Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thêm nửa triệu tấn xi măng và clinker vào Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thêm nửa triệu tấn xi măng và clinker vào Nam

Nhu cầu tiêu thụ xi măng được dự báo sẽ còn tăng cao trong thời gian tới. Trong ảnh, xi măng đang được mua lẻ từng bao để chuyển đến công trình ở quận Tân Phú, TPHCM – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG Online) – Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam vừa cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online biết lượng xi măng và clinker trong hợp đồng đã ký kết vận chuyển vào miền Nam từ nay đến hết tháng 6 này đã lên đến 507.000 tấn.

Chiều 12-6, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết trong tổng số 507.000 tấn, có 264.000 tấn clinker, còn lại là xi măng của các hãng như Hoàng Thạch, Phúc Sơn, Nghi Sơn, Cẩm Phả…

Hiện nay, lượng clinker nhập khẩu về dự trữ tại các nhà máy sản xuất xi măng trong nước là rất lớn do doanh nghiệp lo ngại giá clinker thế giới thay đổi từng ngày.

Công ty xi măng Hà Tiên 1 vừa cho biết hiện công ty đang bốc dỡ tại cảng TPHCM thêm 100.000 tấn clinker được nhập khẩu từ Thái Lan.

Theo Thứ trưởng Nam, việc các nhà máy xi măng vừa tăng giá bán xuất xưởng (tăng giá đầu nguồn) là một giải pháp giúp cân bằng cung-cầu thị trường, từ đó giúp kéo giảm giá xi măng trên thị trường trong nay mai.

Lý do là các nhà sản xuất sẽ giảm bớt lỗ, từ đó họ có nguồn lực mua thêm clinker từ phía Bắc chuyển vào và nhập khẩu thêm clinker, khi đó nguồn cung dồi dào sẽ dẫn đến cân đối giữa cung và cầu, và khi đó giá bán lẻ trên thị trường sẽ giảm xuống.

“Thực ra, nếu cứ kiềm giá bán xuất xưởng của doanh nghiệp như thời gian qua là vô tình làm cho doanh nghiệp giảm công suất sản xuất vì thua lỗ, từ đó nhà máy chỉ sản xuất cầm chừng gây hiếu hụt nguồn cung. Trong khi đó, việc các đại lý tăng giá bán lẻ thời gian qua cũng một phần do khan hiếm nguồn cung”, ông Nam giải thích.

Ông Quảng Trọng Dân, Phó tổng giám đốc Công ty xi măng Holcim Việt Nam cho biết, hiện tại công suất của nhà máy đã tăng lên 12.600 tấn/ngày, vượt hơn cả công suất nghiền của nhà máy chỉ khoảng 11.400 tấn/ngày.

Trong tháng 6 này, theo kế hoạch công ty sẽ tăng nguồn cung tối đa ra thị trường để giúp cân bằng cung-cầu. Nhằm bình ổn giá bán ở các đại lý, Holcim phải nhập thêm khoảng 40.000 tấn xi măng từ Thái Lan về để bổ sung tối đa nguồn cung.

Ngoài ra, theo ông Dân, thời gian gần đây, tình trạng giá đô la Mỹ tăng khá cao ngoài thị trường tự do cũng làm cho doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi nhập khẩu clinker từ các nước.

“Hôm nay, các ngân hàng mặc dù niêm yết giá bán là 16.600 đồng/đô la Mỹ, nhưng chúng tôi cũng không mua được đô la Mỹ, nếu muốn thì phải mua theo giá thỏa thuận được ngân hàng chào là 18.500 đồng/đô la Mỹ”, ông Dân cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online biết vào chiều 12-6.

Với giá đô la Mỹ tăng cao như vậy đã đẩy giá nhập khẩu clinker từ Philipines về đến TPHCM lên đến 1,2 triệu đồng/tấn tính đến thời điểm hiện tại, ông Dân cho hay.

Về vấn đề giá đô la Mỹ tăng cao, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng khi đồng ngoại tệ này tăng giá, đồng thời giá clinker ở các nước chào bán đã tăng liên tục đẩy giá nhập khẩu tăng theo. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc nhập khẩu clinker của doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại.

Ông Dân cho biết mới đây, ban giám đốc Holcim Việt Nam cũng vừa mới gửi thư “cầu cứu” Hiệp hội Xi măng Việt Nam tìm cách kiến nghị nhằm làm giảm tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ, chứ nếu như thế này hoặc cao hơn nữa thì chắc có lẽ Holcim cũng không giám nhập clinker nữa.

Hiện nay, mỗi tháng Holcim cần phải nhập khẩu khoảng100.000 tấn clinker. Ông Dân lập luận cứ một tàu 35.000 tấn clinker nhập về thì công ty đã lỗ do tỉ giá là khoảng 4 tỉ đồng.

Trước tình thế như hiện nay, nhiều nhà máy sản xuất xi măng khu vực phía Nam đang bắt đầu chuyển sang mua clinker từ các nhà máy nghiền clinker phía Bắc như Tam Điệp, Hải Phòng, Hoàng Thạch…để sản xuất mặc dù chất lượng clinker trong nước không cao như clinker nhập khẩu.

VĂN NAM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới