽ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh tự do.

Hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, mà quan điểm của Chính phủ cũng thể hiện rất rõ thông qua phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Tinh thần là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự nhưng ai sai phạm thì phải xử lý; bảo vệ, khuyến khích những người làm đúng, những người làm ăn chân chính, hiệu quả”(4).

Với quy định của pháp luật hiện hành, lằn ranh đó thật sự rất mong manh. Vậy có nên chăng trong thời gian tới, pháp luật hình sự cần tạo ra thêm một “bước đệm” đối với tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp: đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn tiếp tục vi phạm? Lúc này, điều kiện tiên quyết đã bị xử phạt hành chính trước đó là một lời cảnh báo đủ sức nặng để làm chùn bước chủ thể vi phạm.

Trong trường hợp không đồng ý với quyết định xử phạt hành chính, họ vẫn có các công cụ như khiếu nại, hay khởi kiện vụ án hành chính. Nhờ đó, quyền lợi của các bên được đảm bảo hiệu quả mà không cần sự can thiệp sâu của pháp luật hình sự.

Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên một thị trường mà các xâm phạm vốn đã tồn tại quá phổ biến từ nhiều năm, đồng thời vẫn phải kiến tạo môi trường tự do kinh doanh, hạn chế can thiệp của quyền lực nhà nước thực sự là bộ đề khó giải cho Việt Nam.

Khi tiến trình hội nhập ngày càng trở nên sâu rộng, công cụ hình sự hay hành chính chỉ giải quyết được các mục tiêu ngắn hạn. Một cơ chế thực thi biện pháp dân sự nhanh chóng, hiệu quả, cùng với chính sách giáo dục thay đổi nhận thức kinh doanh và tiêu dùng mới thực sự là giải pháp triệt để cho vấn nạn hàng nhái, hàng giả.

(*) Giảng viên trường Đại học Luật, Đại học Huế.

(1) Điều 3, Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

(2) Bản án số 09/2019/HS-ST ngày 14/3/2019 của Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Ninh.

(3) Bản án số 247/2020/HS-PT ngày 20/5/2929 của Tòa án Nhân dân cấp cao tại TPHCM.

(4) https://nld.com.vn/chinh-tri/thu-tuong-khong-hinh-su-hoa-cac-quan-he-kinh-te-dan-su-nhung-sai-pham-thi-phai-xu-ly-20220714143954148.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới