Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Theo dõi sát dòng tín dụng vào bất động sản, chứng khoán

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Theo dõi sát dòng tín dụng vào bất động sản, chứng khoán

Vân Phong

(KTSG Online) – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và một số ngân hàng thương mại cho biết sẽ giám sát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và chứng khoán, dù dư nợ trong hai lĩnh vực này chưa ghi nhận mức tăng đột biến.

Theo dõi sát dòng tín dụng vào bất động sản, chứng khoán
Dòng tiền đầu tư vào kênh bất động sản sẽ được các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ trong thời gian tới. Ảnh minh hoạ: H.Thắng.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN, cho biết dư nợ tín dụng với lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 1,85 triệu tỉ đồng tính tới cuối tháng 3-2021, tăng 3% so với tháng 12-2020. Mức tăng trưởng này được NHNN đánh giá cao hơn không đáng kể so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung – tính tới cuối tháng 3 – là 2,93%.

Với lĩnh vực chứng khoán, dư nợ tín dụng đạt khoảng 42.590 tỉ đồng tính tới cuối tháng 3-2021 – tương đương 0,46% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế và giảm 6,98% so với cuối năm 2020.

"Quy mô tổng dư nợ là 9,5 triệu tỉ đồng, như vậy mức dư nợ tín dụng chứng khoán không phải quá cao", ông Tuấn Anh nói tại buổi họp báo do NHNN tổ chức ngày 22-4.

Với tình trạng ‘sốt’ đất diễn ra từ đầu năm, lãnh đạo Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết nguyên nhân tới từ hành vi ‘lướt sóng’ giá đất của các nhà đầu tư khi nhiều địa phương ban hành bảng giá đất mới với mức tăng 15-20% so với bảng giá cũ.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán, vàng đã tăng cao giai đoạn trước đó cũng khiến dòng tiền chốt lời từ các nhà đầu tư dịch chuyển sang thị trường bất động sản.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ dòng vốn lĩnh vực bất động sản và chứng khoán do hai lĩnh vực này được xếp vào nhóm ngành tiềm ẩn nhiều rủi ro khi cho vay.

Hiện cơ quan quản lý đã ban hành các quy định hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, gồm: Quy định siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn ở mức 40%; Áp dụng hệ số rủi ro 150% với các khoản vay từ 4 tỉ đồng trở lên trong lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng.

Về phía các ngân hàng thương mại, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank), cho biết tỷ trọng cho vay bất động sản của ngân hàng ở mức dưới 5%, chủ yếu là cho vay mua nhà ở, không cho vay đầu tư.

“Ngân hàng hướng đến mục đích tiêu dùng thực của khách hàng”, ông Thọ nói bên lề Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của Vietinbank.

Cũng theo ông Thọ, Vietinbank sẽ hướng dòng vốn vào các lĩnh vực thiết yếu, thực hiện hoạt động cung ứng vốn phù hợp với nhu cầu từng ngành, từng địa phương và từng người dân.

“Ngân hàng có chính sách để đáp ứng nhu cầu vốn chính đáng của khách hàng nhưng cũng quản trị rủi ro chặt để dòng vốn đi vào phục vụ đời sống, xã hội mà vẫn bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Thọ cho biết.

Tương tự, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cho biết định hướng tăng trưởng tín dụng quy mô cao nhưng không hạ thấp ‘khẩu vị’ rủi ro, thậm chí càng ngày càng chặt chẽ hơn.

Với tín dụng lĩnh vực bất động sản, ông Thành cho biết tỷ lệ cho vay kinh doanh bất động sản ở mức 3,9% và tất cả các khoản vay này đều có tài sản đảm bảo.

“Nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản của Vietcombank đang được kiểm soát tốt, ở mức cực kỳ thấp khi chất lượng tín dụng của bất động sản là cao”, ông Thành nói tại ĐHĐCĐ thường niên của Vietcombank.

Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank, cho biết ngân hàng thực hiện rà soát danh mục danh mục cho vay bất động nhiều lần trong trong vòng năm. Đồng thời theo dõi các chỉ tiêu gồm: Tỷ lệ cho vay trên thu nhập của người vay; tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo; tỷ lệ cho vay trên từng phân khúc, từng địa bàn để có sự điều chỉnh hợp lý.

Theo ông Dũng, dư nợ cho vay bất động sản của Vietcombank ở mức 33.000 tỉ đồng tính tới hết năm 2020, mức không lớn so với tổng dư nợ tín dụng.

Nếu tính thêm các khoản vay cá nhân cho hoạt động liên quan đến bất động sản thì dư nợ cho vay ở mức 230.000 tỉ đồng, nhưng danh mục cho vay cá nhân rất an toàn với tỷ lệ tài sản đảm bảo cao, tỷ lệ nợ xấu thấp, theo ông Dũng.

Trước đó, PGS.TS Phạm Thế Anh – chuyên gia kinh tế – cho biết hiện dòng tiền của người dân, doanh nghiệp tập trung vào kênh đầu tư bất động sản và chứng khoán sẽ gây ra những bất ổn mang tính căn bản và lâu dài, gồm: gia tăng khoảng cách giàu nghèo, thiếu hụt nguồn lực phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Ông Thế Anh cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần xem xét nghiêm túc hiện tượng này, đặc biệt cần thận trọng với chính sách nởi lỏng tiền tệ do không đem lại lợi ích thực chất mà dẫn tới hành vi vào đầu cơ tài sản.
Đề xuất giải pháp, ông Phạm Thế Anh cho biết chính sách tiền tệ cần đặc biệt lưu ý tới sự chuyển dịch dòng vốn.

“Chính sách tiền tệ không chỉ đóng vai trò tăng cung tiền vào nền kinh tế mà còn cần hướng tới điều khiển nguồn lực, định hướng cho dòng vốn chung của toàn xã hội”, ông Thế Anh nói tại toạ đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1-2021 của VEPR. 

Tương tự, TS Cấn Văn Lực – Kinh tế trưởng Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển (BIDV) – cho biết nền kinh tế không thể phát triển bền vững nếu phần lớn dòng tiền dồn vào kênh đầu tư bất động sản.

Theo ông Lực, Chính phủ và một số địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Cụ thể, thông tin liên quan đến quy hoạch của các dự án phải được các địa phương, bộ, ngành công khai, minh bạch hoá.

Thậm chí, chuyên gia này đã đề xuất việc kiểm soát các cán bộ, viên chức có hành vi đầu cơ bất động sản.

Tại cuộc làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào ngày 17-4, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết tốc độ tăng tín dụng vào bất động sản đã chậm lại.

Hiện dư nợ tín dụng đầu tư chứng khoán hiện chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng, còn tỷ trọng đầu tư của các ngân hàng vào trái phiếu doanh nghiệp cũng nhỏ và thực tế được kiểm soát như với khoản cấp tín dụng, theo bà Hồng. 

Ngoài siết tín dụng bất động sản, chứng khoán theo chỉ đạo của Thủ tướng, đại diện NHNN cũng khẳng định sẽ quản lý chặt dòng tiền đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro như BT, BOT giao thông.


 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới