Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thêm dự án điện than vận hành, miền Tây đối mặt với nguy cơ gì?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thêm dự án điện than vận hành, miền Tây đối mặt với nguy cơ gì?

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Thông qua việc đốt lửa lần đầu lò hơi tổ máy số 1 của Nhà máy nhiệt điện sông Hậu 1, các tỉnh miền Tây Nam bộ chuẩn bị có thêm nhà máy nhiệt điện than chính thức được đưa vào vận hành. Thế nhưng, loại hình năng lượng này không chỉ bị các chuyên gia cảnh báo nguy cơ ô nhiễm mà nhiều địa phương cũng đã "quay mặt".

Nhiệt điện than “hết đường” phát triển ở miền Tây

Long An xin Chính phủ "bỏ" điện than, làm điện khí hóa lỏng

Thêm dự án điện than vận hành, miền Tây đối mặt với nguy cơ gì?
Nhà máy nhiệt điện sông Hậu 1. Ảnh: Trung Chánh

Thêm dự án điện than chuẩn bị vận hành chính thức

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, nhà máy nằm trong quy hoạch chung của Trung tâm điện lực sông Hậu do PVN làm chủ đầu tư với quy mô công suất 1.200 MW (gồm có hai tổ máy, công suất 600 MW/tổ máy. Dự án nằm ven bờ sông Hậu, cách TP Cần Thơ khoảng 12 km, được xây dựng trên diện tích 115 héc ta với tổng mức đầu tư hơn 43.000 tỉ đồng, bao gồm 30% vốn chủ sở hữu và 70% vốn vay.

Tại sự kiện đốt lửa lần đầu lò hơi tổ máy số 1 của dự án nhà máy nhiệt điện sông Hậu 1 diễn ra vào hôm nay, 28-7 ở tỉnh Hậu Giang, ông Đỗ Chí Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, đây là cột mốc để chủ đầu tư PVN và tổng thầu là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) kiểm tra chất lượng thiết bị lò hơi và toàn bộ hệ thống phụ trợ kèm theo; bảo đảm các điều kiện kỹ thuật để triển khai, hoàn thành công tác chạy thử và các mốc quan trọng tiếp theo của dự án.

Theo ông Thành, sau đốt lửa lò hơi lần đầu tổ máy số 1, quá trình đốt lửa bằng dầu sẽ kéo dài trong ba tháng với mục đích làm sạch các đường ống sinh hơi và dẫn hơi của lò, cân chỉnh các thiết bị phụ trợ (quạt gió lò hơi, bơm cấp nước, hệ thống làm mát), sẵn sàng để hướng đến các mốc đốt lửa lò hơi bằng than vào tháng 11-2020.

Ông Thành cho biết, sau đó dự án sẽ phát điện và hòa vào lưới điện quốc gia vào cuối năm 2020, đầu năm 2021. Theo kế hoạch, nhà máy nhiệt điện sông Hậu 1 sẽ đi vào vận hành thương mại trong năm 2021.

Trước đó, ông Lê Văn Tuấn, Tổng giám đốc LILAMA – tổng thầu dự án – cho biết, đơn vị này đã hoàn thành các cột mốc quan trọng của dự án gồm đóng cọc móng nhà máy chính vào ngày 30-12-2015; lắp đặt kết cấu lò hơi ngày 31-7-2016; lắp đặt máy biến áp chính ngày 14-7-2017; nâng turbin ngày 20-4-2018; hoàn thành chạy thử hệ thống xử lý nước tháng 11-2019; ráp lò hơi ngày 7-1-2020.

Ban quản lý Dự án Điện lực dầu khí sông Hậu 1 cũng đã tổ chức lựa chọn nhà thầu và mời nhà thầu tham gia chào giá thực hiện công tác “thu gom, xử lý và tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao cho nhà máy nhiệt điện sông Hậu 1”.

Nguy cơ nào của nhiệt điện than?

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc trường Đại học Cần Thơ cho biết, do không có hồ sơ dự báo phát thải nên khó đánh giá được chính xác.

Tuy nhiên, theo ông, trường hợp nếu sử dụng công nghệ đốt tốt nhất hiện nay, nó sẽ giúp đốt than được triệt để và sẽ giúp hạn chế được lượng tro bay phát sinh ra môi trường. "Nhưng, sự phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, thì vẫn như vậy, thậm chí có thể còn nhiều hơn vì đốt hoàn toàn”, ông cho biết.

Trong khi đó, việc lấy nước làm mát cho quá trình vận hành của dự án nhiệt điện than, nếu xả ra môi trường chắc chắn có sẽ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, sản xuất và sức khỏe người dân.

“Nước sau khi xả ra môi trường không phải là nước tốt cho các sinh vật vì gần như không còn gì trong đó, trong khi sinh vật sống cần chất phù sa lơ lửng”, ông cho biết.

Ngoài ra, chất lượng than nguyên liệu đầu vào tốt hay xấu cũng có ảnh hưởng khá lớn đến việc phát thải ô nhiễm ra môi trường.

Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, do lo ngại ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân từ nhiệt điện than, tỉnh Bạc Liêu đã quyết định từ bỏ dự án nhiệt điện Cái Cùng. Trong khi đó, tỉnh Long An và Tiền Giang cũng quyết định không làm nhiệt điện than để xin chuyển sang điện khí.

Ông Trần Đình Sính, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) trao đổi với TBKTSG Online gần đây liên quan đến các dự án nhiệt điện than cho biết, giá điện than hiện 7,5 xu Mỹ/kWh. Nhưng, đó là mức giá chưa được tính đến những tác động về môi trường, xã hội và kinh tế…

Theo ông Sính, nếu tính thêm những chi phí như nêu trên, thì mỗi kWh điện "tốn" thêm khoảng 5 xu Mỹ, tức giá điện than sẽ lên độ khoảng 12,5 xu Mỹ/kWh, trong khi điện mặt trời khoảng 9,35 xu Mỹ.

Về sức khỏe, theo ông Sính, những hạt bụi mịn khi vào trong phổi, phế nang đã được chứng minh sẽ gây hàng loạt các căn bệnh về tim mạch, hô hấp.

Một điểm đáng lưu ý nữa, theo ông Sính, nếu so sánh việc xây dựng nhà máy nhiệt điện khí so với nhiệt than, thì sẽ có lợi hơn rất nhiều, dù cũng phải gánh chịu phát thải ô nhiễm.

Cụ thể, khi đốt than phát điện, mỗi kWh điện sản xuất ra phát thải đến khoảng 1 kg khí CO2 và các chất độc hại khác có trong than như: SO2, NOx. Trong khi đó, điện dùng khí mỗi kWh phát thải khoảng 0,5 kg CO2 và không phát thải bụi mịn vì không có chất rắn trong khí, không phát thải khí SO2, NOx và các chất độc hại khác vì đã được lọc sạch trước khi hóa lỏng và vận chuyển.

“Đặc biệt, lượng tro xỉ khi thải ra và chôn lấp nó cũng tạo ra nhiều độc hại cho môi trường, sức khỏe, trong khi nhiệt điện khí không có tro xỉ ”, ông cho biết.

Còn về công nghệ, theo ông Sính, công nghệ siêu tới hạn (super critical) so với công nghệ tới hạn (sub critical) hiện nay, thì lượng than đốt sẽ giảm khoảng 5-7%, cho nên, lượng phát thải ( khí CO2, SO2, NOx,..) cũng giảm tương ứng. “Rõ ràng nó không nhiều”, ông nhấn mạnh và cho rằng với công nghệ trên siêu tới hạn (ultra super critical), thì cũng chỉ giảm lượng than sử dụng 7-10%, tức lượng phát thải cũng chỉ giảm thêm tương ứng so với công nghệ siêu tới hạn.

“Nói chung, sử dụng công nghệ trên siêu tới hạn, thì nó sẽ giúp lượng than sử dụng giảm đi khoảng 10% so với công nghệ siêu tới hạn hiện nay, tức phát thải cũng chỉ giảm được khoảng 10% thôi”, ông Sính cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới