(KTSG Online) - Mới đây, nhiều ngân hàng thông báo về chính sách giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp bị thiệt hại do bão số 3 gây ra (Yagi).
- Ngân hàng giảm lãi vay để người dân khôi phục sản xuất sau bão
- Xem xét miễn, giảm lãi vay cho khách hàng bị thiệt hại do bão số 3
TTXVN đưa tin, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) ngày 20-9 thông báo, giảm 1% lãi suất vay đồng Việt Nam và 0,5% lãi suất vay đô la Mỹ đối với khách hàng là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ cơn bão số 3. Điều này hướng đến hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tái thiết hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chương trình áp dụng từ nay đến 31-12-2024 với quy mô gói tín dụng là 1.000 tỉ đồng. Nhóm người được áp dụng là khách hàng doanh nghiệp hiện hữu của MSB chịu ảnh hưởng do bão cơn bão số 3 và khách hàng mới có nhu cầu vay vốn nhằm tái thiết hoạt động sản xuất kinh doanh sau bão.
Cùng ngày, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) thông báo sẽ giảm bình quân 50% lãi suất phải trả trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 12-2024 cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Đặc biệt với những khách hàng chịu thiệt hại nặng, khó khăn trong việc khôi phục sản xuất, SHB có thể hỗ trợ 100% lãi suất phải trả trong 4 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, SHB cũng cung cấp gói tín dụng lãi suất chỉ 4,5%/năm với khoản vay mới cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân bị tác động bởi bão số 3.
Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), từ nay đến cuối năm 2024, lãi suất cho vay cũng được giảm đến 2%/năm đối với dư nợ hiện hữu hoặc dư nợ mới. Đồng thời, ngân hàng giảm thêm 50% phí dịch vụ và miễn phí tất toán trước hạn.
Không chỉ các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng công bố tạm dừng thu lãi đối với hộ vay bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão đến hết ngày 31-12-2024.
Trước đó, hàng loạt ngân hàng đã triển khai các ưu đãi, đặc biệt là giảm lãi suất cho các khoản vay hiện hữu, giúp khách hàng giảm áp lực trả nợ như Vietcombank, Agribank, VPBank, ACB... Mức lãi suất giảm phổ biến từ 0,5-2%/năm tùy đối tượng vay vốn và chính sách riêng của mỗi ngân hàng.