Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thêm cửa khẩu đóng cửa, hàng quá cảnh qua Việt Nam cũng bế tắc

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online)- Sáng 28-12, lại thêm cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) tạm đóng cửa do quyết định từ phía Trung Quốc. Nhiều xe vận tải hàng hóa tiếp tục kẹt. Có thêm cả lượng hàng nông sản quá cảnh từ một số quốc gia trong khu vực qua Việt Nam bị tắc lại cũng chưa có hướng giải quyết.

Tin từ các doanh nghiệp Hiệp hội Logistics Việt Nam cho biết, sáng nay (28-12), cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) cũng tạm đóng do dịch Covid 19 bùng phát mạnh tại đây. Cửa khẩu này thông thương với cửa khẩu Long Bang, thành phố Bách Sắc (Quảng Tây, Trung Quốc). Nhiều xe hàng lên biên giới, thay vì hướng các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, chuyển qua Cao Bằng cũng kẹt luôn tại đây, không biết nên quay về hay đi tiếp vì chưa có thông báo rõ ràng.

Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) hiện cũng đang đóng do bùng dịch Covid 19 tại đây. Ảnh: Công Luân

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu và cải cách thủ tục hành chính (Ban IV của Thủ tướng), hiện nay hàng nông sản bị tắc ở các cửa khẩu không xuất được chưa có cách tháo gỡ ở cả hai hướng. Đối với nhóm hàng trong nước, hoặc là quay đầu tìm cơ hội giải cứu, hoặc phải đổ bỏ. Nếu đổ bỏ thì áp lực xử lý môi trường, đổ bỏ ở đâu; còn nếu tiêu thụ thì hướng dẫn tiêu thụ như thế nào, hiện vẫn chưa có cách giải quyết.

Đối với nhóm hàng quá cảnh vào Việt Nam gồm hàng nông sàn từ Lào (chuối), Thái Lan (mít, sầu riêng, nhãn) thì khó hơn. Vì là xe hàng quá cảnh nên doanh nghiệp muốn cho xe quay đầu để tiêu thụ hoặc tiêu hủy tại Việt Nam phải xin phép Bộ Công Thương (theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương). Nhưng hiện doanh nghiệp không rõ quy trình thủ tục sẽ cần bao nhiêu ngày và các bước tiến hành ra sao. Nếu hàng hóa bị hỏng, không thể chờ được, phải mang đi tiêu hủy thì thì phương án tiêu hủy thế nào cũng chưa có cơ quan nào hướng dẫn.

Hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể về số lượng xe hàng quá cảnh cũng như giá trị hàng quá cảnh qua Việt Nam. Tuy nhiên, chắc chắn hướng giải quyết loại hình hàng hóa này khó khăn hơn hàng xuất khẩu của Việt Nam, hiện cũng cùng chung “số phận” bế tắc nơi biên mậu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới